TIÊU ĐIỂM KINH TẾ:

Tin mới nhất về tiền lương; giá gạo Việt tự dưng... bất động

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Giá vé máy bay 'sốt' từng ngày; Bộ Công Thương đề xuất tăng giá điện trong năm 2024; Giá gạo Việt đang tăng vù vù bỗng dưng… bất động; Thông tin mới nhất về 5 bảng lương mới... là những thông tin đáng chú ý trong tuần qua.

Giá vé máy bay 'sốt' từng ngày

Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tăng mạnh dịp Tết. Đại diện Vietnam Airlines Group cho biết, đã tăng thêm hơn 66.200 ghế, tương đương hơn 310 chuyến bay nội địa trong giai đoạn cao điểm Tết từ ngày 25/1 đến 24/2 (tức từ ngày 15 tháng Chạp năm Quý Mão đến 15 tháng Giêng năm Giáp Thìn).

Các chuyến bay tăng cường tập trung nhiều nhất vào các đường bay nội địa giữa TPHCM và Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa, Quy Nhơn, Huế, Quảng Nam, Tuy Hòa, Đà Lạt, Cam Ranh, Buôn Ma Thuột, Pleiku, Phú Quốc.

Tin mới nhất về tiền lương; giá gạo Việt tự dưng... bất động ảnh 1
Các hãng hàng không tăng cường bay đêm để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Vietravel Airlines ghi nhận tỷ lệ lấp đầy trung bình của các chặng bay thuận chiều đã đạt trên 90%, trong đó chặng TPHCM- Quy Nhơn/Đà Nẵng vào các ngày cận Tết tỉ lệ lấp đầy đạt trên 97%. Một số chặng bay đang có lượt đặt chỗ cao là TPHCM- Hà Nội/ Quy Nhơn/ Đà Nẵng; Hà Nội - Đà Nẵng.

Giá vé máy bay trong dịp Tết tăng từng ngày, có thời điểm lên tới 10 triệu đồng/người (khứ hồi), đắt ngang một tua du lịch Thái Lan trọn gói 4 ngày 3 đêm. Theo khảo sát, chặng từ Hà Nội đi Phú Quốc trong các ngày từ 5/2 đến 15/2 (từ 26 Tết đến 6 Tết) dao động 5,6-10 triệu đồng/khứ hồi (tăng khoảng 3-5 triệu đồng/khứ hồi so với ngày thường). Từ Hà Nội đi Đà Nẵng, Đà Lạt, Nha Trang, Phú Yên… dao động khoảng 6-7 triệu đồng/khứ hồi. Với khách bay chiều thấp điểm, như từ TPHCM-Hà Nội ngày 12/2 (mùng 3 Tết), về 17/2 (mùng 8 Tết) có giá 3,2-5 triệu đồng/người, giờ bay không tiện lợi.

Bộ Công Thương đề xuất tăng giá điện trong năm 2024

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng vừa kiến nghị xem xét điều chỉnh giá điện để đảm bảo phản ánh biến động của các thông số đầu vào của giá điện, đồng thời để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có nguồn thanh toán cho chủ đầu tư các nhà máy điện. “Bộ Công Thương sẽ hướng dẫn EVN điều hành phương án giá điện theo đúng quy định”, Thứ trưởng Thắng cho hay.

Tin mới nhất về tiền lương; giá gạo Việt tự dưng... bất động ảnh 2
Bộ Công Thương vừa có kiến nghị xem xét điều chỉnh giá điện. Ảnh: Nguyễn Bằng.

Khả năng điều chỉnh giá điện cũng được nhắc tới tại cuộc họp đầu năm nay của EVN khi Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước Nguyễn Hoàng Anh cho rằng, nếu không tăng giá điện sẽ không giải quyết được khoản lỗ 17.000 tỷ đồng của tập đoàn này. Các báo cáo tài chính của EVN cho thấy, trong năm 2023, giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh tăng 2 lần nhưng không đủ bù đắp được chi phí sản xuất điện. EVN tiếp tục bị lỗ sản xuất, kinh doanh điện năm thứ 2 liên tiếp

Theo văn bản EVN gửi Bộ Công thương, tính đến hết năm 2023, tập đoàn này ghi nhận lỗ trước thuế hợp nhất khoảng 17.000 tỷ đồng. Tổng giám đốc EVN cho rằng số lỗ trên chủ yếu do giá bán ra của EVN vẫn thấp hơn giá thành. Theo tính toán của EVN, tổng chi phí bình quân các khâu phát điện, truyền tải và phân phối là 2.092,78 đồng/kWh nhưng giá bán điện bình quân là 1.950,32 đồng/kWh. Theo đó, cứ mỗi kWh bán ra, EVN đang chịu lỗ 142,5 đồng.

Giá gạo Việt đang tăng vù vù bỗng dưng… bất động

Giá lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tiếp tục giảm mạnh. Đây là mức độ giảm giá mạnh nhất được ghi nhận kể từ thời điểm Ấn Độ tạm dừng xuất khẩu gạo vào tháng 7 năm ngoái đến nay.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính đến ngày 25/1, giá lúa ở ĐBSCL đối với giống IR 50404 (lúa tươi) đã giảm xuống chỉ còn 8.200-8.300 đồng/kg, Đài Thơm 8/OM 18 là 8.800 đồng/kg.

Tin mới nhất về tiền lương; giá gạo Việt tự dưng... bất động ảnh 3
Giá gạo trong nước liên tục giảm mạnh trong những ngày qua.

Trong khi đó, giá gạo nguyên liệu của giống IR 50404 chỉ còn khoảng 12.000 -12.200 đồng/kg; gạo nguyên liệu của giống OM 5451 chỉ còn 12.400-12.600 đồng/kg và gạo nguyên liệu của giống OM 18 và Đài Thơm 8 chỉ còn khoảng 13.000 - 13.200 đồng/kg.

Như vậy, chỉ trong vòng hơn một tuần trở lại đây, giá lúa và gạo nguyên liệu ở ĐBSCL đã giảm khoảng 1.200 - 1.400 đồng/kg (tuỳ loại). Đây là mức giảm mạnh nhất được ghi nhận kể từ thời điểm Ấn Độ áp dụng chính sách tạm dừng xuất khẩu đối với gạo trắng (trừ basmati) kể từ tháng 7 năm ngoái.

Thông tin mới nhất về 5 bảng lương mới từ ngày 1/7/2024

Ngày 10/11/2023, Quốc hội thông qua Nghị quyết 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, trong đó, có đề cập nội dung cải cách tiền lương.

Theo đó, quyết nghị từ ngày 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21-5-2018.

Theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 thì sẽ xây dựng, ban hành 5 bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng, gồm:

Xây dựng 1 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã; Xây dựng 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo; mỗi ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức có nhiều bậc lương; Xây dựng 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang

Luật Đất đai sửa đổi: Nhiều quy định mới với đất nông nghiệp

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Luật Đất đai sửa đổi hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp theo hướng mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp lên không quá 15 lần hạn mức giao đất tại địa phương.

Tin mới nhất về tiền lương; giá gạo Việt tự dưng... bất động ảnh 4
Luật Đất đai sửa đổi bổ sung nhiều quy định mới về sử dụng đất nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp tập trung, áp dụng công nghệ cao. Ảnh: TH.

Bên cạnh đó, mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa cho tổ chức kinh tế, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Quy định này, theo đại diện Ban soạn thảo Luật Đất đai, nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có năng lực về vốn, khoa học kỹ thuật có quyền tiếp cận đất đai, đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hạn chế tình trạng bỏ hoang hoặc sử dụng đất nông nghiệp manh mún không hiệu quả.

Luật cũng bổ sung quy định người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, được sử dụng một diện tích đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, cho phép người sử dụng đất nông nghiệp được kết hợp với thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu… nhưng không được làm thay đổi loại đất đã được xác định theo quy định của Luật Đất đai.

Hà Nội: 'Cháy' thiết bị sưởi ấm vì trời rét cắt da cắt thịt

Tuần qua, nhiệt độ ở Hà Nội liên tục ở mức dưới 10 độ khiến nhu cầu sở hữu thiết bị sưởi ấm tăng cao, nhiều nơi không có hàng bán hoặc phải giao chậm.

Các cửa hàng bán thiết bị sưởi ấm ghi nhận lượng khách hàng tăng vọt trong 2 ngày qua. Bên cạnh các sản phẩm phổ thông nhiều người cũng săn lùng nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Hiện nay, các thiết bị giữ nhiệt cũng rất đa dạng tuỳ theo công dụng. Khách hàng đang quan tâm nhất tới sản phẩm quạt sưởi gốm ceramic, có giá khoảng 1,8 triệu đồng.

Tin mới nhất về tiền lương; giá gạo Việt tự dưng... bất động ảnh 5
Đa dạng nhiều thiết bị giữ nhiệt dễ dàng lắp đặt trong hộ các hộ gia đình.

Theo nhân viên ở siêu thị điện máy trên đường Giải Phóng, sản phẩm quạt sưởi có doanh số tăng "chóng mặt" từ khi nhiệt độ hạ sâu. Qua khảo sát tối 23/1, đại lý này đã báo hết hàng, phải sang đến trưa 24/1 mới có thể vận chuyển từ kho đến người tiêu dùng. Trong khi đó, loại quạt sưởi gốm với giá gần 3 triệu đồng vẫn có sẵn nhưng lại quá khả năng chi trả của nhiều người tiêu dùng.

Ngoài quạt sưởi ấm, những sản phẩm như đèn sưởi halogen, đèn sưởi trong phòng tắm cũng có nhiều khách hàng để ý.

MỚI - NÓNG