Cạnh tranh được với “Quê em mùa nước lũ”, họa may chỉ có “Nơi đảo xa”?! Tùng Dương vừa hát đêm trước thì sáng hôm sau, bài này đã leo đến vị trí thứ 4. “Nơi đảo xa” hội nhiều yếu tố có thể tiến tới những vị trí cao hơn, trong đó phải kể đến thời điểm- khi toàn dân đang hướng về Trường Sa. Tất nhiên cũng phải nói rằng Tùng Dương đã thể hiện bài hát hết khả năng có thể, bắt đúng mạch cảm xúc mà khán giả đang trông chờ.
“Thực sự, Nơi đảo xa” vốn mang màu sắc trữ tình ở cả nét nhạc và lời hát: “Ơi ánh mắt em yêu như biển xanh như trời xanh trong nắng mới/ Nhớ cả dáng hình em mùa gặt nặng đôi vai/ Sóng ru mối tình đời thủy thủ càng thêm vui/ Đây con tầu xa khơi, đây con tầu xa khơi…” Nhưng bản phối của Tùng Dương đã đẩy tiềm năng hùng tráng của bài hát lên hết mức có thể.
Trong hai năm 2012 và 2013, ít nhất có hai đoạn video “Nơi đảo xa” với sự tham gia thu thanh và ghi hình của hàng nghìn người được phát truyền hình và tung lên mạng. Nhận được sự đồng cảm của đông đảo người dân, “Nơi đảo xa” chưa bao giờ có sức sống mạnh mẽ đến vậy. Giai đoạn này, “Nơi đảo xa” bỗng mang tính hiệu triệu, hướng lòng dân về với chủ quyền đất nước. Hát “Nơi đảo xa” bỗng trở thành cách thể hiện lòng yêu nước, thể hiện thái độ khi chủ quyền lãnh hải bị xâm phạm. Thế đấy, một bài hát mềm mại khi cần cũng có thể trở thành mãnh liệt. Có cái gì đó giống như tâm thế của đất nước…
Vận nước thay đổi, âm nhạc cũng đổi thay. Những bài hát mang âm hưởng dân tộc cả về nội dung và hình thức như “Quê em mùa nước lũ”, như “Nơi đảo xa”… đang lên ngôi.