“Đi học” - làm mới hay… làm méo?

Hải Bột chưa thực sự thuyết phục khán giả trong vai trò ca sĩ hát bài của người khác. Ảnh: Hoàng Hiển
Hải Bột chưa thực sự thuyết phục khán giả trong vai trò ca sĩ hát bài của người khác. Ảnh: Hoàng Hiển
TP - Một nhạc sĩ phối khí kỳ cựu như Quốc Trung cũng có khả năng làm khán giả ngạc nhiên dẫn tới phản ứng khá gay gắt - khi tung ra một bản phối “kỳ lạ” như Đi học tại chương trình Giai điệu Tự hào số 5. Hay đây là chiêu gây chú ý mới của chương trình chưa biết chừng?!

Trong chương trình Giai điệu Tự hào số 5, lên sóng tối 31/5, nhiều cuộc tranh cãi hết sức nghiêm túc nổ ra về việc có nên huy động trẻ em tham gia kháng chiến bảo vệ đất nước; phong trào kế hoạch nhỏ cần được cải tiến thế nào cho phù hợp với ngày nay; ai chịu trách nhiệm trong việc các kỳ nghỉ hè của học sinh bị ăn bớt… Nhưng tranh cãi rôm rả nhất lại không liên quan đến chính trị xã hội mà chỉ quanh việc làm mới bài Đi học.

Đây là bài hát nổi tiếng nhạc sĩ Bùi Đình Thảo phổ thơ Minh Chính, được nhiều thế hệ người Việt yêu thích và thuộc nằm lòng. Cách đây chục năm, bài hát được Tạ Quang Thắng và Anh Khang hát lại theo lối luyến láy R&B, được đông đảo thính giả trẻ hưởng ứng. Vì thế mà lần làm mới này sẽ là một thách thức đối với Quốc Trung- giám đốc âm nhạc của Giai điệu Tự hào.

Kết quả là bản phối mới với dàn dây trang trọng và sự thể hiện của Hải Bột (tức rocker Nguyễn Công Hải của nhóm Quái vật Tí hon trước đây) đã bị khán giả tại trường quay phản đối khá dữ dội, dẫn đến việc giám đốc âm nhạc phải rời vị trí làm việc ra trước ống kính để “giải trình”.

“Là người làm âm nhạc, tôi biết rõ phải tôn trọng nốt nhạc như thế nào. Tôi trân trọng tác phẩm đồng thời cũng muốn tiếp nối đời sống của ca khúc. Tôi không hướng tới khán giả lão thành bởi vì các vị đã nghe bài hát ấy 40 năm rồi.

Tôi muốn các khán giả trẻ cảm nhận và thích thú để bài hát ấy tiếp tục tồn tại. Đó là lý do tôi bắt ca sĩ hát khác đi ở lần thứ hai và nếu đấy là lỗi thì tôi sẽ xin lỗi nhạc sĩ”.

Quốc Trung tỏ ra tôn trọng giai điệu gốc bằng cách cho ca sĩ hát đúng bản nhạc ở lần đầu tiên. Lần hát thứ hai, ca sĩ bắt đầu phiêu nhưng xem ra khá gượng ép. Người ta chỉ thấy không đúng nhạc chứ khó mà thấy hay hoặc hợp lý.

Bên cạnh đó, Hải Bột chưa phải ca sĩ giỏi hoặc nổi tiếng (dù anh được đánh giá khá cao khả năng sáng tác và trình diễn nhạc rock) để có thể xử lý ổn thỏa và thuyết phục tác phẩm đã định hình của người khác.

Xem Hải Bột hát Đi học có thể thấy anh chưa hoàn toàn nhập tâm với bài hát. Anh hát đôi chỗ bị ngập ngừng, rời rạc, chưa chuẩn nhịp và lời. Phản ứng của khán giả trường quay khá dễ thương: Họ hát lại bài hát bằng cách mộc mạc nhưng ít ra cũng đúng nhạc hơn.

“Tên chương trình là Giai điệu Tự hào, nghĩa là những giai điệu được đưa vào chương trình đều đáng để tự hào cả, vậy nên thiết nghĩ càng nên giữ nguyên giai điệu gốc như một sự trân trọng, tự hào tối thiểu”.

(Ý kiến của một khán giả yêu nhạc)

Cũng giống như với Đưa cơm cho mẹ đi cày, giai điệu gốc vốn giàu chất dân gian, miền núi của Đi học đã được phối và hát theo kiểu Tây, lược bỏ hầu hết những luyến láy, nhấn nhá.

Công nhận là làm mới những bài hát cũ là cách để chứng tỏ rằng chúng vẫn đang sống. Nếu sự làm mới của người phối Đi học không dừng lại ở phần hòa âm. Bản Đi học trong Giai điệu Tự hào có dấu hiệu sửa giai điệu. Việc làm này khá nhạy cảm trong hoàn cảnh ý thức về quyền sở hữu trí tuệ đang được nâng cao. Nếu muốn, tác giả bài hát có thể kiện.

Một bản phối hiệu quả nên là bản phối hỗ trợ để cái hay cái đẹp của bài hát nổi bật lên, được chú ý hơn chứ không phải chạy theo tiêu chí làm mới bằng mọi giá.

Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, muốn phối đúng tinh thần dân tộc của bài hát không phải chuyện đơn giản, vì Đi học được tư duy theo giai điệu hơn là theo hòa âm, tiết tấu. Nếu cứ cố ép bài hát vào một tiết tấu chủ quan nào đó, dễ làm cho sản phẩm đầu ra bị khiên cưỡng.

Tuy nhiên, cũng trong Giai điệu Tự hào số 5, một số ca khúc thiếu nhi kinh điển đã được làm mới hiệu quả và sáng tạo. Bé bé bằng bông của nhạc sĩ Phạm Đức Lộc chỉ được đệm bằng một dàn tre lắc - có thể coi là một dàn chiêng bằng tre.

Mỗi kết cấu tre khi được lắc sẽ tạo nên một hợp âm. Tất cả kết hợp lại thành một nền nhạc hoàn chỉnh. Đáng ngạc nhiên là bài hát nhận bình chọn khá thấp từ khán giả trường quay. Vì giai điệu bài hát quá đơn giản hay vì cách phối cũng đơn giản quá - cho dù rất sáng tạo đi nữa.

Mùa hoa phượng nở của Hoàng Vân là sự kết hợp hoàn chỉnh giữa bài hát, bản phối và người trình bày (nhóm 5 Dòng Kẻ). Kết quả, tiết mục này nhận bình chọn cao nhất tại trường quay: hơn 94,4%.

MỚI - NÓNG