Tìm người túng quẫn để môi giới bán thận

Liên quan đến vụ nhiều người nghèo ở huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ đi bán thận để giải quyết khó khăn, công an đã xác định 2 đối tượng môi giới nghi nằm trong đường dây mua bán nội tạng.

Theo báo cáo của Công an huyện Cờ Đỏ, từ năm 2012 đến tháng 4/2014, trên địa bàn xã Thạnh Phú có 8 trường hợp “hiến tặng” thận.

Nhắm vào người túng quẫn

Trong đó, gia đình ông Ngô Văn Y (ngụ ấp 5) có tới 5 người tham gia bán thận, gồm: Ngô Hoàng Sơn (SN 1971), Ngô Ngọc Bích (SN 1973), Ngô Phú Anh (SN 1975), Ngô Phú Em (SN 1973), Ngô Thanh Hoài (SN 1987). Ngoài ra còn có 3 trường hợp khác, gồm: Hồ Văn Tranh (SN 1969, ngụ ấp 6), Lê Văn Giòn (SN 1978, ngụ ấp 6) và Danh Lan (SN 1982, ngụ ấp 7).

Tìm người túng quẫn để môi giới bán thận ảnh 1

Ông Hồ Văn Tranh từng đi bán thận để nhận 120 triệu đồng.

Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an TP.Cần Thơ đã làm việc với 4 người con của ông Y là Phú Anh, Sơn, Phú Em và Hoài thì 3 người trong số này thừa nhận đi bán thận. Bích lánh mặt nên công an chưa làm việc được nhưng Phú Anh và Hoài khai là Bích có tham gia. PC45 xác định cuối năm 2012, Phú Anh có việc đến TP.HCM thì tình cờ quen với người phụ nữ tên Sáu, khoảng 50 tuổi.

Trong quá trình quen biết, Phú Anh có cho bà Sáu biết là gia đình rất khó khăn, thiếu nợ không có tiền trả. Bà Sáu bảo Phú Anh có người muốn mua thận, nếu đồng ý bán thì sẽ có tiền. Khi Phú Anh đồng ý, bà Sáu đưa số điện thoại của ông Vinh (Việt kiều Mỹ) để liên lạc. Sau khi làm xong các thủ tục, Phú Anh bay sang tỉnh Quảng Đông - Trung Quốc gặp ông Vinh. Phẫu thuật bán thận xong, Vinh trả cho Phú Anh 50 triệu đồng. Phú Anh ở Trung Quốc 7 ngày thì về Việt Nam.

Cuối tháng 3/2008, Phú Em đi làm thuê ở TP.HCM và quen một người tên Đúng. Đúng bảo mình bị hư một trái thận và nếu Phú Em bán sẽ trả 55 triệu đồng. Phú Em đồng ý. Sau đó, 2 người đến bệnh viện làm thủ tục cho thận.

Cuối năm 2010, vợ của Hoài bị bệnh không có tiền chữa trị, Phú Anh gợi ý Hoài đi bán thận kiếm tiền. Phú Anh đưa số điện thoại của bà Sáu cho Hoài liên lạc. Sau khi đi Hà Nội để cắt ghép thận, Hoài được bà Sáu “cho” 110 triệu đồng. Riêng Bích, theo trình bày của Hoài, khoảng cuối năm 2008, sau khi bán thận về, Bích có kể cho Hoài và Phú Anh biết là có đi bán thận nhưng bán được bao nhiêu, ở đâu thì không nói.

Mua, bán dễ dàng

Ngoài 5 người con của gia đình ông Y, PC45 cũng xác định được Lan và Tranh bán thận vì nghèo. Lan và Anh là chỗ quen biết nên khi nghe Anh kể việc mình đi bán thận, Lan nhờ Anh tìm người để bán thận lấy tiền trả nợ. Anh có quen biết một người tên Út (khoảng 30 tuổi, không rõ địa chỉ).

Khoảng tháng 9/2012, Anh dẫn Lan lên TP.HCM gặp Út để làm thủ tục bán thận. Sau khi tiến hành các thủ tục và xét nghiệm máu xong, khoảng 30 ngày sau, Lan đến TP.HCM gặp Út và được Út giao cho người mua thận tên Phú (không rõ địa chỉ) để đi qua Trung Quốc phẫu thuật cắt ghép thận. Sau khi xong, Út trả cho Lan 100 triệu đồng.

Khoảng tháng 8/2013, ông Tranh đi làm thuê ở TP.HCM, có quen biết Nguyễn Quốc Lợi ở huyện Nhà Bè. Ông Lợi tâm sự mình bị hư 2 quả thận, nếu Tranh đồng ý bán 1 quả thì ông Lợi trả 120 triệu đồng.

Đến tháng 1/2014, ông Tranh và Lợi đến bệnh viện tiến hành cắt ghép thận, sau đó ông Lợi trả cho ông Tranh 120 triệu đồng. Đối với trường hợp của ông Giòn, hiện đi làm thuê không rõ ở đâu nên công an chưa làm việc được.

Theo Theo Tri Thức
MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.