Tin nóng giáo dục: Hà Nội tăng học phí trường công lập

TPO - Từ năm học 2017-2018, Hà Nội chính thức áp dụng mức học phí mới tại các cơ sở giáo dục công lập. Liệu mức tăng học phí này có làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân?

Theo đó, mức học phí cho học sinh nhà trẻ, mẫu giáo, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông được Sở GD&ĐT Hà Nội quy định ở từng khu vực:

Thành thị là 110.000 đồng/tháng/học sinh (tăng 30.000 đồng/tháng/học sinh); nông thôn là 55.000 đồng/tháng/học sinh (tăng 15.000 đồng/tháng/học sinh); miền núi là 14.000 đồng/tháng/học sinh (tăng 4.000 đồng/tháng/học sinh).

Cùng với việc tăng học phí, các cơ sở giáo dục công lập phải thực hiện công khai mức thu học phí theo năm học (đối với cấp học mầm non, phổ thông), theo khóa học (đối với các trường trung cấp chuyên nghiệp).

Sở GD&ĐT TP Hà Nội cho biết việc điều chỉnh tăng học phí sẽ không ảnh hưởng học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, học sinh diện chính sách, vì các đối tượng này đã được hưởng chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định của Trung ương.

Hà Nội tuyển hơn 6.200 học sinh hệ bổ túc THPT

Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ vừa phê duyệt chỉ tiêu tuyển sinh năm học 2017 - 2018 cho 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn, với tổng chỉ tiêu hơn 6.200 học sinh (HS). Toàn bộ HS đã tốt nghiệp THCS, có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú tại Hà Nội đều có thể đăng ký dự tuyển. Phương thức tuyển sinh là xét tuyển căn cứ vào kết quả rèn luyện, học tập của HS cấp THCS và điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có).

Chỉ tiêu cụ thể của từng đơn vị như sau: Ba Đình 120 HS, Nguyễn Văn Tố 120 HS, Tây Hồ 160 HS, Long Biên 120 HS, Cầu Giấy 120 HS, Đống Đa 120 HS, Hai Bà Trưng 80 HS, Hoàng Mai 120 HS, Thanh Xuân 200 HS, Nam Từ Liêm 320 HS, Sóc Sơn 360 HS, Đông Anh 360 HS, Gia Lâm 280 HS, Thanh Trì 320 HS, Mê Linh 320 HS, Hà Đông 160 HS, Sơn Tây 160 HS, Ba Vì 280 HS, Phúc Thọ 360 HS, Đan Phượng 360 HS, Hoài Đức 360 HS, Quốc Oai 200 HS, Thạch Thất 320 HS, Chương Mỹ 120 HS, Thanh Oai 160 HS, Thường Tín 120 HS, Phú Xuyên 280 HS, Ứng Hòa 80 HS, Mỹ Đức 200 HS.

Hai đối tượng được đặc cách tốt nghiệp THPT 

Theo Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT, có hai đối tượng được đặc cách tốt nghiệp THPT trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. 

Thứ nhất, thí sinh bị tai nạn, ốm hoặc có việc đột xuất đặc biệt trước ngày thi không quá 10 ngày hoặc ngay trong buổi thi đầu tiên, không thể dự thi; điều kiện bắt buộc để được đặc cách là thí sinh phải có xếp loại về học lực và hạnh kiểm cả năm học lớp 12 đều từ khá trở lên. Trường hợp thứ hai được đặc cách tốt nghiệp THPT là thí sinh bị tai nạn, ốm hoặc có việc đột xuất đặc biệt sau khi đã thi ít nhất một bài thi và không thể tiếp tục dự thi hoặc sau khi bị tai nạn, bị ốm hoặc có việc đột xuất đặc biệt tự nguyện dự thi số bài thi còn lại.

Bộ Giáo dục - Đào tạo lưu ý, chậm nhất 7 ngày sau buổi thi cuối cùng của kỳ thi, thí sinh phải nộp hồ sơ đặc cách cho thủ trưởng đơn vị nơi thí sinh đăng ký dự thi. Hồ sơ đặc cách gồm hồ sơ nhập viện, ra viện do bệnh viện cấp huyện trở lên cấp (nếu bị tai nạn, bị ốm) hoặc xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú (nếu có việc đột xuất đặc biệt), biên bản đề nghị xét đặc cách tốt nghiệp THPT của trường phổ thông nơi đăng ký dự thi.

Từ 1/5, chính thức bỏ thi tốt nghiệp với ĐH hệ vừa học, vừa làm.

Theo đó, điều kiện xét tốt nghiệp sẽ được thực hiện theo quy chế đào tạo ĐH hệ chính quy theo tín chỉ hiện hành. Đặc biệt, người học không đủ điều kiện tốt nghiệp, nếu có yêu cầu sẽ được cấp giấy chứng nhận các học phần đã hoàn thành.

Để được thực hiện liên kết đào tạo trình độ ĐH, cơ sở giáo dục chủ trì đào tạo phải có quyết định cho phép mở ngành hệ chính quy và đã tuyển sinh tối thiểu 2 khóa đối với ngành dự kiến liên kết; đã công bố công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm sau 12 tháng đối với ngành dự kiến liên kết của khóa tốt nghiệp gần nhất…

Giáo viên dạy nghề trình độ TC,CĐ phải có thời gian giảng dạy ít nhất 12 tháng; có chứng chỉ sư phạm dạy nghề; có một trong các chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia hoặc chứng nhận bậc thợ, chứng nhận nghệ nhân nhân dân, nghệ sĩ nhân dân, thầy thuốc nhân dân hoặc bằng tốt nghiệp CĐ nghề, chứng chỉ kỹ năng thực hành nghề trình độ CĐ nghề hoặc tương đương.

Từ ngày 18/5, người dự tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ phải có bằng thạc sĩ hoặc bằng tốt nghiệp ĐH loại giỏi trở lên, thay vì chỉ cần bằng tốt nghiệp ĐH loại khá trở lên như quy định hiện hành.

MỚI - NÓNG
Nhiều vũ khí hiện đại sẽ xuất hiện tại triển lãm quốc tế do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức
Nhiều vũ khí hiện đại sẽ xuất hiện tại triển lãm quốc tế do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức
TPO - Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam lần thứ 2 - năm 2024 do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức, dự kiến diễn ra từ ngày 19/12 đến 22/12/2024 tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội. Nhiều loại vũ khí, thiết bị quân sự hiện đại, trong đó có những sản phẩm mới sản xuất gần đây sẽ được trưng bày.