Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin dự Đối thoại Shangri-La tại Singapore ngày 2/6. (Ảnh: Reuters) |
Ông Austin muốn một cuộc gặp đúng nghĩa với người đồng cấp Trung Quốc bên lề Đối thoại Shangri-La, nhưng Bắc Kinh từ chối. Thay vào đó, ông Austin có cuộc trao đổi chóng vánh tại bữa tối, trước khi gặp các lãnh đạo quân sự châu Á.
Cuộc gặp ngắn ngủi trở thành ví dụ mới nhất cho thấy điều mà giới chức Mỹ và các nhà phân tích gọi là sự khác biệt đáng lo ngại giữa cách hai nước nhìn nhận rủi ro quân sự, trong khi Mỹ đang thúc đẩy trao đổi quân sự nhiều hơn và sâu hơn, còn Trung Quốc không muốn tham gia.
Quan hệ giữa hai siêu cường ngày càng gay gắt, với những mâu thuẫn nghiêm trọng về vấn đề Đài Loan (Trung Quốc), hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông và nỗ lực của Mỹ nhằm kìm hãm ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc.
Quân đội Mỹ vẫn muốn thúc đẩy các đường dây liên lạc với quân đội Trung Quốc, ở cả cấp cao và cấp làm việc, để giảm nguy cơ bùng phát xung đột.
Ngược lại, Trung Quốc tỏ ra thờ ơ với việc trao đổi quân sự và cắt đứt hoàn toàn trong những giai đoạn căng thẳng ngoại giao. Sau khi Mỹ bắn rơi một khinh khí cầu của Trung Quốc đầu năm nay, các đường dây liên lạc giữa hai bên trở nên nguội lạnh.
Điều này khiến Mỹ khó chịu.
“Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn khi đề xuất các cuộc điện đàm, cuộc gặp và đối thoại”, Ely Ratner, trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, phát biểu tại một sự kiện tuần trước.
Trung Quốc có một lý do rõ ràng để từ chối cuộc gặp giữa ông Austin với Bộ trưởng Quốc Phòng Lý Thượng Phúc. Ông Lý bị Mỹ trừng phạt từ năm 2018 vì việc mua máy bay chiến đấu và trang thiết bị quân sự từ Nga.
Theo ông Zhu Feng, Hiệu trưởng Trường Quốc tế học tại ĐH Nam Kinh, Bắc Kinh tin rằng việc trừng phạt ông Lý cho thấy Mỹ không chân thành trong những nỗ lực đối thoại với Trung Quốc.
“Lý do chính khiến Trung Quốc miễn cưỡng để bộ trưởng quốc phòng gặp Mỹ là vì chúng tôi nghĩ đối thoại phải trên cơ sở bình đẳng”, ông Zhu nói.
Các nhà phân tích cho rằng còn những nhân tố khác, như cách đánh giá khác nhau về rủi ro và lợi ích, cũng như cách tiếp cận đàm phán khác nhau.
Dù không nước nào muốn xảy ra xung đột quân sự bất ngờ, Trung Quốc cho rằng quân đội Mỹ đang hoạt động trong vùng ảnh hưởng của họ, bao gồm đảo Đài Loan (Trung Quốc) và vùng biển xung quanh.
Vì thế, các lãnh đạo Trung Quốc tin rằng việc dùng những cuộc trao đổi quân sự để giảm bớt nỗi lo của Mỹ không phục vụ lợi ích của Bắc Kinh, Jacob Stokes, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, nhận định.
Yun Sun, giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson, cho rằng Trung Quốc nhìn thấy rủi ro ở mức thấp hơn Mỹ.
“Nhất là khi xung đột đang diễn ra ở Ukraine, người Trung Quốc không nhìn thấy nguy cơ lớn sẽ xảy ra xung đột quân sự với Mỹ. Nếu tin nguy cơ đang ở mức cao, họ sẽ có thái độ khác với việc đối thoại giữa hai quân đội”, ông Sun nói.