Tình tiết mới vụ lãnh đạo huyện ký bừa làm dư thừa 500 giáo viên ở Đắk Lắk

0:00 / 0:00
0:00
Sau khi bị chấm dứt HĐLĐ, thầy Dương đi làm nghề cửa sắt
Sau khi bị chấm dứt HĐLĐ, thầy Dương đi làm nghề cửa sắt
TPO - Liên quan đến vụ 500 giáo viên đồng loạt bị sa thải vì lãnh đạo huyện Krông Pắk, Đắk Lắk ký bừa dẫn đến dư thừa, nhiều thầy cô đã khởi kiện ra tòa để đòi quyền lợi và danh dự.

Ngày 4/12, nguồn tin của Tiền Phong xác nhận, TAND huyện Krông Pắk, Đắk Lắk đã ra quyết định đưa vụ kiện “Tranh chấp hợp đồng lao động” giữa nguyên đơn là 5 giáo viên và bị đơn Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (xã Krông Búk, huyện Krông Pắk) ra xét xử. Theo quyết định này, vụ kiện sẽ được đưa ra xét xử công khai vào ngày 20/12 tới đây.

Tình tiết mới vụ lãnh đạo huyện ký bừa làm dư thừa 500 giáo viên ở Đắk Lắk ảnh 1

Thầy Nguyễn Tuấn Anh sau khi bị sa thải phải làm nhiều nghề để kiếm sống

Trao đổi với Tiền Phong, thầy Nguyễn Ánh Dương (SN 1986) cho biết, sau khi bị Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ), thầy phải đi làm thuê nhiều nơi để kiếm sống.

“Hiện tôi làm thợ sắt cho một cơ sở cơ khí ở thị trấn Phước An (huyện Krông Pắk). Dịch bệnh hoành hành, tôi không có việc làm, mất thu nhập. Trong khi, gia đình có 3 đứa con thơ đang tuổi đến trường. Lo mỗi ngày 3 bữa cơm cũng khiến chúng tôi đuối sức”, thầy Dương chia sẻ.

Tình tiết mới vụ lãnh đạo huyện ký bừa làm dư thừa 500 giáo viên ở Đắk Lắk ảnh 2

Quyết định về HĐLĐ đối với thầy Dương

Theo thầy Dương, ngày 17/10/2013, Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk Nguyễn Sỹ Kỷ (khi đó) ký Quyết định về việc HĐLĐ đối với thầy Dương để bố trí giảng dạy tại Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai; kinh phí được chi trả từ nguồn ngân sách nhà nước giao trong chỉ tiêu biên chế. Trên cơ sở này, đầu tháng 11/2013, người đại diện theo pháp luật của trường này là ông Nguyễn Khắc Thành đã ký HĐLĐ với thầy Dương.

Thế nhưng, đầu 2017, Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai bất ngờ không phân công thầy Dương đứng lớp, không trả lương, cũng không cho thầy nghỉ việc. “Năm 2018, chúng tôi đồng loạt bị chấm dứt HĐLĐ. Dù các giáo viên đã chủ động liên hệ với ông Nguyễn Khắc Thành (Hiệu trưởng) để làm rõ nội dung này, nhưng ông này từ chối làm việc. Sau này, tôi làm đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng huyện Krông Pắk cũng đều không được giải quyết”, thầy Dương kể.

Ngoài ra, trong đơn khởi kiện Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai còn có 4 thầy cô giáo khác cùng nội dung tương tự.

“Thất nghiệp, vợ chồng tôi bỏ xứ, vào TP Hồ Chí Minh. Tôi đi làm thuê, vợ đi dạy mầm non. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, chúng tôi trở về huyện Krông Pắk được 1 năm nay và đang thất nghiệp. Ai có việc gì thuê tôi cũng làm để kiếm sống qua ngày”, thầy Nguyễn Tuấn Anh (SN 1988, một trong các giáo viên làm đơn khởi kiện Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai), cho hay.

Như Tiền Phong đã đưa tin, do các đời lãnh đạo UBND huyện Krông Pắk đã đặt bút ký ồ ạt, khiến huyện này dôi dư khoảng 500 giáo viên (trong đó, năm 2015 đã bổ nhiệm thừa 27 phó hiệu trưởng).

Liên quan đến vụ việc nêu trên, năm 2018, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Đắk Lắk đã kỷ luật khiển trách các ông Nguyễn Thành Dũng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Krông Pắk (nay là Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk) và ông Y Suôn Byă, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk. Sau đó, ông Y Suôn Byă được điều làm Phó chủ tịch Hội nông dân tỉnh Đắk Lắk.

UBKT Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Sỹ Kỷ, khi ông này đang giữ chức Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk (nay đã nghỉ hưu).

MỚI - NÓNG