Tín dụng đen hoành hành vì “alo là có tiền”?

Công an tỉnh Hưng Yên thực nghiệm vụ ném chất bẩn đòi nợ
Công an tỉnh Hưng Yên thực nghiệm vụ ném chất bẩn đòi nợ
TP - Theo một số chuyên gia, tín dụng đen nở rộ những năm gần đây có nguyên nhân từ việc hệ thống tín dụng chính thức không "chạm" tới tất cả khách hàng. Ngoài ra, thủ tục nhanh gọn, “alo là có tiền” đã khiến một số người bỏ qua nguy cơ bị “khủng bố” khi chậm trả nợ.

Từ sinh viên tới công chức

Bị đánh, bắt giữ trong khi chờ người nhà đến nộp tiền là trường họp của chị Nguyễn Thị Hoa (ở Cao Bằng), sinh viên một trường đại học tại Thái Nguyên. Chị giúp bạn trai cùng quê vay 5 triệu đồng bằng cách “cắm” thẻ sinh viên với lãi suất 3.000 đồng/1 triệu đồng/ngày cho tiệm cầm đồ. Một năm sau, số nợ của chị lên tới hơn 20 triệu đồng gồm gốc, lãi và tiền phạt.

Không có tiền, nữ sinh này bị chủ nợ bắt, giữ tại cửa hàng cầm đồ và bị buộc gọi điện cho người nhà đến trả tiền. Chị cho biết, khi chị từ chối gọi điện, chủ nợ cho nhân viên đánh đập, ép chị mở khóa điện thoại để họ tự gọi cho từng người trong danh bạ, nhờ thông báo người nhà tới trả tiền. Trong lúc chờ đợi, nhóm này giữ chị tại một nhà nghỉ, chỉ cho một bạn học tới đưa cơm. Hai ngày sau, anh trai chị Hoa mang 14 triệu đồng đến trả, chủ nợ mới thả chị về.

Cũng vì dính vào tín dụng đen nên anh Dương Văn Khanh (ở Bắc Giang) phải nghỉ việc, trốn về quê khi không có tiền đóng lãi. Tuy nhiên, chủ nợ tìm về tận nhà anh Khanh đe doạ, buộc anh phải trả tiền gốc, lãi kèm “chi phí đòi nợ”. Anh Khanh cho biết trước đó “cắm” CMND, bản photo sổ hộ khẩu vay được 8 triệu đồng, lãi 5.000 đồng/triệu đồng/ngày...

Tháng 3/2018, Công an TPHCM làm rõ trường hợp ông Lê Quốc Hải, công tác tại Phòng Cảnh sát PCCC quận Bình Thạnh “cắm” thẻ ngành vay 400 triệu đồng… Theo nguồn tin của Tiền Phong, một cán bộ thuộc Cục Điều tra, VKSND Tối cao cũng dính vào vòng vây của tín dụng đen, mất nhà và đến nay chưa có khả năng trả nợ.

Anh Nguyễn Năng - một chủ tiệm cầm đồ tại Hà Nội nói, người tiếp cận tín dụng phi ngân hàng có đầy đủ các thành phần từ học sinh, sinh viên, công chức, thậm chí cả quan chức. Theo anh Năng, chỉ cần để lại giấy tờ tuỳ thân, bằng đại học, thẻ ngành, thẻ đảng viên… là có thể vay tiền từ các tổ chức tín dụng đen mà không cần tài sản thế chấp.

Nở rộ “alo là có tiền”?

Các vụ án vừa qua cho thấy, người dân không có tiền trả lãi hoặc chậm trả thường bị chủ nợ dùng đủ chiêu trò đe doạ, uy hiếp tính mạng, khủng bố tinh thần, thậm chí cướp tài sản. Công an TP Hưng Yên vừa bắt quả tang Trần Trọng Luân (Hải Dương) và Phạm Quốc Huy (Hải Phòng) ném dầu thải trộn với mắm tôm vào nhà một người nhằm mục đích đòi nợ. 

Cả hai khai nhận đã làm thuê cho Trần Văn Pháp (Hải Dương) là đối tượng cầm đầu trong đường dây “tín dụng đen” đã bị bắt vào tháng 10/2018. Công an xác định Pháp cho vay với lãi suất 180%/năm và nếu người vay không có khả năng trả, các đối tượng sẽ đe dọa, khống chế, ném chất bẩn, thậm chí là đánh đập để đòi tiền.

Anh Nguyễn Hà Anh (chủ cầm đồ ở Hà Nội) phân tích, nếu tiếp cận nguồn tài chính từ ngân hàng, người vay sẽ phải trả khoảng 10%/năm, cộng với phí “bôi trơn” thì cũng tương đương lãi suất từ “tín dụng đen”. Ngoài ra, khi vay ngân hàng, người dân phải chờ đợi 10 - 20 ngày mới được giải ngân trong khi nguồn từ tín dụng “đen” rất nhanh gọn thậm chí “alo là có tiền”. Tiếp nữa, người tìm tới tín dụng đen thường vay khoản nhỏ, từ vài triệu đến vài chục triệu nên ngại tiếp xúc với ngân hàng.

Trao đổi với Tiền Phong, Tiến sỹ Lê Thành Trung - Phó tổng giám đốc Ngân hàng HDBank phân tích, tín dụng “đen” có đất hoạt động vì đây là hình thức vay quá dễ dàng với ưu điểm vượt trội “gọi điện là có tiền” khiến người dân không để ý điều khoản, lãi suất... “Nhanh chóng tiện lợi lúc đầu nhưng phải chịu hậu quả nặng nề về sau, nhãn tiền là lãi suất rất cao”, ông Trung nói.

Để giải quyết tình trạng này, ông Trung cho rằng cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân không tìm đến tín dụng đen. Tiếp theo, cần xử lý nghiêm hơn nữa hành vi cho vay nặng lãi vì việc này vẫn lẫn lộn giữa hoạt động dân sự và hành vi tội phạm. 

Ông Lê Thành Trung cho rằng các ngân hàng cần mở rộng mạng lưới, phải đến được các vùng sâu xa, phát triển mạnh tài chính tiêu dùng. Đây chính là cánh tay nối dài của ngân hàng, có thể cho vay nhỏ lẻ, không nhất thiết phải có tài sản đảm bảo, chỉ cần người vay có công việc ổn định. Như vậy sẽ đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân như vay mua nhà, xe, hỗ trợ kinh doanh; vốn lưu động… 

Cũng theo ông Trung, hiện nay có nhiều tín hiệu đáng mừng với người có nhu cầu vay nhỏ lẻ như các Cty tài chính với dịch vụ cho vay 24h đã có data của khách hàng, ai có công ăn việc làm, có địa chỉ nhà… sẽ được vay nhanh hoặc đã có dịch vụ vay thấu chi, thẻ tín dụng… “Nhưng đôi lúc, người đi vay không biết hết sản phẩm của ngân hàng, đặc biệt là các sản phẩm tài chính tiêu dùng có thể đáp ứng nhu cầu nhỏ lẻ của người dân. Việc này phụ thuộc vào công tác tuyên truyền” - ông Trung nói. 

Thẩm phán Trương Việt Toàn –TAND TP Hà Nội cho biết, có 2 điều kiện cấu thành tội “Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự” gồm cho vay với mức lãi suất cao gấp 5 lần lãi suất bộ luật Dân sự quy định và thu lời bất chính từ 30 triệu đồng trở lên. Cụ thể, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định các bên có thể thỏa thuận lãi suất nhưng không cao hơn 20%/năm. Như vậy, những ai cho vay với lãi suất bằng 100%/năm và thu lời bất chính trên 30 triệu đồng sẽ bị xử lý hình sự; phần thu lời bất chính được tính từ % thứ 21 trở lên. Về hình phạt, người cho vay nặng lãi có thể bị cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; phạt tiền từ 50 triệu đến 1 tỷ đồng.

Một điều tra viên thuộc Công an tỉnh Hải Dương từng xử lý các vụ án liên quan tín dụng đen cho rằng, nếu người dân trót vay lãi cao và bị chủ nợ đánh đập, làm nhục… để đòi tiền, cần nhanh chóng trình báo công an. Ngược lại, những người cho vay cũng tuyệt đối không được đe dọa, sử dụng vũ lực… để đòi nợ vì pháp luật chắc chắn đảm bảo quyền lợi với tiền và phần lãi hợp pháp của họ.

MỚI - NÓNG