Tìm “cần câu” cho người thất nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
TP - Thay vì hỗ trợ tiền, thực phẩm…, nhiều đoàn thể, doanh nghiệp (DN) phía Nam đã kết nối tìm việc làm, mở lớp dạy nghề, tặng người lao động mất việc “cần câu” thay vì “con cá”.

Mỗi ngày, tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM và các chi nhánh bảo hiểm thất nghiệp luôn có khá nhiều người đến tìm việc làm cũng như tư vấn về học nghề. Mất việc khi đã hơn 40 tuổi, chị Võ Thị Hồng Sen (quê Hà Tĩnh) muốn học nghề làm móng, cắt tóc… Chị tâm sự: “Lớn tuổi khó xin việc ở thành phố nên muốn về quê mở tiệm làm đẹp cho riêng mình. May mắn, tôi được Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM giới thiệu nơi học nghề miễn phí giúp mình bớt phần nào lo lắng”.

TPHCM hiện có nhiều kênh hỗ trợ người lao động học nghề, tạo việc làm, hỗ trợ chị em khởi nghiệp như Hội Phụ nữ, Liên đoàn Lao động… Bà Trần Thị Phương Hoa, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM, thông tin, Hội đã và đang có nhiều chương trình hỗ trợ chị em khởi nghiệp, chẳng hạn Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế mở các lớp nghề ngắn ngày (làm bánh, trang điểm, pha chế, nấu ăn), cho vay từ nguồn vốn tiết kiệm của hội và nguồn vốn hội nhận ủy thác… “Phụ nữ muốn học nghề, tìm việc làm có thể liên hệ với các cấp Hội Phụ nữ để được hướng dẫn, hỗ trợ”, bà Hoa cho hay.

Tìm “cần câu” cho người thất nghiệp ảnh 1

Người lao động ở Bình Dương nộp hồ sơ xin việc ảnh: H.C

Ông Lê Hùng Huệ, Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH thành phố Thủ Đức, cho biết, trên địa bàn có 328 doanh nghiệp sử dụng hơn 126.000 lao động. Khi DN có biến động về lao động, thu hẹp sản xuất, kinh doanh, phải cắt giảm công nhân, Phòng sẽ cử cán bộ hướng dẫn DN xây dựng phương án lao động đúng luật, đảm bảo lợi ích cho người lao động.

Theo Sở LĐ-TB&XH Đồng Nai, trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có hơn 40.000 lượt lao động được giải quyết việc làm, đạt khoảng 50% kế hoạch năm. Ông Nông Văn Dũng, Phó giám đốc Sở, cho biết, dù vẫn còn khó khăn chủ yếu ở các lĩnh vực chế biến gỗ, da giày… nhưng DN vẫn duy trì sản xuất, giảm giờ làm để duy trì lao động. Một số ngành như điện tử, chế biến thức ăn gia súc, may mặc... vẫn có đơn hàng ổn định và có báo cáo tăng ca.

Sở LĐ-TB&XH Đồng Nai kết nối công nhân mất việc đến các DN đang tuyển dụng lao động. Thông qua đó, Trung tâm Giới thiệu việc làm của tỉnh đã giới thiệu cho hơn 3.000 lao động tìm được việc làm mới, đồng thời, tư vấn việc làm cho trên 39.000 lao động khác.

Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bình Dương Phạm Văn Tuyên cho biết, nhu cầu tuyển lao động phổ thông ở quý II và quý III/2023 chủ yếu để bổ sung nguồn lực hao hụt. Đến quý IV, nhu cầu tuyển dụng sẽ tăng mạnh do DN muốn mở rộng sản xuất và chuẩn bị làm hàng Tết. Dự báo từ nay đến cuối năm, tỉnh Bình Dương cần hơn 20.000 lao động. Trong đó lao động có tay nghề, lao động phổ thông khoảng 15.000 người, còn lại là lao động có trình độ chuyên môn.

Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 28/6, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, cho biết, từ đầu năm đến nay, thành phố đã giải quyết việc làm cho hơn 160.000 lao động, trong đó việc làm mới gần 80.000 vị trí.

Cần tuyển hàng nghìn lao động

Ông Alexander Hagemann, Tổng giám đốc Tập đoàn Cicor (Thụy Sĩ), cho biết, DN vừa quyết định chi 5 triệu USD để xây dựng nhà máy trong Khu công nghiệp VSIP 1 (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) sản xuất các sản phẩm, bán thành phẩm điện tử, cơ điện để xuất khẩu. Từ nay đến cuối năm, tập đoàn sẽ tuyển dụng thêm khoảng 1.000 lao động.

Ông Nogihiroshi, Tổng giám Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam (sản xuất dây dẫn điện ô tô), cho biết, đã giải ngân hơn 1,37 tỷ USD và dự kiến trong quý III năm nay sẽ đầu tư xây dựng thêm nhà máy tại khu công nghiệp Bàu Bàng (Bình Dương). Trong tương lai gần, DN này cần tuyển hàng nghìn lao động và trước mắt trụ sở công ty tại TP Dĩ An (Bình Dương) đang có nhu cầu tuyển dụng gần 800 lao động phổ thông.

Đại diện Tập đoàn Lego (Đan Mạch) chuyên sản xuất đồ chơi sáng tạo cho trẻ em đã chi hơn 1,3 tỷ USD xây dựng nhà máy tại khu công nghiệp VSIP III (TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2024 và cần tuyển khoảng 4.000 lao động.

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.