Theo Cục Bảo vệ thực vật, hai cơ sở xử lý vải vừa được cấp phép là của Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam và Công ty TNHH Sản xuất, dịch vụ, thương mại Rồng Đỏ. Theo đó, từ ngày 29/5, vải tươi của Hải Dương xuất sang Nhật Bản được xử lý hun trùng tại chỗ, không phải vận chuyển tới Cục Bảo vệ thực vật để hun trùng như trước.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Vũ Việt Anh, Phó Giám đốc Sở NN&PNT Hải Dương cho biết, từ năm 2020, khi vải từ Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản phải được khử trùng kỹ càng, đồng thời vượt qua vòng kiểm nghiệm hơn 800 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật.
Năm nay, do dịch COVID-19, phía Nhật đã ủy quyền cho Việt Nam chủ động khử khuẩn, và kiểm nghiệm các hoạt chất bảo vệ thực vật trên quả vải, sau đó gửi về Nhật Bản.
Theo ông Việt Anh, với việc Nhật Bản cấp phép thêm cơ sở lý vải với 3 buồng hun trùng mới được đầu tư, sử dụng công nghệ tiên tiến, công suất hoạt động và chất lượng xử lý vải trong thời gian tới sẽ tốt hơn, đạt khoảng 50 tấn/ngày.
Vải khi xuất khẩu sang Nhật Bản phải được khử khuẩn kĩ lưỡng và vượt qua vòng kiểm nghiệm 800 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật |
Hiện, cả nước có 5 buồng hun trùng vải xuất khẩu được Nhật Bản cấp phép. Từ ngày 23-29/5, mỗi ngày có từ 5-7 tấn vải tươi của Hải Dương được xuất sang thị trường này.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hải Dương cũng cho biết thêm, đến nay tỉnh Hải Dương đã tiêu thụ được khoảng 65% sản lượng vải thiều Thanh Hà sớm và dự kiến còn khoảng 30.000 tấn, đồng thời có khoảng 25.000 tấn vải chính vụ (tăng 15.000 tấn so với năm 2020). Vải thiều chính vụ sẽ bắt đầu thu hoạch từ ngày 1/6 và thu hoạch rộ từ ngày 5/6.
Năm nay, do có nhiều kênh tiêu thụ được đẩy mạnh nên giá vải Hải Dương cao. Đối với vải các vùng nguyên liệu sản xuất theo quy trình xuất khẩu sang Nhật Bản, Singapore, doanh nghiệp đang thu mua với giá cao hơn từ 7.000-10.000 đồng/kg so với vải ngoài vùng xuất khẩu.
Ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ameii Việt Nam cho biết, với việc lắp đặt thêm buồng xử lý, doanh nghiệp sẽ được chủ động từ nguyên liệu, sơ chế, đóng gói, khử trùng để phục vụ xuất khẩu, giúp tiết kiệm được thời gian và chi phí vận chuyển.
Trong bối cảnh cao điểm thu hoạch vải, công ty đã phải tăng gấp đôi nhân lực so với các thời điểm khác để đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu.