Tiết kiệm hơn 11 nghìn tỷ đồng từ cải cách bộ máy, tinh giản biên chế

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu tại Hội nghị.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu tại Hội nghị.
TPO - Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, nhờ sắp xếp tinh gọn bố máy, mà trong năm 2018 đã tiết kiệm được 11 nghìn tỷ đồng, riêng Bộ Công an tiết kiệm được hơn 1000 tỷ.

Nhiều dư địa lớn để tiếp tục cắt giảm, sáp nhập 

Thảo luận tại Hội nghị toàn quốc Ngành Tổ chức xây dựng Đảng, sáng 18/1, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 6 về cải cách bộ máy đã không chỉ giảm được hàng trăm nghìn người mà còn góp phần tiết kiệm được hơn 10 nghìn tỷ đồng (chưa kể 1.000 tỷ từ Bộ Công an).

“Với nguồn lực tiết kiệm được, các bộ ngành, địa phương có thể tăng cường trang biết bị, điều kiện để các cán bộ, công nhân viên làm việc tốt và hiệu quả hơn”, ông Tuấn nói.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng thông tin, “qua thông báo của Bộ Tài chính cho thấy việc sắp xếp bộ máy của Bộ Công an đã tiết kiệm 1.000 tỷ đồng”. Điều đáng lưu ý được Bộ trưởng Công an nêu ra là, tổ chức bộ máy mới đi vào hoạt động đã đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, không gây gián đoạn, xáo trộn trong thực hiện chức năng nhiệm vụ của công an các cấp, không để một ngày, một giờ nào nhân dân không được phục vụ.

Tiết kiệm hơn 11 nghìn tỷ đồng từ cải cách bộ máy, tinh giản biên chế ảnh 1 Bộ Công an tiết kiệm được 1000 tỷ đồng từ sắp xếp, cải cách bộ máy

Dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan, nhưng Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục thực hiện việc cải cách bộ máy, tinh giản biên chế. Từ đó, ông kiến nghị phải giao ngay từ đầu năm cho các đơn vị thực hiện việc tinh giản biên chế.

Đăc biệt, Thứ trưởng Bộ Tài chính kiến nghị các cơ quan chức năng nên tiếp tục thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập các tổ chức đơn vị lại. Trong đó, những tổng cục nào không đạt tiêu chí thì sắp xếp lại. Bên cạnh đó, hiện các bộ hiện vẫn còn duy tr nhiều hệ thống văn phòng, như văn phòng đảng ủy bộ, văn phòng bộ, văn phòng công đoàn… “Các đơn vị này nên sắp xếp lại với nhau. Tương tự  đối với vụ hợp tác quốc tế ở các bộ cũng nên xem xét lại cho phù hợp, nơi nào không cần thiết thì sáp nhập lại”, ông Tuấn kiến nghị.

Khắc phục khuynh hướng thụ động, trông chờ

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đánh giá cao Ban Tổ chức T.Ư đã triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết T.Ư 6. “Đây là một trong những nghị quyết của T.Ư sớm đi vào cuộc sống, bước đầu tạo được chuyển biến tích cực trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn”, ông Vượng nói.

Đến nay đã giảm 3 ban chỉ đạo, 7 tổng cục và tương đương, giảm nhiều cục, vụ, sở, ngành và gần 500 lãnh đạo cấp vụ và tương đương, gần 10.000 lãnh đạo phòng, giảm hơn 81.000 công chức, viên chức ở Trung ương và địa phương; giảm hơn 51.000 người hưởng lương và phụ cấp ở cấp xã.

Tiết kiệm hơn 11 nghìn tỷ đồng từ cải cách bộ máy, tinh giản biên chế ảnh 2 Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu tại Hội nghị

"Đây là việc khó, lâu nay trong tâm lý mọi người thường nói giảm đầu mối thì đầu mối lại phình, giảm biên chế thì biên chế càng tăng. Nhưng thực sự không phải như vậy, chúng ta quyết liệt làm và đã có chuyển biến”, ông Trần Quốc Vượng nhấn mạnh.

Về nhiệm vụ năm 2019, ông Trần Quốc Vượng, đề nghị tiếp tục thực hiện Nghị quyết T.Ư 6 và Nghị quyết 39 về tinh giản biên chế đã được triển khai khẩn trương, tích cực với sự vào cuộc chủ động, quyết liệt của cấp ủy các cấp. Thực hiện đồng bộ việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy; giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm cấp phó gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.

Tuy nhiên, ông Trần Quốc Vượng cũng lưu ý “hành động quyết liệt, hiệu quả, khắc phục khuynh hướng thụ động, trông chờ nhưng cũng phải tránh việc chủ quan, nóng vội”. Bởi công tác tổ chức mà sai thì khó khắc phục, sai một ly đi một dặm, nên phải thận trọng, rõ đến đâu làm đến đấy.

MỚI - NÓNG