Những quán quân thuyết phục
Ba thí sinh Phạm Thị Lan Quỳnh (thính phòng), Lê Thị Minh Ngọc (dân gian) và Trịnh Văn Núi (nhạc nhẹ) đều đảm bảo phong độ ổn định ở vòng chung kết. Đồng nghĩa với việc họ luôn giữ một khoảng cách về kỹ thuật ca hát lẫn bản lĩnh sân khấu so với các thí sinh khác.
Họ khẳng định được cá tính riêng trong giọng hát và biết cách khai thác những tố chất mình có được. Lan Quỳnh hé lộ chất giọng tự nhiên khá đẹp để có thể hát pop nếu muốn. Trong khi Trịnh Văn Núi hát ballad tốt, rock được mà rap cũng chẳng kém ai.
Minh Ngọc biến chuyển linh hoạt trong các tiết mục dự thi- Ảnh: VTV. |
Ở bảng dân gian, chất giọng dày và ấm của Thu An sẽ thuận lợi nếu chuyển sang hát bolero theo kiểu Lệ Quyên chẳng hạn. Minh Ngọc có chất giọng đẹp theo cùng một kiểu với các quán quân dân gian đi trước. Nhưng chiến thắng của Ngọc vẫn hoàn toàn thuyết phục. Cô có thể nói là thí sinh chọn bài tốt nhất trong vòng chung kết.
Vòng chung kết không cho thấy sự bứt phá của các thí sinh “chiếu dưới”. Một số cũng là những tiềm năng hứa hẹn cho mùa sau hoặc cho những cuộc thi khác. Vì Sao Mai phân chia dòng nhưng vẫn đòi hỏi thí sinh phải có kỹ thuật thanh nhạc chín muồi và biết cách để hát đa dạng mà không ảnh hưởng đến chất lượng giọng hát. Chẳng hạn nếu thí sinh sở trường pop mà không khéo léo dễ sẽ gặp tai nạn khi hát rock theo đề bài của cuộc thi, dẫn đến càng thi càng đuối sức.
Top 6 thí sinh vào chung kết xếp hạng. Ảnh: VTV. |
Với bất kỳ cuộc thi nào, việc tìm được quán quân xứng đáng quan trọng để gây dựng thương hiệu. Không chỉ Sao Mai mà nhiều cuộc thi theo kiểu truyền hình thực tế dần đi vào ngõ cụt một phần vì đưa ra những quán quân không đủ sức thuyết phục.
Rời cuộc thi ra, họ mất hút hoặc chật vật tìm chỗ đứng. Cùng với nhiều lý do khác đã khá lâu rồi không có cuộc thi ca hát nào chiêu sinh. Đây cũng có thể coi là một thời điểm thuận lợi để Sao Mai trở lại.
Có thể hấp dẫn hơn
Sau một hồi cọ xát với các game show ca hát nhập ngoại, Sao Mai cũng có đổi khác. Chẳng hạn năm nay có màn thi “đối đầu” nhưng không căng thẳng, vừa giúp cho khán giả có sự đối chiếu trực tiếp giọng hát của từng thí sinh vừa đem lại những tiết mục biểu diễn chất lượng. Đó là màn tam ca của top 3 mỗi dòng trong đêm thi thứ ba của vòng chung kết.
Từ vài mùa trở lại đây, Sao Mai mở rộng nhạc mục sang cả nhạc nước ngoài và các thể loại cổ nhạc. Điều này giúp các thí sinh có thêm đất để thi thố, cũng đem lại cho chương trình những màu sắc thưởng thức phong phú hơn hẳn trước đây.
Thể loại dân gian được nhiều thí sinh lựa chọn nhất trong lần thi này chính là xẩm. Ngoài ra các tiết mục chèo, chầu văn, quan họ cũng được dàn dựng đầy công phu - để lại những ấn tượng đẹp về một lứa thí sinh chịu khó tìm tòi, học hỏi vốn quý của cha ông. Dù với thí sinh dân gian, để xác định chất giọng riêng vẫn phải căn cứ vào những sáng tác mới.
Một vấn đề chắc chưa thể giải quyết một sớm một chiều của bảng dân gian Sao Mai là các thí sinh sau khi thử hát chèo, xẩm… vẫn chủ yếu vận dụng kỹ thuật opera để thể hiện các sáng tác mới. Một số ứng dụng còn lộ dẫn đến việc hát kém rõ lời hơn cả thí sinh bên dòng thính phòng. Tuy nhiên không hiểu sao các thí sinh nhạc nhẹ vẫn tỏ ra e dè trong lựa chọn tác phẩm, chỉ giới hạn trong các ca khúc Việt Nam độ chục năm trở lại đây.
Quán quân nhạc nhẹ Trịnh Văn Núi được đặc cách vào học tại ĐH Nghệ thuật Quân Đội. Ảnh: BTC. |
Đặc biệt vòng chung kết Sao Mai kỳ này bùng nổ những bài chưa ai hát, tạo những bất ngờ nhất định. Nhưng không phải lúc nào cũng theo hướng tích cực. Như bài mở đầu của đêm chung kết xếp hạng có những lời ca còn đơn giản, hơi sa vào tự nhiên chủ nghĩa.
Với tựa đề Lạy trời, bài hát đổ cho các lực lượng tự nhiên gây nên thiên tai là một cách nhìn khá cũ xưa. “Người đàn bà ấy đã gây ra lỗi lầm gì mà không thể giữ đứa con bị trời cướp đi”, rồi “lạy trời trả lại mạng sống cho những người dân đáng thương”… giống những câu nói đời thường hơn là lời ca.
Một đêm thi như 9/10 có quá nhiều bài hát lạ, thậm chí giống chương trình giới thiệu tác phẩm mới không chỉ khó cho thí sinh mà cũng hạn chế sự tiếp thu của khán giả.
Với các khán giả quen với định dạng truyền hình thực tế hẳn sẽ không hào hứng lắm với những clip giới thiệu thí sinh hay bài hát nặng về dàn dựng với tiếng ngoài hình. Chương trình cũng dành hơi nhiều thời lượng cho việc quảng bá địa phương bằng những đoạn phim nặng về thông tin, tư liệu thay vì cho thấy xúc cảm, tương tác của thí sinh với khung cảnh trong chuyến thăm quan.
Lan Quỳnh đang theo học bậc Thạc sĩ tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Ảnh: BTC. |
Đội ngũ giám khảo của Sao Mai khá hùng hậu, được làm mới sau mỗi đêm thi, nhưng cũng chỉ đứng lên chào khán giả là hết. Nếu họ có những buổi trao đổi chuyên môn với thí sinh nữa sẽ sinh động, bổ ích hơn.
Việc không có huấn luyện viên thanh nhạc đồng hành như các cuộc thi khác cũng là một trở ngại đối với các thí sinh. Có lẽ đây là yếu tố dẫn đến sự đuối sức trông thấy của một số thí sinh chỉ sau 4 tuần thi trực tiếp. Trong khi để khán giả thực sự quen mặt, yêu thích và ủng hộ thí sinh như ở các cuộc thi khác thí sinh phải lên sóng ròng rã trong vài tháng.
Trong đêm chung kết xếp hạng, Top 6 được song ca với các ca sĩ thành danh để cọ xát, học hỏi. Nhưng hơi tiếc là vài khách mời trình độ cũng không hơn thí sinh bao nhiêu. Thời gian làm nghề chưa có mấy nên cũng không đem lại những tiết mục thăng hoa.
Tuy nhiên Sao Mai cũng có thể hãnh diện với những quán quân có nhiều thành tích và thực sự chín về nghề nay trở lại biểu diễn như Đào Tố Loan, Lê Anh Dũng, Lê Xuân Hảo…