Theo báo cáo từ Tổng cục Tình báo Ukraine, đến này, có khoảng 20 chiếc T-14 Armata đã được Nga sản xuất và thử nghiệm.
Báo cáo chỉ ra rằng, tính đến cuối năm 2023, T-14 Armata vẫn chưa trải qua các cuộc thử nghiệm cấp nhà nước và chưa được đưa vào phục vụ trong lực lượng vũ trang Nga.
Theo đánh giá của tình báo Ukraine, mặc dù Nga có kế hoạch sản xuất thêm 29 xe tăng T-14 Armata vào năm 2024, tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy mục tiêu này khó có thể đạt được. Đáng chú ý, trong năm 2023, không có chiếc nào trong số 29 chiếc theo kế hoạch được sản xuất.
Tổng cục Tình báo Ukraine cũng chỉ ra rằng, hiện tại không có thông tin nào liên quan đến sự tham gia của xe tăng T-14 Armata trong các hoạt động chiến đấu ở Ukraine.
Được biết, đầu tháng này, người đứng đầu tập đoàn quốc phòng Nga Rostec, ông Sergey Chemezov tiết lộ nước này sẽ không đưa xe tăng T-14 Armata vào tham chiến, mà một trong những lý do là giá thành của xe tăng này khá đắt đỏ.
T-14 Armata được biết đến với khả năng bảo vệ tiên tiến, với giáp tổng hợp, giáp phản ứng nổ và hệ thống bảo vệ chủ động Afghanistanit, có khả năng phát hiện và đánh chặn các vật thể bay tới.
Xe tăng được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực tinh vi, nhiều camera độ phân giải cao và cảm biến tiên tiến, cung cấp cho tổ lái nhận thức tình huống toàn diện và tạo điều kiện cho việc xác định mục tiêu nhanh chóng.
Sử dụng động cơ diesel 1.500 mã lực, cho phép T-14 Armata đạt tốc 90 km/h, tầm hoạt động 500 km.
Vũ khí chính được trang bị cho T-14 Armata là pháo nòng trơn 2A82-1M cỡ nòng 125 mm được lắp đặt trên tháp pháo sử dụng điều khiển từ xa và bộ nạp đạn hoàn toàn tự động với cơ số đạn là 32 viên sẵn sàng khai hỏa. Được biết, pháo chính có thể bắn tên lửa dẫn đường bằng laser với tầm bắn từ 7-12 km.
Vũ khí thứ cấp được trang bị cho T-14 bao gồm súng máy Kord 12.7 mm với cơ số đạn là 300 viên hoặc PKTM 7.62 mm với cơ số đạn là 1000 viên.