Liên quan đến việc Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) vừa bắt giữ 3 công chức hải quan và 1 Phó Giám đốc Trung tâm công nghệ địa chất, khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có chỉ đạo nóng.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính giao Tổng cục Hải quan tạm đình chỉ công tác đối với 3 công chức, viên chức thuộc Cục Kiểm định Hải quan bị khởi tố gồm: ông Phùng Như Tùng - Trưởng Trung tâm phân tích; ông Hoàng Duy Huân, chuyên viên Trung tâm phân tích và bà Lê Khánh Hương, chuyên viên Chi cục Kiểm định Hải quan (Cục Kiểm định Hải quan) để phục vụ điều tra của Bộ Công an.
Đồng thời, Bộ Tài chính yêu cầu Tổng cục Hải quan chỉ đạo Cục Điều tra chống buôn lậu và các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng xác minh, điều tra, kết luận vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan phải xem xét xử lý kỷ luật với cán bộ, công chức, viên chức có liên quan (nếu có) theo quy định pháp luật.
Theo tài liệu của Cục Điều tra chống buôn lậu, từ tháng 12/2017 đến tháng 10/2018, Cty CP Diệp Bảo Anh (địa chỉ tại số 074 đường Sơn Đạo, phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai) mở 79 tờ khai xuất khẩu 79 lô hàng với tên khai báo “Xỉ có thành phần chính là Fe2O3, SiO2… thu được từ công nghệ luyện thép đã được tinh chế dạng bột” với tổng khối lượng hơn 56.700 tấn, sang Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai.
Tuy nhiên, qua điều tra, xác minh, Cục Điều tra chống buôn lậu có đủ căn cứ kết luận toàn bộ số hàng hóa nêu trên là “Tinh quặng sắt” không có tên trong danh mục hàng hóa được phép xuất khẩu theo quy định. Toàn bộ số hàng hóa trên không có nguồn gốc hợp pháp, trị giá khoảng 66,6 tỷ đồng.
Căn cứ kết quả điều tra, cơ quan Hải quan xác định, Cty CP Diệp Bảo Anh đã có nhiều hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Đó là, cố ý khai báo sai về tên hàng, lập khống hồ sơ nguồn gốc đầu vào, sử dụng chứng từ giả mạo đưa vào bộ hồ sơ hải quan để xuất khẩu hàng hóa thuộc diện không được phép xuất khẩu.
Hành vi của các đối tượng có dấu hiệu cấu thành tội “Buôn lậu” quy định tại Điều 188, Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Ngoài ra, các đối tượng có liên quan trong Công ty CP Diệp Bảo Anh và nhiều doanh nghiệp có hành vi phát hành, mua bán trái phép hóa đơn… có dấu hiệu cấu thành tội “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách” quy định tại Điều 203, Bộ Luật hình sự số 100 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Sau thời gian điều tra, xác minh thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ, ngày 6/8/2019, Cục Điều tra chống buôn lậu ra quyết định khởi tố vụ án hình sự với tội danh “Buôn lậu” xảy ra tại khu vực cửa khẩu quốc tế Lào Cai, liên quan đến Công ty CP Diệp Bảo Anh.
Quyết định khởi tố của cơ quan Hải quan đã được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn.
Cùng ngày 6/8/2019, Cục Điều tra chống buôn lậu chuyển toàn bộ hồ sơ sang cơ quan An ninh điều tra (A09) – Bộ Công an để tiếp tục điều tra theo thẩm quyền.
Theo Tổng cục Hải quan, đối với các công chức trong ngành có dấu hiệu liên quan, ngay khi phát hiện vụ việc, lãnh đạo tổng cục đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan rà soát, kiểm điểm trách nhiệm, sắp xếp vị trí công việc phù hợp để xem xét, xử lý.
Ngày 27/3/2020, Tổng cục Hải quan ban hành các quyết định (927/QĐ-TCHQ, 928/QĐ-TCHQ, 829/QĐ-TCHQ) tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với 3 công chức nêu trên, do liên quan đến vụ án.
Đối với công tác xây dựng lực lượng Hải quan nói chung, theo Tổng cục Hải quan, quan điểm của ngành là kiên quyết xử lý nghiêm khắc với cán bộ, công chức có sai phạm.