Tìm những người giữ đất năm xưa

TP - Nhiều năm qua, cứ Tết đến Xuân về, chúng tôi lại thay nhau lên non, xuống biển để sống trọn nghĩa tình với người chiến sĩ. Xuân biên giới, Tết hải đảo như lời gọi người hậu phương.

Và đến với những người lính biên cương để nhớ về những ngày gian khổ, những người lính, người dân kiên trung đã từng gặp.

Tìm người anh ở Chi Ma

Trước Tết Giáp Ngọ 2014, báo Tiền Phong phối hợp với Công ty Cổ phần đầu tư Lạc Hồng thăm, tặng quà chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạang Sơn.

Trong câu chuyện với Đại tá Giáp Văn Tính, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn, tôi chia sẻ kỷ niệm không bao giờ quên về bài báo đầu tiên trong cuộc đời làm báo của mình.

Đó là bài báo viết vào một ngày xuân, về một người lính biên phòng anh dũng giữ đất biên cương phía Bắc những ngày tháng 2 năm 1979 đăng trên báo Tiền Phong số 13 ra ngày 27 tháng 3 năm 1979, số báo Kỷ niệm 48 năm ngày thành lập Đoàn với sự kiện họp mặt “Tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ quốc” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức…

Tìm những người giữ đất năm xưa ảnh 1

Tác giả phỏng vấn Hoàng Thị Xính- dân quân xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên trong Hội nghị phụ nữ tiên tiến tỉnh Hà Tuyên tháng 8 năm 1985. Ảnh: Hoàng Như Thính

Ngày ấy, tôi là sinh viên Khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Chuyến thực tập về Trung ương Đoàn, tôi được đi thực tế để gặp gỡ, lấy tài liệu viết bài về những gương mặt trẻ tiêu biểu trong số 400 đại biểu vừa từ biên cương phía Bắc về Thủ đô họp mặt “Tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ quốc”.

Gặp những con người giản dị quần áo còn vương bụi đất biên cương vừa lập những chiến công xuất sắc xả thân bảo vệ từng tấc đất nơi địa đầu, tôi cảm phục và tự hào về các anh, các chị.

Báo Tiền Phong số 13 năm 1979 đã dành trọn nhiều trang ghi lại những chiến công bảo vệ biên cương của những người trẻ tuổi.

Cùng với những bài viết của đồng nghiệp về những tấm gương tiêu biểu như Vũ Thị Chiên, thà chết không để mất một tấc đất biên cương; Phạm Việt Hùng, Nguyễn Bá Lại, Chu Bá Đảng, những cán bộ kỹ thuật Đoàn Địa chất 305 huyện Bát Xát (Hoàng Liên Sơn) mưu trí dũng cảm trong chiến đấu, Nguyễn Văn Toàn cùng các bạn học sinh lớp 7, Trường cấp 2 Kim Tân (Thị xã Lào Cai) làm tốt nhiệm vụ trinh sát, chiến đấu…, bài viết của tôi với tựa đề Anh cán bộ trợ lý thanh niên viết về anh Đàm Trung Hồng ở đồn Biên phòng Tà Lùng (Cao Bằng).

Tìm những người giữ đất năm xưa ảnh 2

Bìa báo Tiền Phong số 13 năm 1979 với chủ đề “Họp mặt Tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ quốc”.

Anh là trợ lý thanh niên bộ đội biên phòng Cao Bằng, đang cùng tổ chiếu phim lên đồn phục vụ bộ đội thì trận chiến xảy ra. Anh đã tham gia chiến đấu và lập công. Bài báo nho nhỏ đăng trên trang 7 báo Tiền Phong sau 35 năm, nay đã ố vàng màu thời gian.

Ấn tượng mãi không phai trong tôi là được nghe anh Hứa Trung Bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Chi Ma (Lạng Sơn), người chiến đấu dũng cảm khi bị trọng thương vẫn không rời trận địa kể chuyện ngay trong Trụ sở Trung ương Đoàn - ngôi nhà 60 - Bà Triệu (Hà Nội) vào một sáng tháng ba năm 1979…

Câu chuyện của chúng tôi nhiều khi bị ngắt quãng trong tiếng hô phản đối cuộc chiến xâm lược của những đoàn người diễu hành rầm rập trên phố. Tiếng loa ở ngã tư Bà Triệu vang lên tiếng hát trầm hùng: “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới ”…

Tôi mãi nhớ nữ dân quân Hoàng Thị Xinh ở xã Phương Tiến huyện Vị Xuyên (Hà Tuyên) áo chàm vá vai, chân trần đi bộ về thị xã dự Hội nghị phụ nữ tiên tiến toàn tỉnh Hà Tuyên tháng 8 năm 1985. Dáng người nhỏ nhắn, nụ cười thật duyên, ít người biết cô gái ấy đã bao nhiêu lần chân trần đạp lên đá sắc, cõng hàng lên chốt thăm bộ đội.

Ba mươi lăm năm đã đi qua, người nhớ, người quên nhưng với tôi trở về biên cương xứ Lạng nhân dịp Xuân Giáp Ngọ lần này, tôi mang theo những ấn phẩm báo Xuân của Tiền Phong hy vọng tìm gặp và được tặng người lính biên phòng Hứa Trung Bộ từng ở Đồn Chi Ma mà mình đã gặp và ngưỡng mộ ngày ấy, một món quà Xuân ý nghĩa.

Đại tá Giáp Văn Tính động viên tôi, thế nào trong số cán bộ chiến sĩ biên phòng Lạng Sơn cũng có người biết và chuyển quà của tôi cho anh Hứa Trung Bộ.

Đời lính nay đây mai đó. Đại tá Tính một đời quân ngũ, một đời gắn bó với biên cương. Những ngày tháng 2 năm 1979, anh đang có mặt ở khu vực Đền PrếtVihia, biên giới Campuchia giúp bạn truy đánh tàn quân Pôn Pốt. Tới cuối năm 1984, anh mới trở lại miền biên cương phía Bắc.

Còn tôi, ngay sau khi ra trường, theo lệnh tổng động viên, cùng hàng trăm sinh viên Trường Đại học Tổng hợp, tôi nhập ngũ. Là một cựu binh có 7 năm cầm bút và cầm súng sát cánh cùng đồng đội, không năm nào tôi lại không có những chuyến ra Trường Sa, lên Hà Tuyên hay đến Lạng Sơn. Chúng tôi đều đau đáu nỗi niềm với đất và người biên cương.

Trong buổi giao lưu với cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh Lòa, nghe tôi nhắc lại những kỷ niệm cũ, thượng tá Khuất Duy Phúc, Đồn trưởng chia sẻ, anh đã nhiều lần nghe tên anh Hứa Trung Bộ. Theo anh biết, Hứa Trung Bộ sau đó tiếp tục trở về Đồn Biên phòng Chi Ma làm nhiệm vụ.

Anh là một tấm gương sáng cho các chiến sĩ trẻ ở đây. Cũng như nhiều đồng đội, sau khi hoàn thành nhiệm vụ anh đã ra quân và trở về với bản làng mình. Đồn trưởng Phúc nói anh sẽ cố gắng tìm giúp tôi địa chỉ của anh Bộ để tôi có dịp gặp lại.

Từ khi biết tôi có những tháng ngày trai trẻ gắn bó với Cao Lộc, đau đáu hướng lên bình độ 400 những ngày tháng của năm 1982, thượng tá Phúc gọi tôi là cựu binh Cao Lộc. Anh gọi thế vì anh hiểu những ngày tháng gian khổ của những người lính dũng cảm chiến đấu bảo vệ bình độ 400. Nhiều mất mát, hy sinh trên vùng đất này.

Anh Phúc cho biết, nếu tính theo đường chim bay, từ đồn ra nơi ấy chỉ khoảng vài cây số. Anh em đi tuần tra biên giới vẫn thường qua. Có người bảo qua đây vẫn nghe thấy tiếng anh em từ trong lòng đất vọng về như nhắc nhở, như gửi gắm niềm tin cho những người đang giữ đất biên cương hôm nay.

Nhớ mẹ Mùi, tìm cô dân quân nhỏ

Đầu năm 1984, cùng đồng đội, tôi lại hành quân lên Vị Xuyên (Hà Tuyên). Những địa danh như Làng Pinh, Cốc Nghè, Bãi Nghệ, Hang Dơi không ai đi qua cuộc chiến bảo vệ Vị Xuyên có thể quên được.

Ba mươi năm sau, nhớ lại, bên tai tôi vẫn như có tiếng pháo gầm, đạn rú. Những triền núi đá xám bị pháo bắn trắng như những lò nung vôi vẫn còn nguyên trong trí nhớ. Nhiều người đã ngã xuống, nhiều thương binh đã được đưa lại tuyến sau.

Bên dốc Mã Tim ở thị xã Hà Giang có một người mẹ đêm ngày lo chăm sóc thương binh vừa từ mặt trận chuyển xuống. Tình cảm của mẹ biết bao người lính qua đây mãi nhớ.

Bài viết Mẹ Mùi ở dốc Mã Tim của tôi đăng trên báo Quân đội Nhân dân như một lời tri ân người mẹ hiền từ của những người lính trẻ. Mẹ đã hai năm mươi về già. Mỗi lần qua dốc Mã Tim, tôi vẫn như thoáng thấy bóng mẹ, vẫn thấy bàn tay mẹ nâng niu bón từng thìa cháo cho những đồng đội bị thương băng trắng kín trên người.

Tôi mãi nhớ nữ dân quân Hoàng Thị Xinh ở xã Phương Tiến huyện Vị Xuyên (Hà Tuyên) áo chàm vá vai, chân trần đi bộ về thị xã dự Hội nghị phụ nữ tiên tiến toàn tỉnh Hà Tuyên tháng 8 năm 1985.

Dáng người nhỏ nhắn, nụ cười thật duyên, ít người biết cô gái ấy đã bao nhiêu lần chân trần đạp lên đá sắc, cõng hàng lên chốt thăm bộ đội, hát những điệu Sli trữ tình duyên dáng cho các anh bộ đội nghe những dịp Tết đến Xuân về, mặc cho tiếng đạn pháo gầm rít trên đầu.

Tôi mong có một ngày Xuân tôi được về thăm mẹ Mùi, gặp lại cô dân quân bé nhỏ Hoàng Thị Xính, gặp lại anh Hứa Trung Bộ, anh Đàm Trung Hồng và các anh, những đồng đội suốt những dặm dài, những tháng năm thay nhau giữ đất biên cương Tổ quốc.

Ấn tượng mãi không phai trong tôi là được nghe anh Hứa Trung Bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Chi Ma (Lạng Sơn), người chiến đấu dũng cảm khi bị trọng thương vẫn không rời trận địa kể chuyện ngay trong Trụ sở Trung ương Đoàn - ngôi nhà 60 - Bà Triệu (Hà Nội) vào một sáng tháng ba năm 1979…

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.