Chế Linh: 'Ở tuổi 80 như tôi cứ hát yêu đương mãi cũng ngại'

TPO - Danh ca Chế Linh đang tổ chức chuỗi chương trình kỷ niệm 60 năm ca hát và cũng là để đánh dấu tuổi 80. Tuy nhiên ai diện kiến ông ngoài đời cũng phải ngạc nhiên vì ông trẻ hơn tuổi thật phải đến chục năm. Trong phong thái, giọng nói không có chút gì thường thấy ở cụ già bát tuần.

Sau đêm diễn thành công tại Cung Văn hóa Hữu nghị (Hà Nội) tháng 9, Chế Linh tiếp tục lên lịch cho hành trình xuyên Việt với đêm 15/10 tại sân khấu Mây Lang Thang (Đà Lạt) cùng các khách mời Sơn Tuyền, Quang Thành, Tố My… Ông trở lại Hà Nội trong một buổi diễn quy mô phòng trà vào 19/10 cùng Như Quỳnh. Điểm đến tiếp theo có thể là Hải Phòng.

Mua biệt thự nhờ một ca khúc

Hành trình kỷ niệm một hoa giáp ca hát mang tên Thành phố buồn. Tác phẩm được Lam Phương viết năm 1970, trong lần theo đoàn văn công Hoa Tình Thương lên Đà Lạt trình diễn. Nhạc sĩ chỉ tức cảnh sinh tình mà viết nhưng nội dung bài hát có sức lay động lớn đến độ nhiều người lầm tưởng đó là cuộc tình thật của ông.

Thành phố buồn được Đài Phát thanh Đà Lạt phát sóng đầu tiên, rồi lan tỏa khắp miền Nam. Thời đó mỗi tối thứ Năm, Đài Truyền hình Sài Gòn có tiết mục thoại kịch và những vở của ban kịch Túy Hồng bao giờ cũng thu hút người xem.

Người ta kéo nhau tới những nhà có tivi, đứng kín trong nhà, ngoài cửa để xem kịch. Ngay sau đêm vở Phi vụ cuối cùng phát sóng với ca khúc Thành phố buồn vang lên xuyên suốt, người dân lùng sục tờ in bài hát. Các nam sinh thời đó cứ phải giắt túi tờ nhạc Thành phố buồn mới đúng điệu.

Cuốn Lam Phương - Trăm nhớ ngàn thương (Nguyễn Thanh Nhã chấp bút) cho biết hồi đó nhạc sĩ nhận khoảng 12 triệu đồng tác quyền (tương đương 432.000 USD) cho bài hát này. Nhờ đó mà năm 1971, vợ chồng nhạc sĩ Lam Phương mua căn biệt thự gần 300 m2 ở số 42 đường Nguyễn Lâm, quận 10. Ngôi nhà giờ là tài sản của người thân gia đình nhạc sĩ.

Ngày nay khó có thể tưởng tượng được chỉ bán bản nhạc in mà có thể giàu được. Chế Linh cho hay ông đã “tư vấn” cho các nhạc sĩ về việc này.

Ông kể: “Ngày xưa các nhạc sĩ vất vả lắm, nếu chỉ bán bài hát cho hãng đĩa. Sau này, tôi nói các nhạc sĩ in nhạc ra bán sẽ tốt hơn”.

Chế Linh cũng cho hay Lam Phương giao luôn Thành phố buồn cho ông, muốn sửa thế nào cũng được. Lam Phương phát hành 100 ngàn tờ nhạc Thành phố buồn đã là kỷ lục thời bấy giờ. Nhưng sau khi Chế Linh làm cho bài hát trở nên nổi tiếng hơn, Lam Phương bán được nhiều tờ nhạc hơn nữa, nhờ đó mà mua biệt thự, ôtô.

“Với bài này, anh Lam Phương thu được nhiều tiền hơn tôi. Khi có tiền, anh ấy mang 500.000 đồng đến đưa cho tôi gọi là lì xì Tết. Nhưng lúc ấy, 500.000 đồng lớn lắm. Tôi nghĩ đó cũng là may mắn của tôi và cả anh Lam Phương. Anh ấy đã ra đi, tôi tin anh ấy mãn nguyện vì sự nghiệp của mình”, Chế Linh nói.

Theo Chế Linh thời đó không có chuyện ca sĩ mua bài của nhạc sĩ, mà nhạc sĩ nhờ ca sĩ hát và lĩnh tiền bản quyền, ca sĩ thu được tiền từ các hãng đĩa và băng.

Chế Linh cho rằng sự thành công của Thành phố buồn là cơ duyên giữa Lam Phương và ông: “Sau này, anh Lam Phương đổ bệnh, khán giả hỏi hoài, tôi mới viết Thành phố buồn 2. Lần này, đi hát ở Đà Lạt, với âm hưởng từ bài hát Thành phố buồn, tôi sẽ tâm sự nhiều hơn về bài hát này cùng kỷ niệm của Chế Linh, bài hát mang tôi đến tột đỉnh vinh quang. Cảm ơn anh Lam Phương đem đến ca khúc này cho tôi”.

Ca sĩ Quang Thành từng ra đĩa nhạc Lam Phương và thân thiết với nhạc sĩ trong những năm cuối đời cho biết thêm: “Trong giới âm nhạc, có nhiều bản thu Thành phố buồn do nhiều ca sĩ thể hiện, nhưng Lam Phương thích nhất bản phối qua giọng ca Chế Linh. Được đi cùng danh ca Chế Linh là cơ hội may mắn để tôi lưu giữ lại những kỷ niệm cho sau này”.

''Tuổi 80, hát nhạc yêu đương cũng ngại"

Chương trình tại Đà Lạt ngoài những nhạc phẩm của Lam Phương còn có Trúc Phương, Anh Bằng, Phạm Thế Mỹ, Tô Thanh Tùng, Trần Quảng Nam, Thái Thịnh… Đó là: Ai cho tôi tình yêu, Thói đời, Duyên phận, Mười năm tình cũ, Con đường mang tên em, Phố đêm, Đà lạt hoàng hôn… Chế Linh cũng trình bày nhiều tác phẩm do ông sáng tác với bút danh Tú Nhi như Đoạn buồn cho tôi, Xin làm người xa lạ, Đoạn cuối tình yêu, Mai lỡ mình xa nhau… Ông cũng sẽ hát một sáng tác mới của bản thân, nhưng nội dung vẫn... thất tình như cũ.

Chế Linh: 'Ở tuổi 80 như tôi cứ hát yêu đương mãi cũng ngại' ảnh 1
Ca sĩ Chế Linh hát xuyên Việt đánh dấu 60 năm ca hát. Ảnh: BTC.

“Ở tuổi này cứ hát yêu đương mãi cũng ngại. Nhưng vì khán giả phải ép mình trẻ và hát thôi. Nhiều người bảo tôi không phải là người bình thường nên tuổi này mới chạy và hát như thế. Tôi nghĩ nghệ sĩ như chúng tôi là thợ may, để nối lại những yêu thương, xoá nhòa những vết thương lòng. Rồi từ âm nhạc, sẽ thấy lòng dịu đi nhiều”, Chế Linh tâm sự.

Chế Linh tên thật là Jamlen (Trà-len), là người Chăm và có tên tiếng Việt là Lưu Văn Liên. Ông sinh năm 1942 tại làng Hữu Đức, tỉnh Ninh Thuận. Ông bắt đầu nổi tiếng từ thập niên 1960, sau đó cùng với các ca nhạc sĩ Duy Khánh, Hùng Cường và Nhật Trường được xưng tụng là “tứ trụ nhạc vàng”. Ngoài ca hát, ông còn sáng tác với hai bút danh là Tú Nhi và Lưu Trần Lê.

Chế Linh cũng khẳng định ông muốn xây dựng một thương hiệu trong dòng nhạc này. “Trên thế giới này, những tiểu thuyết, kịch, phim nổi tiếng nhất đều mang nỗi buồn trong đó. Tôi chủ trương hát nhạc buồn và nó đã trở thành phong cách của tôi. Nhắc đến Chế Linh, là nhắc đến nỗi buồn. Nhưng từ âm nhạc của tôi, hy vọng khán thính giả nghe sẽ tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. Giống kiểu ‘lấy độc trị độc’. Đối diện với sự sâu lắng của nỗi buồn, người ta sẽ vui lên”, ông nói.

Ông còn kể thời trước có những người đang buồn mà nghe nhạc của ông càng buồn thêm đến độ muốn… tự tử. Nhưng rồi họ nghĩ lại chính ông Chế Linh là người “sản xuất” ra những bài buồn muốn chết đó mà vẫn sống khỏe re, vợ con đề huề nên họ lại bỏ ý định dại dột kia đi (!)

NSND Trần Hiếu khi tròn 80 tuổi đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam ghi nhận là “Nghệ sĩ nhân dân cao tuổi nhất vẫn còn biểu diễn trên sân khấu ca nhạc”. Nếu Chế Linh đi đăng ký chắc hẳn cũng cầm chắc danh hiệu “Nghệ sĩ cao tuổi nhất vẫn tổ chức chương trình ca nhạc riêng”.

“Ông trời phú cho mình giọng hát thì mình phải luôn giữ giọng và tập luyện thường xuyên,” Chế Linh chia sẻ bí quyết giữ phong độ đáng ngạc nhiên. Một ngày ông luyện thanh hát từ 10 tới 20 bài là bình thường. Cơm có thể ăn bớt một chút nhưng việc tập thể thao và luyện giọng ngày nào cũng phải làm. Ngoài ra, ông nói không với hát nhép trong suốt sự nghiệp.

Chế Linh đang chuẩn bị ấn hành một tập nhạc trong đó chia sẻ những kỷ niệm về các tác phẩm. Ông còn mong muốn có một nhà lưu niệm nhỏ tại Việt Nam - nơi lưu giữ những kỷ vật của đời nghệ sĩ. Nếu nhà lưu niệm có thể sinh lợi, toàn bộ số tiền sẽ dành để làm từ thiện.

Tin liên quan