Trao đổi với PV báo Tiền Phong, một lãnh đạo xã Khâu Vai cho biết, toàn xã có khoảng hơn 7.000 người, không có thôn nào giáp biên giới nhưng địa bàn rộng, cách trở, đồng bào ở rải rác nên khó quản lý. Thôn xa nhất phải đi một ngày mới tới nơi, nếu mưa gió thì không cách nào vào được. Công an thôn, công an xã báo cáo chính quyền về cơ bản nắm số lượng chứ nhiều người dân tranh thủ thời gian nông nhàn đi một vài ngày rồi về, không ai biết và quản lý được.
“Chúng tôi vẫn tuyên truyền, nếu đi lao động bên Trung Quốc thì cần ra huyện làm giấy thông hành nhưng người dân không muốn. Giấy này xã không có thẩm quyền cấp mà chỉ xác nhận rồi giới thiệu ra huyện làm. Nhiều người đi một vài ngày nên họ không muốn phải làm nhiều thủ tục”, vị này nói.
Trong khi đó, ông Lê Văn Quý, Bí thư Đảng ủy xã Khâu Vai cho biết, xã cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền về rủi ro khi đi lao động không phép sang bên Trung Quốc. Thậm chí nhiều khi bị cướp, bị đánh cũng không có ai bảo vệ. Nếu không may bị công an bắt thì còn bị phạt nữa. “Cũng có nghe thông tin ở một số xã trên này có tình trạng người Việt sang bên đó bị đánh đập, trả công ít hơn”, ông Quý thông tin và cho biết, có thể là do không làm được như “hợp đồng” thỏa thuận ban đầu, không làm đạt lượng sản phẩm quy định...
Cũng theo ông Quý, sau khi ở Khâu Vai có trường hợp “thánh phượt” Vừ Già Pó đi lao động trái phép bên Trung Quốc rồi lưu lạc sang tận Pakistan, xã Khâu Vai đã tăng cường tuyên truyền về những rủi ro, nguy hiểm khi đi lao động không phép, đồng thời mời Vừ Già Pó đến nói chuyện, nhưng tình hình vẫn không khá hơn.
Được sự hướng dẫn của cán bộ xã Khâu Vai, chúng tôi tìm đến nhà anh Vừ Già Pó. Sau khi được giúp đỡ của các cơ quan chức năng, Vừ Già Pó giờ ở nhà chăn nuôi bò, làm kinh tế để cho các con ăn học. “Tôi vừa được vay 60 triệu nuôi bò vỗ béo. Nhà có khoảng 7 – 8 con. Không có nghề gì làm thì cũng phải vay vốn để làm ăn thôi”, anh Pó nói.
Đến bây giờ, anh Pó vẫn lắc đầu ngao ngán nhớ về đợt sang Trung Quốc lao động trái phép. Anh kể, sang bên kia biên giới cũng làm công việc trồng cây, phát rừng, vác xi măng, bón cây. “Làm thì vất vả nhưng ăn uống khổ cực, hay bị đánh nên tôi mới bỏ chạy, chạy rồi mới bị lạc. Lúc đầu không biết bị lừa, sang bên kia làm vất vả, mệt lắm”, anh Pó nhớ lại.
Anh Pó cho biết, sau khi trở về, mỗi dịp xã họp thôn thì lãnh đạo xã đều mời đi cùng để kể lại câu chuyện, hành trình của mình cho người dân biết sợ mà tập trung lao động ở quê hương, nếu muốn sang đó thì cũng phải làm giấy tờ hợp pháp. “Ở nhà chịu khó làm, dù chỉ đủ ăn vẫn tốt hơn. Sang bên kia bị đối xử không được tốt. Ở nhà chịu khó làm thì cũng đủ ăn, lại được gần gia đình”, anh Pó nói.
Không chỉ tuyên truyền cho nhân dân, anh Vừ Già Pó cũng định hướng tương lai cho các con. Anh Pó bảo, đợi các con lớn, cho ăn học đến hết lớp 9, lớp 12 thì lên xã tư vấn cho đi học nghề, rồi về làm thuê cho các công ty ở trong nước chứ không sang bên Trung Quốc nữa. “Làm ở Việt Nam thì ốm đau, có vấn đề gì các công ty, nhà nước mình còn quan tâm, còn chữa cho chứ bên kia ốm đau thì cũng không biết gì. Nếu các con đi làm thì cũng chỉ đi làm ở Việt Nam thôi”, anh Pó khẳng định.