Tinh giản có khiến công chức 'ngộp thở'?

Cán bộ, công chức thành phố Thủ Đức (TPHCM) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân
Cán bộ, công chức thành phố Thủ Đức (TPHCM) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân
TP - Dân số ngày càng tăng nhưng biên chế cán bộ, công chức các phường xã, thị trấn ở TPHCM phải tinh giản theo quy định, nên ảnh hưởng đến hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là trong giải quyết thủ tục hành chính phục vụ nhu cầu người dân.

Ngày 26/2, tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại với lãnh đạo TPHCM, Chủ tịch UBND nhiều phường, xã, thị trấn, nói rằng, họ ngày càng cảm thấy “ngộp thở” vì áp lực công việc.

Dân số tăng, cán bộ giảm

Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân), ông Nguyễn Văn Ngân, cho biết, phường Bình Hưng Hòa A có diện tích 465 ha với dân số hiện nay trên 122.000 người và tăng không ngừng. Khi thực hiện Nghị định số 34 (sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố), UBND phường đã giải quyết chính sách dôi dư cho 28 cán bộ không chuyên trách theo quy định. Sau khi sắp xếp, số cán bộ còn lại gặp áp lực lớn trong giải quyết công việc cho người dân khi phường chỉ bố trí 4 cán bộ tiếp nhận ở bộ phận một cửa.

“Hiện nay, nếu tính theo số dân thì mỗi cán bộ của phường trung bình phải phục vụ cho 3.500 người dân. Hầu hết cán bộ của phường phải làm ngoài giờ, thêm giờ mới đảm bảo công việc”, ông Ngân nói.

Thực hiện Nghị định 34, huyện Bình Chánh hiện chỉ còn 224 cán bộ không chuyên trách (giảm 41%). Trong khi đó, huyện có bốn xã dân số đã tăng rất cao, gồm: Vĩnh Lộc A có 127.000 dân, Vĩnh Lộc B 129.000 dân, Bình Hưng, 101.000 dân, Tân Kiên, 60.000 dân.  Theo bà Nguyễn Thị Hương Thảo, Chủ tịch UBND xã Tân Kiên, số lượng cán bộ, công chức giảm nhưng khối lượng công việc ngày càng tăng, dẫn đến xã gặp nhiều khó khăn trong quản lý xây dựng, đất đai…

Lãnh đạo nhiều phường, xã đề xuất UBND TPHCM kiến nghị Trung ương xem xét, có chủ trương chia tách địa giới hành chính hoặc bố trí tăng cường cán bộ cấp xã, phường theo quy mô dân số để đảm bảo công tác quản lý nhà nước ở cơ sở và đáp ứng nhu cầu phục vụ người dân.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Huỳnh Thanh Nhân, TPHCM đã nhiều lần có ý kiến về số lượng cán bộ không chuyên trách tại các phường, xã. Mới đây nhất, Bộ Nội vụ tiếp tục khẳng định quy mô dân số không phải tiêu chí để sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã cũng như không lấy tiêu chí dân số để sắp xếp cán bộ.

“Xu hướng chung hiện nay là sáp nhập các đơn vị hành chính, không có chủ trương chia tách ra nên rất khó để Sở Nội vụ tham mưu. Tuy nhiên, giai đoạn 2021-2030, TPHCM sẽ nghiên cứu đề xuất nâng một số huyện lên quận”, ông Nhân nói.

Ðề xuất lập sàn giao dịch công chức

Chủ tịch UBND phường Nguyễn Thái Bình (quận 1), bà Nguyễn Diệp Bích Hạnh, cho biết, nhiều năm qua, các phường, xã, thị trấn chưa được tuyển dụng công chức mới do thành phố không tổ chức thi tuyển. Số lượng cán bộ chuyên trách của phường chỉ còn 14 người nên hoạt động gặp khó khăn. Quận 1 là trung tâm TPHCM, người dân đến vui chơi, học tập rất nhiều.

Chủ tịch UBND phường 2 (quận Bình Thạnh), ông Nguyễn Văn Quang, cho biết, phường có dân số hơn 127.000 người, quản lý trật tự 18 tuyến đường, trong đó có đường Bùi Hữu Nghĩa (chợ Bà Chiểu) là điểm nóng về buôn bán lấn chiếm lòng lề đường. Khi lực lượng chức năng có mặt thì đảm bảo trật tự, đến lúc rời đi thì lại diễn ra. Lực lượng cộng tác viên trật tự đô thị thì mỏng và yếu, không qua đào tạo chuyên môn, chủ yếu chỉ tốt nghiệp phổ thông trung học. “Vậy mà tuyển rất khó vì làm vài tháng, anh em bị áp lực trong khi lương quá thấp, chỉ 2,4 - 2,9 triệu đồng/tháng nên không đảm bảo đời sống”, ông Quang cho hay.

Theo ông Nguyễn Thế Dũng, Chủ tịch UBND phường 4 (quận Gò Vấp), sau tinh giản, số lượng cán bộ chuyên trách của các phường, xã đã giảm lại còn phải phối hợp với các cơ quan đơn vị cấp thành phố để giải quyết các sự vụ trên địa bàn. Ông Dũng nói: “Các cơ quan như Tòa án, Thừa phát lại, Thi hành án dân sự… trong quá trình thi hành nhiệm vụ luôn đề nghị đia phương phối hợp. Cán bộ tư pháp phường được mời đến để chứng kiến nhưng phải có mặt, dẫn đến công việc chính là phục vụ người dân bị tồn đọng. Thành phố cần yêu cầu các cơ quan chức năng rà soát, những việc nào không cần thiết thì không nên mời cán bộ địa phương đến để anh em tập trung giải quyết công việc cho người dân”.

Trước tình trạng khan hiếm công chức, Chủ tịch UBND phường 6 (quận Gò Vấp) Phan Đình An đề xuất TPHCM lập sàn giao dịch công chức để giải quyết nhu cầu chuyển công tác của một bộ phận cán bộ và việc tuyển dụng của nhiều đơn vị có nhu cầu.

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, thành phố đang xin chủ trương chuyển một phần thanh tra xây dựng về các địa phương. Để duy trì trật tự đô thị, trước mắt, các lực lượng của địa phương phải phối hợp, cùng nhau giải quyết với sự vào cuộc của các đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc…, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm.

Tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, thường xuyên nhận được các cuộc gọi, tin nhắn của người dân, đặc biệt là từ 10 giờ đêm phản ánh về việc bị quấy rầy bởi tiếng ồn từ các loại hình karaoke tự phát và ông đã chỉ đạo xử lý nghiêm.

“Người dân đi làm cả ngày, tối về nghỉ ngơi để tái tạo sức khỏe còn bị tra tấn bởi karaoke tự phát là không thể chấp nhận được. Bị làm phiền như vậy làm sao đảm bảo sức khỏe để hôm sau làm việc. Các địa phương, sở, ngành cần thấy trách nhiệm của mình. Đây là vấn nạn nhức nhối, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dân, chứ không phải là chuyện bình thường”, ông Phong nói.

MỚI - NÓNG
Chính sách vượt trội của Phú Yên
Chính sách vượt trội của Phú Yên
TPO - Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam công bố kết quả thực hiện chỉ số thu hút đoàn làm phim. Tỉnh Phú Yên dẫn đầu cả nước ở bộ chỉ số thu hút đoàn làm phim (PAI). Danh sách Top 10 còn có nhiều địa phương hấp dẫn như TPHCM, Đà Nẵng, Ninh Bình.