> Triều Tiên: Lãnh đạo mới, thông điệp cũ
Trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm ngày sinh nhà lãnh đạo quá cố Kim Jong Il vào ngày 15-4 vừa qua ở Bình Nhưỡng, nhà lãnh đạo trẻ tuổi của Triều Tiên Kim Jong Un có nói: “Đảng Lao động có một quyết tâm kiên định là đảm bảo người dân sẽ không bao giờ phải thắt lưng buộc bụng nữa, mà sẽ hưởng sự giàu có, sung túc đúng như nội dung cốt lõi của chủ nghĩa xã hội”.
Tuy nhiên, câu nói trên của nhà lãnh đạo Kim Jong Un hầu như không được chú ý nhiều sau khi bài phát biểu kết thúc, bởi theo báo Time, nói về “sự sung túc” ngày nay ở Triều Tiên có vẻ như là chuyện xa vời.
Time dẫn lời ông Marcus Noland, Phó giám đốc Viện Kinh tế quốc tế Peterson ở Washington, ước tính, thu nhập bình quân đầu người của Triều Tiên hiện nay còn thấp hơn thời điểm cách đây 20 năm và chỉ bằng với mức mà nước này đạt được vào thập niên 1970.
Cũng theo ông Noland, kể từ khi Triều Tiên đổi tiền cách đây 3 năm, lạm phát giá các mặt hàng cơ bản như gạo và than lên tới mức 100%. Trên thị trường “chợ đen”, đồng tiền của Triều Tiên cũng mất giá khoảng chừng đó.
Bởi thế, việc nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un muốn có những thay đổi về chính sách kinh tế cũng là điều dễ hiểu.
Câu nói về mục tiêu “đảm bảo người dân sẽ không bao giờ phải thắt lưng buộc bụng nữa” của ông Kim Jong Un được Time xem như một tín hiệu cho thấy nhà lãnh đạo này đã nhận thức được sự cần thiết phải có sự điều chỉnh chính sách kinh tế.
Ngoài câu nói trên, tờ báo này còn đưa ra thêm những bằng chứng khác về những cân nhắc kinh tế của ông Kim Jong Un.
Hồi đầu tuần này, tờ Mainichi Shimbun của Nhật đưa tin, phóng viên của tờ nhật báo này tại Bắc Kinh đã thu thập được tài liệu về cuộc họp diễn ra vào ngày 28-1 giữa nhà lãnh đạo Kim Jong Un với một số quan chức của Đảng Lao động Triều Tiên ở Bình Nhưỡng.
Trong tài liệu này, ông Kim Jong Un phàn nàn rằng, nhiều nhà hoạch định chính sách của Triều Tiên có thể không hài lòng với nền kinh tế tự cấp tự túc nhiều khó khăn của đất nước trong suốt mấy thập kỷ qua nhưng lại không chịu lên tiếng vì nếu làm thế, họ sẽ trở thành đối tượng của sự chỉ trích rằng họ đang “cố áp dụng lối đi của chủ nghĩa tư bản”.
Cũng theo báo Maichini Shimbun, ông Kim Jong Un yêu cầu các thành viên tham dự cuộc họp “tìm ra các biện pháp tái thiết phù hợp với đất nước thông qua bàn bạc mà không có bất kỳ sự cấm kỵ nào”.
Tờ báo này sau đó dẫn một nguồn tin được cho là từ Đảng Lao động Triều Tiên cho biết: “Gần đây, đồng chí Kim Jong Un ra lệnh: ‘Nếu có bất kỳ biện pháp tốt nào mà chúng ta có thể sử dụng, cho dù là của Trung Quốc hay đến từ Nga hay Nhật, hãy thực hiện biện pháp đó’”.
Time bình luận, nếu câu chuyện trên là đúng sự thật, thì đây thực sự là một chuyển biến quan trọng.
Nội dung của câu chuyện này có thể đồng nghĩa với việc nhà lãnh đạo Kim Jong Un, người từng có vài năm du học Thụy Sỹ, đã nhận thấy rằng, chính sách kinh tế mà Triều Tiên theo đuổi suốt nhiều thập kỷ qua không đem lại hiệu quả như mong muốn, trong khi có nhiều ví dụ về sự thành công kinh tế ở các nước láng giềng, chẳng hạn như Hàn Quốc hay Trung Quốc.
Lúc sinh thời, nhà lãnh đạo Kim Jong Il đã tới thăm Trung Quốc nhiều lần. Và trong chuyến đi nào của ông Kim Jong Il tới Trung Quốc, báo chí quốc tế cũng đồn đoán về việc Triều Tiên sẽ áp dụng những cải cách kinh tế kiểu Trung Quốc.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích chính trị trong khu vực, cựu quan chức ngoại giao và tình báo cho biết, ông Kim Jong Il không muốn thực hiện những chính sách có thể khiến Triều Tiên phụ thuộc vào Trung Quốc về mặt kinh tế.
Tuy nhiên, nếu nội dung bài báo trên tờ Mainichi Shimbun là thật, thì có thể nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã có cách nhìn khác so với người cha quá cố, rằng Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới và ở ngay sát với Triều Tiên, rằng nếu Triều Tiên gia tăng hoạt động thương mại với Trung Quốc thông qua cải cách kinh tế thì mức sống của người dân Triều Tiên có thể sẽ được cải thiện.
Trên thực tế, trong những năm cuối đời của cố Chủ tịch Kim Jong In, Triều Tiêu cũng đã có những bước đi thận trọng đầu tiên tiến tới thành lập các đặc khu kinh tế - một thành tố quan trọng đã giúp kinh tế cất cánh cách đây hơn 30 năm.
Bình Nhưỡng đã tiến hành đàm phán với các nhà đầu tư Trung Quốc về dự án đặc khu kinh tế ở ba địa điểm khác nhau, bao gồm một cảng container mới ở khu vực Rason, phía Đông Bắc Triều Tiên.
Hồi đầu năm nay, Trung Quốc đã từ chối một dự luật dự kiến được áp dụng cho hai đặc khu kinh tế mà nước này muốn đầu tư ở Triều Tiên, một phần do những lo ngại về vấn đề chuyển lợi nhuận về nước.
Giới phân tích tin rằng, ông Kim Jong Un có thể phát đi tín hiệu cho thấy, ông sẽ cởi mở hơn người cha quá cố của mình trong vấn đề hợp tác kinh tế với Trung Quốc.
Ngay trên đất Triều Tiên, đang có nhiều tín hiệu nữa cho thấy nhà lãnh đạo Kim Jong Un sẵn sàng có những thử nghiệm mới về kinh tế.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin AP tại Bình Nhưỡng hôm 16-1, ông Yang Hyong Sop, Phó chủ tịch Quốc hội Triều Tiên, cho biết, ông Kim Jong Un “đang đặt trong tâm vào việc xây dựng một nền kinh tế tri thức và xem xét mô hình cải cách kinh tế của các nước khác, bao gồm Trung Quốc”.
Theo ông Cheong Seong-chang, một nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Sejong ở Seoul, phát ngôn trên của ông Yang Hyong Sop là đáng chú ý bởi lẽ, các quan chức cấp cao của Triều Tiên thường không nói về sự thay đổi chính sách nếu họ chưa chắc chắn về thay đổi đó, mà thay vào đó, họ chỉ phát ngôn công khai, nhất là với thế giới, về những gì mà họ đã quyết định.
Nếu đúng như vậy, thì đây là một tín hiệu nữa cho thấy, dù quyết tâm theo đuổi chính sách của người tiền nhiệm Kim Jong Il về quân sự và đối ngoại, nhà lãnh đạo Kim Jong Un có thể đã quyết tâm điều chỉnh chính sách kinh tế để người dân Triều Tiên không còn phải thắt lưng buộc bụng như cam kết mà ông đưa ra cách đây ít ngày.
Theo vneconomy.vn