Tin mới vụ cho phá rừng quốc gia Yok Đôn làm thủy điện

Nơi dự kiến xây dựng Nhà máy thủy điện Đrăng Phốk là rừng có hệ sinh thái đa dạng và nhiều loại gỗ quý.
Nơi dự kiến xây dựng Nhà máy thủy điện Đrăng Phốk là rừng có hệ sinh thái đa dạng và nhiều loại gỗ quý.
TP - Lãnh đạo Vườn Quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk) phản đối nội dung báo cáo của những người lập và duyệt dự án xin xây dựng nhà máy thủy điện Đrăng Phốk, rằng 63 ha rừng đặc dụng của Vườn đã được Bộ NN&PTNT đề nghị Chính phủ cho phép được chuyển đổi sang mục đích làm thủy điện, là vùng “rừng nghèo đang tái sinh sau khai thác kiệt”!

Rừng nhiều gỗ quý!

Như Tiền Phong đã phản ánh trong bài “Lại cho phá rừng quốc gia Yok Đôn làm thủy điện” đăng ngày 13/4/2016, vào năm 2007, UBND tỉnh Đắk Lắk đồng ý cho TECCO khảo sát lập dự án nhà máy thủy điện (NMTĐ) Đrăng Phốk với công suất 28MW tại tiểu khu 430, 431 và 451, thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc (VQG) Yok Đôn. Ngày 6/8/2009, Bộ NN&PTNT có công văn số 2326/BNN-KL gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho chuyển đổi mục đích sử dụng 63ha rừng đặc dụng VQG Yok Đôn để làm NMTĐ Đrăng Phốk và nhận định rằng khu vực rừng làm thủy điện này là “loại rừng nghèo tái sinh sau khai thác kiệt”!

Đến năm 2011, UBND tỉnh Đắk Lắk cho phép TECCO lập dự án đầu tư xây dựng NMTĐ Đrăng Phốk. Dự kiến, diện tích rừng đặc dụng phải chuyển đổi làm NMTĐ này khoảng 63ha, trong đó diện tích chuyển đổi vĩnh viễn khoảng 53ha (trải dài 9km theo bờ sông Srêpốk) và diện tích chuyển đổi tạm thời 10ha. Qua chuyến đi khảo sát cùng lực lượng kiểm lâm VQG Yok Đôn mới đây, chúng tôi đã tận thấy khu vực xây dựng NMTĐ Đrăng Phốk có hệ sinh thái rừng khộp đa dạng với rất nhiều cây cổ thụ đường kính tới vài mét, nhiều loại gỗ quý, khác với ý kiến những người xin cấp phép cho dự án đây là “rừng nghèo tái sinh...”, ảnh hưởng không lớn tới môi trường.

Lãnh đạo Bộ cũng phản đối!

Theo ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc VQG Yok Đôn, khu vực rừng đặc dụng để chuyển đổi làm NMTĐ Đrăng Phốk thuộc vùng lõi VQG Yok Đôn và đây là phân khu bảo vệ nghiêm ngặt. Ông Tùng chia sẻ: “Hệ sinh thái VQG Yok Đôn là hệ sinh rừng khộp đặc trưng của Việt Nam và Đông Nam Á. Nếu chúng ta tác động vào lõi VQG Yok Đôn thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, môi sinh của hệ sinh thái này, ảnh hưởng đến các loại động thực vật quý hiếm và gia tăng áp lực giữ rừng đối với lực lượng kiểm lâm. Sau khi báo đăng, một lãnh đạo của Bộ NN&PTNT đã gọi tôi lên báo cáo và cho biết quan điểm của ông là phản đối việc xây dựng thủy điện này trong VQG Yok Đôn’’.

Cũng theo ông Tùng, ngoài 63ha rừng đặc dụng phải chuyển đổi, khi xây dựng nhà máy này, VQG Yok Đôn phải “hy sinh” nhiều diện tích rừng đặc dụng nữa để làm đường dây truyền tải điện. Với hành lang lưới điện khoảng 5m, thêm chiều dài đường truyền tải điện khoảng 35km, VQG Yok Đôn phải chuyển đổi mục đích sử dụng khoảng 17ha rừng đặc dụng nữa.                

Gia Lai: Rút đề xuất làm thủy điện trong khu bảo tồn

Sở Công Thương Gia Lai cho biết, Công ty 30-4 Gia Lai ngày 15/4 có thông báo hủy đề xuất làm thủy điện trong khu bảo tồn Kon Chư Răng của tỉnh Gia Lai.  Trước đó, Công ty 30-4 Gia Lai đã gửi tờ trình xin bổ sung vào quy hoạch hai thủy điện Suối Say 1, 2 trong Khu bảo tồn Kon Chư Răng với công suất dự kiến 40MW, mức đầu tư 1.200 tỷ đồng, chiếm dụng 25ha rừng trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu Bảo tồn Kon Chư Răng (Tiền Phong phản ánh trong bài “đang đại hạn sao lại phá rừng”). Đề xuất này gặp phải phản ứng gay gắt của các nhà khoa học vì dự án chiếm dụng rừng đặc dụng, gây lo ngại nguy cơ gây thay đổi dòng chảy, phá vỡ hệ sinh thái đa dạng của Khu bảo tồn.             

Nguyễn Hoài

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.