Tình hình Dải Gaza lên mức nguy hiểm mới, Thủ tướng Israel tuyên bố ‘mới chỉ bắt đầu’

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 13/10, bộ binh Israel triển khai cuộc tấn công đầu tiên vào Dải Gaza kể từ khi lực lượng Hamas tấn công miền nam Israel. Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết chiến dịch trả đũa chỉ mới bắt đầu.
Tình hình Dải Gaza lên mức nguy hiểm mới, Thủ tướng Israel tuyên bố ‘mới chỉ bắt đầu’ ảnh 1

Các xe bọc thép của quân đội Israel tiến vào Dải Gaza ngày 13/10. (Ảnh: AP)

Israel tuyên bố sẽ tiêu diệt Hamas sau khi các chiến binh của lực lượng này xông vào thị trấn và làng mạc, giết chết 1.300 người Israel, bắt đi hàng chục con tin.

Từ đó, Israel đặt Dải Gaza, nơi Hamas quản lý và có 2,3 triệu người Palestine sinh sống, trong tình trạng bị bao vây toàn diện và bắn phá bằng các đợt không kích chưa từng có. Chính quyền ở Dải Gaza cho biết 1.900 người đã thiệt mạng.

Ngày 13/10, Israel đặt thời hạn 24 giờ cho hơn một triệu cư dân ở nửa phía bắc của Dải Gaza để chạy về phía nam nhằm tránh một cuộc tấn công dữ dội. Hamas thề sẽ chiến đấu đến giọt máu cuối cùng và kêu gọi người dân không rời đi.

Người phát ngôn quân đội Israel, Chuẩn đô đốc Daniel Hagari, cho biết quân đội sử dụng xe tăng đã triển khai chiến dịch tấn công nhằm vào các đội tên lửa của Hamas và tìm kiếm thông tin về vị trí của con tin.

“Chúng ta đang tấn công đối phương bằng sức mạnh chưa từng có”, ông Netanyahu nói ngắn gọn trong một tuyên bố bất thường được truyền hình trực tiếp sau khi lễ Sabbath của người Do Thái bắt đầu. "Tôi nhấn mạnh rằng đây mới chỉ là sự khởi đầu", ông nói.

Hàng nghìn người dân Dải Gaza đã xuống các con đường hướng ra phía bắc Dải Gaza, nhưng không thể ước tính số lượng. Nhiều người khác cho biết họ sẽ không rời đi.

"Thà chết còn hơn là rời đi", Mohammad, 20 tuổi, đứng trên đường bên ngoài một tòa nhà đã biến thành đống đổ nát sau cuộc không kích trước đó của Israel gần trung tâm Dải Gaza, nói với Reuters.

Các nhà thờ Hồi giáo phát đi thông điệp: "Hãy giữ lấy nhà của bạn. Hãy giữ lấy đất của bạn".

Ông Eyad Al-Bozom, phát ngôn viên của Bộ Nội vụ Hamas, nói trong một cuộc họp báo: “Chúng tôi muốn nói với người dân phía bắc Dải Gaza và từ thành phố Gaza rằng hãy ở yên trong nhà và nơi ở của bạn”.

Chính quyền Dải Gaza cho biết 70 người thiệt mạng và 200 người bị thương khi Israel tấn công các ô tô và xe tải chở người dân chạy trốn khỏi phần phía bắc sang phía nam của dải đất.

Liên Hợp Quốc và các tổ chức khác cảnh báo nguy cơ xảy ra thảm họa nếu có quá nhiều người buộc phải chạy trốn, đồng thời kêu gọi dỡ bao vây khu vực để cho viện trợ vào.

Cũng trong ngày 13/10, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres cho biết tình hình ở Dải Gaza đã đạt đến "mức nguy hiểm mới".

"Chúng tôi cần tiếp cận nhân đạo ngay lập tức trên khắp Dải Gaza để có thể cung cấp nhiên liệu, thực phẩm và nước uống cho mọi người có nhu cầu. Ngay cả chiến tranh cũng có quy tắc", ông nói.

Trước đó, người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric cho biết người dân ở Dải Gaza sẽ không thể tuân theo lệnh của Israel phải rời khỏi miền bắc mà không phải đối mặt với "hậu quả nhân đạo tàn khốc". Israel cho rằng LHQ nên lên án Hamas và ủng hộ quyền tự vệ của Israel.

"Thòng lọng quanh cổ dân thường ở Dải Gaza đang thắt chặt. Làm thế nào mà 1,1 triệu người có thể di chuyển qua vùng chiến sự đông dân trong vòng chưa đầy 24 giờ?", Giám đốc viện trợ LHQ Martin Griffiths viết trên mạng xã hội.

Nỗ lực của Mỹ

Người phát ngôn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby nói rằng một cuộc sơ tán quy mô lớn như vậy là "mệnh lệnh khẩn cấp", nhưng Washington sẽ không nghi ngờ gì về quyết định của Israel trong việc yêu cầu dân thường sơ tán.

“Chúng tôi hiểu những gì họ đang cố gắng làm và tại sao họ lại cố gắng làm điều này, để cố gắng cô lập dân thường khỏi Hamas, vì Hamas mới là mục tiêu thực sự của họ”, ông Kirby nói trên MSNBC.

Mahmoud Abbas, Tổng thống Chính quyền Palestine - đối thủ của Hamas, nói với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ở Jordan rằng việc cưỡng bức di dời người Palestine ở Dải Gaza sẽ lặp lại tình cảnh hồi năm 1948, khi hàng trăm ngàn người Palestine chạy trốn hoặc bị đuổi khỏi Dải Gaza. Hầu hết người ở Dải Gaza ngày nay là hậu duệ của những người tị nạn như vậy.

Gaza là một trong những nơi đông đúc nhất trên trái đất và không có lối thoát. Israel đã áp đặt lệnh phong tỏa hoàn toàn. Còn Ai Cập, quốc gia cũng có biên giới với khu vực này, cho đến nay vẫn từ chối lời kêu gọi mở cửa cho cư dân chạy trốn.

Ngày 13/10, Hamas đăng video với nội dung cho thấy các chiến binh của họ đang cưng nựng một em bé và đứa trẻ mới biết đi tại một trong những ngôi làng mà họ đã xông vào, nơi Israel nói rằng toàn bộ gia đình đó đã bị tàn sát.

"Chúng tôi đang chiến đấu vì quê hương của mình. Chúng tôi đang chiến đấu vì tương lai của mình. Con đường sẽ còn dài, nhưng cuối cùng tôi hứa với các bạn rằng chúng tôi sẽ giành chiến thắng”, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant nói khi gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khi ông đến Israel, chỉ 1 ngày sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken.

Ông Austin cho biết viện trợ quân sự đang chảy vào Israel nhưng đây là lúc để quyết tâm chứ không phải để trả thù.

Ông Blinken đã tới Jordan để gặp Vua Abdullah và ông Abbas, sau đó tới Qatar, một đồng minh của Mỹ có ảnh hưởng giữa các nhóm Hồi giáo.

Đang có lo ngại chiến sự sẽ lan sang các mặt trận mới, bao gồm cả biên giới phía bắc của Israel với Li-băng, nơi xảy ra các cuộc đụng độ trong tuần này.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG