Quan họ không qua loa
Không đến đồi Lim, người đi chơi quan họ tìm chốn riêng của mình. Tối 12 tháng Giêng hàng năm, tối khai hội Lim, tại nhà anh Hai Kế (thôn Duệ Đông), anh hai Chiến (thôn Lũng Giang) hay tại nhà nhiều liền anh, liền chị khác ở thị trấn Lim và các xã quanh đồi Lim, bọn quan họ lại kéo đến vui vầy. Họ lại chơi quan họ cho đến nứt tường, cho đến khi bén rễ, xanh cây, cho đến khi gương vỡ lại lành mới dùng dằng đổ câu giã bạn.
Cụ Nguyễn Thừa Kế, nguyên là Bí thư huyện ủy của nhiều huyện như Quế Võ, Tiên Sơn, Tiên Du, cũng là những người góp công quan trọng vào việc khôi phục quan họ từ những năm 1980.
Năm nay đã 95 tuổi nhưng cụ vẫn là một anh cả, anh hai quan họ với giọng ca nền nã, thuộc nhiều bài quan họ cổ mà ít nơi biết được. Cụ chiêm nghiệm, người quan họ chỉ nói chơi quan họ chứ không phải hát quan họ. Rằng chơi quan họ tức là đến thăm nhau, hát, giao lưu. Rằng đã chơi thì phải đủ lề lối, cung đoạn.
Đầu tiên phải là điệu La rằng, rồi đến hát vặt và cuối cùng là giã bạn. Mỗi cung đoạn kéo dài 2-3 tiếng đồng hồ nên một canh hát chí ít cũng phải từ 7 giờ rưỡi tối đến khoảng 1-2 giờ sáng. Người chơi quan họ không vì tiền, chơi cho thỏa thú tang bồng.
“Còn hát quan họ tức là có tiền. Mà nghe đâu có những đám hát quan họ chuyên nghiệp, mỗi buổi được cả vài triệu đồng. Họ hát cũng không đến nỗi nào nhưng bảo hát một câu quan họ cổ thì không biết. Mà không có mấy bài La rằng thì không còn là canh hát quan họ nữa” – cụ Kế trầm tư.
Nghệ nhân Đỗ Văn Chiến (bìa phải) trong một buổi giao lưu tại Hội Lim
Mấy năm nay vào buổi tối 12 tháng Giêng, nhà ông Kế lại nhộn nhịp đón khách. Không cần đàn, nhị, cũng không cần qua loa (hát có micro), những liền anh, liền chị ở đủ mọi lứa tuổi trao nhau những câu hát tình tứ, mặn nồng, da diết, ăn những miếng trầu đỏ thắm môi duyên. Đêm về khuya, không gian chỉ còn tiếng quan họ vang lên quấn quýt, nâng niu nhưng khoan thai, ý nhị. Một không gian quan họ lại trở về! Đâu cần loa đài ầm ĩ, đâu cần lán trại sặc sỡ, đâu cần ngửa nón xin tiền như những xô bồ nơi đất Hội…
Về với quan họ cổ
Nghệ nhân Đỗ Văn Chiến, 63 tuổi (xóm Trinh, thôn Lũng Giang, thị trấn Lim) cho rằng: Quan họ mà hát qua loa, lại có nhạc đệm bập bùng nữa thì đã mất một nửa cái hay của quan họ rồi. Người ta chỉ nghe tiếng nhạc chát chúa, tiếng người đã được “cải biên” ít nhiều qua các thiết bị tăng âm, chính vì thế đến với quan họ phải thẩm bằng cách đơn sơ nhất, mộc mạc nhất.
Nghệ nhân Nguyễn Thừa Kế 95 tuổi vẫn say với quan họ
Cụ Nguyễn Thừa Kế giải thích thêm: Thông thường khi hát quan họ người ta thường hát đôi, tức là hai người nam hoặc hai người nữ cùng cất tiếng hát. Giọng người này sẽ bổ trợ, hòa điệu với người kia, quấn quýt, nâng giọng của nhau lên. Càng về đêm nghe quan họ càng hay vì lúc ấy những giọng tốt, giọng quý mới thực sự được bộc lộ, được thăng hoa và người nghe cũng có thể thấy được tứ đức “vang, rền, nền, nảy” trong những câu quan họ.
Lớp người thuộc được những câu quan họ cổ ngày càng ít đi. Cả một kho báu về quan họ cũng dần mất đi theo các nghệ nhân. Nhưng bằng nhiều cách, họ vẫn đang âm thầm truyền lại cho các thế hệ sau những làn điệu quan họ cổ, truyền cả con cháu những lề lối của người quan họ.
Ông Chiến cho biết, ông đã sưu tập được khoảng 300 bài quan họ cổ. Niềm say mê quan họ của ông ngấm sang tất cả thành viên trong gia đình. Đến nay, cả gia đình ông đều hát được. Từ người con gái cả cho đến con trai, thậm chí cả cháu ngoại ông mới 10 tuổi cũng đổ được vài đẵn quan họ đãi khách. Còn tại gia đình nhà cụ Kế đang tập hợp được gần 20 liền anh, liền chị nhỏ tuổi để tiếp tục gìn giữ những làn điệu quan họ cổ.
Cũng có một điều lạ là tục ăn trầu của người Việt tưởng dần mất đi bỗng tìm lại được ở đất quan họ. Du khách khá ngạc nhiên khi con trai ông Chiến vừa nói chuyện với khách vừa nhanh tay têm trầu rồi bỏ vào miệng nhai bỏm bẻm. Hỏi ra mới biết, ở đây khá nhiều thanh niên ăn trầu, ăn nhiều thành quen. Trầu này trầu tính, trầu tình/ Ăn vào cho đỏ môi mình môi ta. Cái chất quan họ đọng lại trong lòng du khách đôi khi chính là những chi tiết tưởng như nhỏ nhặt ấy…
Vẫn nhốn nháo nơi Hội
Cữ 12, 13 tháng Giêng, đông đảo du khách thập phương đổ về Hội Lim diễn ra tại thị trấn Lim và các xã Nội Duệ, Liên Bão, huyện Tiên Du, Bắc Ninh, trong đó trung tâm là núi Hồng Vân (Đồi Lim). Người đi xem canh hát, người đi chiêm bái, cầu khấn ở chùa… Năm nay, Ban tổ chức dựng 6 lán hát quan họ và một sân khấu chính mời các CLB đến những làng quan họ gốc, Trung tâm văn hóa, trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh biểu diễn. Sau thất bại kế hoạch hát không qua micro, loa của năm trước, năm nay Ban tổ chức cho phép các lán dùng loa trở lại. Dù “được kiểm soát âm lượng”, nhưng tiếng nhạc, tiếng hát của các lán vẫn “chồng chéo” nhau. Những chất riêng của quan họ với vang, rền, nền, nảy càng trở thành vị hiếm, khó tìm thấy hơn khi những “Con bướm xuân”, “Anh không đòi quà”, “Gangnamstyle” của nhiều hàng quán xung quanh lễ hội át ngang. Ngoài ra còn những hình ảnh dịch vụ có phần chưa đẹp như tạo dáng chụp ảnh, thay đồ liền anh liền chị để chụp ảnh…
Mai Xuân Tùng