Sau hạn mặn lịch sử:

Tiêu điều thủ phủ trái cây

Ông Trần Văn Hải bên đống củi chôm chôm
Ông Trần Văn Hải bên đống củi chôm chôm
TP - Hạn mặn lịch sử khiến người dân ở Bến Tre thiệt hại hàng tỷ đồng khi hàng nghìn héc ta cây ăn trái chết khô buộc nông dân phải chặt bỏ.

Trắng tay vì hạn mặn

Dọc ấp Phú Thới, xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách không còn cảnh nhộn nhịp, nói cười rôm rả như trước kia mà thay vào đó là không khí khá buồn bã.

“Năm nay cây đang sung, đúng vào thời điểm ra trái nhiều nhưng mặn ập đến làm trái rụng, chết ấm ức. Nhiều cây đang chết khô, các cây còn lại đều rụng lá”.

Ông Nguyễn Văn Nghi

Gia đình ông Nguyễn Văn Nghi (70 tuổi) có 0,3 ha sầu riêng đang cho trái bị nhiễm mặn chết dần. “Năm ngoái bán được trên trăm triệu, còn năm nay coi như mất trắng”, ông Nghi cho biết.

Năm nay, mặn đến sớm và xâm nhập toàn tỉnh Bến Tre, ngay cả “thủ phủ” trái cây nổi tiếng ở miền Tây là Chợ Lách trước giờ không bị xâm nhập mặn giờ cũng bị ảnh hưởng, có nơi độ mặn lên đến trên 10%o, chưa kể tất cả các nhà máy nước phục vụ cho dân cũng đều mặn trên dưới 5%o. “Cây để lâu không tưới cũng chết, còn tưới nước sông mặn cũng chết. Tôi biết làm thế không tốt nhưng vẫn phải tưới vì không còn cách nào khác”, ông Nghi than thở. Trong lúc khô hạn nhiều người chọn giải pháp là mua nước ngọt để cứu vườn cây ăn trái, tuy nhiên không  phải ai cũng mua được vì điều kiện gia đình và vị trí mảnh vườn xa không thể nối ống.

 Gia đình ông Nghi có 3 người con trai, đều có gia đình riêng, sống quanh quẩn gần ông và làm thuê. Vợ chồng ông tích lũy mấy chục năm xây được căn nhà cấp 4 khang trang hơn nửa năm nhưng chưa hoàn thiện. Ông hy vọng bán sầu riêng năm nay để hoàn thiện căn nhà (mới xây chưa tô), nhưng giờ sầu riêng chết gần hết.

Ông Trần Văn Hải ở cùng ấp Phú Thới có 0,2 ha chôm chôm đang cho trái thì bị nhiễm mặn chết. Ông vừa đốn sạch vườn, củi chất đống cao trước nhà. Ông cho biết, nếu để cũng chẳng phục hồi được nên đốn hết trồng lại mít giống, lấy ngắn nuôi dài.

Chôm chôm là loài cây rất mẫn cảm với nước mặn nên khi bị ảnh hưởng thì rất khó phục hồi. Đợt hạn mặn năm 2016 mặn chỉ có vài ngày nhưng phải mất gần 2 năm mới phục hồi được. “Bón phân, xử lý kỹ thuật mất rất nhiều thời gian và công sức cây mới phát triển bình thường lại, thu hoạch chưa bao lâu thì giờ bị nhiễm mặn nên không còn cách nào khác là đốn bỏ để trồng cây khác”, ông Hải nói. Vừa bị thiệt hại hàng chục triệu đồng, giờ ông còn phải tốn thêm hơn 30 triệu đồng thuê đốn vườn và máy xúc sửa bờ để xuống giống trồng mít.

Cùng hoàn cảnh, ông Phạm Văn Lập (cùng ấp Phú Thới) có 0,1 ha chôm chôm đang ra trái sum suê thì bị nhiễm mặn khiến rụng hết nên cũng phải đốn để trồng cây khác. Vợ chồng ông Lập có 2 con, thuộc diện cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ căn nhà cấp 4 cách nay vài năm. Hằng ngày, vợ chồng ông đi làm thuê kiếm sống. Căn nhà cất lâu nên cũ kỹ, nhiều nơi dột nát. Ông định năm nay bán chôm chôm có tiền sửa nhà trước mùa mưa, nhưng giờ vô vọng.

100% diện tích cây trái bị ảnh hưởng

Ở ấp Phú Thới lúc này, hầu như nhà nào cũng gặp khó khăn. Bà Tô Thị Bé chuyên về trồng cây giống mấy chục năm nay. Hạn mặn khiến bà vô cùng khổ sở. “Gần 20.000 gốc chôm chôm giống tính ra trên 500 triệu đồng đã tiêu tan hết. Chưa kể, sau khi chôm chôm chết chuyển sang cấy lại hàng nghìn cây mít giống cũng đang vàng hoe”, bà Bé rầu rĩ.

Chồng bà là ông Lê Văn Góp dẫn phóng viên ra vườn sau nhà chứng kiến cảnh hàng nghìn cây mít cao chừng gang tay đang vàng úa, nhiều cây chết khô. Ông Góp (67 tuổi) nói: “Tôi sống ở đây mấy chục năm với nghề cây giống. Về kỹ thuật hay sâu bệnh thì còn khắc phục được, nhưng mặn xâm nhập thì không cách nào cứu được”. Bà Bé bộc bạch: “Vay ngân hàng trên 400 triệu đồng, năm nay không bị hạn mặn trả khỏe re nhưng giờ trắng tay rồi, tiền lãi hằng tháng cũng không có trả chứ huống chi trả tiền gốc”.

Bà Bé cho biết, con trai út của bà thuê mặt bằng cạnh đường 50 triệu đồng/năm để bán cây giống nhưng cũng thua lỗ nặng, trồng cây công trình trị giá hàng trăm nghìn đồng mỗi cây cũng chết hết, tất cả đều tiền đi vay. Không chỉ gia đình bà Bé bị thiệt hại, nhiều người bỏ ra hàng chục triệu đồng để mua nước ngọt cứu vườn cây ăn trái nhưng vẫn không cứu nổi.

Ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách, cho biết, hạn mặn lịch sử năm nay đã ảnh hưởng đến 100% diện tích cây ăn trái toàn huyện (khoảng 8.500 ha) ở nhiều mức độ khác nhau. Trong đó, trên 4.000 ha, chiếm hơn 50% diện tích cây ăn trái, chủ yếu chôm chôm và sầu riêng, bị thiệt hại từ 60 - 70%.

Theo ông Liêm, mặc dù địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhưng vẫn chịu không nổi tình trạng hạn mặn kéo dài suốt hơn 5 tháng qua.  Đối với vùng cây ăn trái, hạn, mặn kéo dài sẽ tác hại vô cùng lớn, trong khi người dân không đủ nước ngọt để sản xuất. “Người dân chưa có kinh nghiệm trữ nước và thích ứng, chính vì thế đợt hạn mặn này mới tích lũy và trả giá đắt. Còn Nhà nước có nhiều giải pháp nhưng chưa căn cơ, bền vững”, ông Liêm nói.  

MỚI - NÓNG