Tiêu thụ nông sản vùng dịch: Chuẩn bị cho vùng vải 'sạch COVID'

0:00 / 0:00
0:00
Đóng gói vải thiều tại một điểm thu mua ở Lục Ngạn (Bắc Giang)
Đóng gói vải thiều tại một điểm thu mua ở Lục Ngạn (Bắc Giang)
TP - Vải thiều năm nay được mùa nhưng chính vụ cũng là lúc Bắc Giang trở thành điểm nóng nhất cả nước về dịch. Địa phương này đang thực hiện nhiều biện pháp để thu hoạch, tiêu thụ số nông sản trị giá hàng nghìn tỷ đồng.

Lập chốt bảo vệ

Theo số liệu được UBND tỉnh Bắc Giang công bố, năm 2020, tổng trị giá vải thiều, các dịch vụ phụ trợ ước đạt 6.830 tỷ đồng. Sản lượng vải thiều Lục Ngạn năm 2021 ước tính 120.000 tấn. Những ngày đầu tháng 6, vải thiều bắt đầu chín nhưng không có chất lượng tốt như vải chính vụ nên giá chỉ 15 - 20 nghìn đồng/kg. Người dân địa phương hy vọng sắp tới, vải thiều sẽ có giá trung bình 35.000 đồng/kg, cao hơn năm 2020. Đến nay, đã có 73 điểm thu mua vải thiều đi vào hoạt động tại huyện Lục Ngạn. Ước tính, sẽ có hơn 200 điểm thu mua do lao động trong các cơ sở này đã đăng ký, được xét nghiệm COVID-19 phục vụ sơ chế, đóng gói, vận chuyển… vải thiều.

Tại Lục Ngạn, chính quyền đã giải quyết vấn đề thiếu lao động bằng cách hướng dẫn người dân đổi công cho nhau; huy động các đoàn thể tham gia thu hoạch… Ước tính, số lao động cần để thu hoạch, chế biến vải trong 2 tháng là khoảng 30.000 người và dân số trong độ tuổi lao động của huyện là 100.000 người. Lãnh đạo huyện khẳng định, vấn đề mấu chốt là phải giữ cho vùng vải được an toàn trước COVID-19. Vì vậy, huyện đã xét nghiệm cho 4.500 thương nhân cùng 25.000 người địa phương, tất cả cho kết quả âm tính.

Ông Nguyễn Việt Oanh, Bí thư Huyện ủy Lục Ngạn (Bắc Giang) cho biết: “Các làng xóm đã lập hơn 300 chốt bảo vệ mùa vải. Mọi người đều thực hiện giãn cách, chỉ thực sự cần thiết mới ra ngoài và tất cả tuân thủ phương châm chỉ đi hái vải rồi về”. Theo ghi nhận, ngoài việc lập chốt trên các trục đường liên thôn, liên xã, một số người dân huyện Lục Ngạn còn rào chắn lối lên đồi vải thiều của mình để ngăn người lạ ra vào, đảm bảo sản phẩm “sạch COVID”.

Vắng thương nhân Trung Quốc, vải vẫn “bay” đi 30 nước

Hiện tại, vải thiều Bắc Giang chưa vào chính vụ nên một vài khu vườn có quả đỏ, đa phần vẫn còn xanh. Dưới chân đồi vải, ông Hoàng Văn Bảo (ở xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn) chia sẻ, vườn vải của gia đình có khoảng 140 gốc với tuổi đời 20 - 30 năm, đa phần sẽ chín trong khoảng gần 20 ngày tới. Năm nay, vải được mùa nên ông ước tính sẽ thu được hơn chục tấn vải thu về hàng trăm triệu đồng nhưng điều ông và người dân quan tâm nhất lúc này là tình hình dịch COVID-19 phải được kìm chế.

Theo UBND tỉnh Bắc Giang, năm 2021, diện tích vải thiều trên địa bàn là 28.100ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn nhưng nơi đây đang bị ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19. Do vậy, tỉnh xây dựng kế hoạch tiêu thụ vải thiều với nhiều kịch bản có thể xảy ra. Lúc này, Bắc Giang đang tập trung mọi nguồn lực, chung tay hỗ trợ, giúp người dân từ công tác thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều.

UBND tỉnh Bắc Giang từng đề nghị cho 190 thương nhân Trung Quốc được nhập cảnh thu mua vải thiều nhưng chính quyền Trung Quốc không cho họ sang Việt Nam, vì lo ngại dịch bệnh. Những thương nhân này đã chuyển tiền cho các đầu mối người Việt Nam để đặt hàng. Riêng tại huyện Lục Ngạn, họ tạm mua 3.000 tấn và nhu cầu vẫn tiếp tục tăng cao. Hiện tại, vải thiều được đóng gói, chuyển giao cho thương nhân Trung Quốc tại các cửa khẩu trên biên giới 2 nước theo dạng “ưu tiên luồng xanh”, không để tồn xe vải qua ngày. Chính quyền tỉnh cũng huy động 560 xe đầu kéo làm phương tiện vận tải chủ lực trong việc bao tiêu nông sản.

Ngoài thị trường Trung Quốc, năm 2020, vải thiều Bắc Giang được xuất khẩu đi 30 quốc gia khác trên thế giới và năm nay, các thị trường nước ngoài vẫn tiếp tục đặt mua. Ngày 26/5, có 20 tấn vải thiều chín sớm tại huyện Tân Yên được xuất khẩu sang Nhật, giúp nông dân bán được giá 55.000 đồng/kg. Vải thiều được trồng theo chuẩn quốc tế cần nhiều vốn, công sức hơn nhưng người nông dân sẽ bán được với giá gấp từ 1,5 đến 2 lần so với thông thường.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.