Trước phiên chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh vào sáng mai, Thanh tra Chính phủ vừa có báo cáo “Một số kết quả trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng” gửi các đại biểu Quốc hội.
Giải quyết được 93% vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng
Trong báo cáo này, Thanh tra Chính phủ cho biết cơ quan này đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tập trung kiểm tra, rà soát, giải quyết 528 vụ việc khiếu nại tố cáo tồn đọng, bức xúc, kéo dài. Đến nay, đã giải quyết được 492/528 vụ việc (đạt 93%); hiện nay còn 36 vụ việc các bộ, ngành, địa phương đang tích cực giải quyết. Trong số các vụ việc đã giải quyết, có 43 vụ việc công dân vẫn tiếp tục đến khiếu nại tại Trụ sở Tiếp dân Trung ương, chiếm 9%; 53 vụ việc công dân vẫn gửi đơn khiếu nại đến Thanh tra Chính phủ.
Sau khi giải quyết gần 90% (đối với 528) vụ việc, Thanh tra Chính phủ cũng đã ban hành Kế hoạch 2100/KH-TTCP tiếp tục kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài khác. Kế hoạch này đã được Thanh tra Chính phủ triển khai, quán triệt kịp thời đến các bộ, ngành địa phương và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn. Hiện nay các bộ, ngành, địa phương đang tập trung kiểm tra, rà soát và giải quyết.
Đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho rằng, thực trạng tình hình tham nhũng rất khó đánh giá, đo lường chính xác, nhưng có thể đánh giá: Tính chất, thủ đoạn tham nhũng ngày càng tinh vi, rất khó phát hiện, xử lý. Tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh chưa giảm. Tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, ngân sách, dự án đầu tư, cấp phép xây dựng, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… vẫn còn xẩy ra, chưa thấy có dấu hiệu giảm.
Do vậy, trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác này. Theo đó, sẽ tích cực xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực để phòng ngừa tham nhũng, chú trọng các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao; tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; cải cách chế độ tiền lương.
Hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng nhằm thể chế hóa đầy đủ các giải pháp phòng, chống tham nhũng đã đề ra, nội luật hóa những quy định của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng phù hợp với điều kiện của Việt Nam và khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn phòng, chống tham nhũng thời gian qua.
Sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống tham nhũng một cách toàn diện. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan thanh tra nhà nước trong quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng; tăng cường địa vị pháp lý, trách nhiệm, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng.
Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả 9 nhóm giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí: công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; việc rà soát cơ chế, chính sách, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn trên tất cả các lĩnh vực; việc xây dựng, thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, trong các cơ quan ở Trung ương và địa phương; việc kê khai tài sản, thu nhập; việc quy định xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng; công tác cải cách hành chính, nhất là việc thực hiện Đề án Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước; việc trả lương qua tài khoản; về tặng quà, nhận quà tặng, nộp lại quà tặng và việc chuyển đổi vị trí công tác.
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng, chống tham nhũng; nhấn mạnh sự tự phê bình và phê bình, sự gương mẫu của cấp trên, của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trước hết là cán bộ cao cấp ở Trung ương và người đứng đầu các ngành, các cấp, các đơn vị.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử trong việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng; xử lý kiên quyết, kịp thời các hành vi tham nhũng, thu hồi triệt để tài sản của Nhà nước, tập thể, cá nhân bị chiếm đoạt và thất thoát; kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị về phòng, chống tham nhũng ở các cấp, các ngành.
Tránh những cám dỗ về vật chất
Theo Thanh tra Chính phủ, thanh tra là một hoạt động nhạy cảm, thường xuyên tiếp xúc với những cám dỗ về vật chất, đối tượng thanh tra thường muốn giảm nhẹ tính chất, mức độ vi phạm được phát hiện; nếu cán bộ thanh tra không có bản lĩnh chính trị vững vàng thì rất dễ xảy ra vi phạm.
Trong 3 năm qua (2011- 2013), ngành Thanh tra đã tiến hành xử lý kỷ luật 82 cán bộ, công chức, chiếm 0,3% trên tổng số 28.200 cán bộ, công chức (trong đó: xử lý hành chính 71 người, xử lý hình sự 11 người có dấu hiệu và hành vi tham nhũng).
Riêng Thanh tra Chính phủ đã xử lý kỷ luật 12 công chức (buộc thôi việc 1 công chức do vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, cách chức 1 công chức do vi phạm pháp luật về giao thông và chống người thi hành công vụ, khiển trách 10 công chức do vi phạm về quy trình nghiệp vụ và sinh con thứ ba).
Thanh tra Chính phủ đã ban hành đồng bộ nhiều quy trình, quy chế nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức ngành Thanh tra như: Quy chế hoạt động của Đoàn Thanh tra, Quy chế giám sát, kiểm tra hoạt động Đoàn Thanh tra, Quy định về phòng, chống tham nhũng trong ngành Thanh tra, Quy tắc ứng xử của cán bộ thanh tra, 5 chuẩn mực theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Chỉ thị số 345/CT-TTCP “Về việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; nâng cao chất lượng thực thi công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thanh tra kỷ cương, trách nhiệm, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”...
Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, công tác thanh tra, công tác phòng, chống tham nhũng, chống lãng phí trong cơ quan Thanh tra Chính phủ và toàn ngành Thanh tra. Chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, nâng cao chất lượng công tác, thực hiện nghiêm túc các quy định về văn hóa công sở, quy tắc ứng xử,...
Tiếp tục chỉ đạo rà soát, loại bỏ các quy chế, quy định của cơ quan đã không còn phù hợp. Xây dựng, ban hành đồng bộ các chính sách để đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, trọng tâm là đánh giá cán bộ, xây dựng chuẩn cán bộ theo chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ làm cơ sở cho việc quy hoạch, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ; bố trí cán bộ đúng, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, năng lực, phẩm chất và sở trường của cán bộ, đảm bảo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức thanh tra gương mẫu, trách nhiệm và liêm chính.
Tích cực thực hiện cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức; sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định của cơ quan theo hướng đề cao trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu; quy định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị; khuyến khích bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng. Xem xét tinh giảm biên chế và cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức khoa học, hợp lý; quan tâm tốt hơn đến đời sống của công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan Thanh tra.