Tiếp tục sắp xếp để giảm trường trung cấp, cao đẳng nghề công lập

0:00 / 0:00
0:00
Bộ LĐ-TB&XH đặt mục tiêu, sẽ tiếp tục sắp xếp, giảm số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), đặc biệt các trường trung cấp và cao đẳ ng công lập, để tăng trường tư thục, kêu gọi đầu tư nước ngoài. Mục tiêu được đặt ra trong Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ xem xét phê duyệt.

Bộ LĐ-TB&XH cho hay, giai đoạn 2011-2020, tuyển sinh GDNN được 19,6 triệu người, trong đó trình độ cao đẳng và trung cấp chiếm gần 22%; khoảng 80% người học nghề tốt nghiệp có việc làm phù hợp với ngành nghề và trình độ đào tạo, hoặc tự tạo việc làm. Đặc biệt, một số ngành nghề kỹ năng sau đào tạo đáp ứng nhiều vị trí phức tạp tại doanh nghiệp trước đây phải thuê chuyên gia nước ngoài, như nghề hàn, cơ – điện tử, viễn thông, dầu khí, du lịch... Kỳ thi kỹ năng nghề thế giới năm 2019, thí sinh Việt Nam đạt Huy chương Bạc, năm 2017 đạt Huy chương Đồng...

Hết năm 2020, cả nước có 1.911 cơ sở GDNN, tăng 1,5 lần so với năm 2011. Trong đó, cơ sở công lập chiếm 64%, thuộc cấp bộ chiếm 25% còn lại là cấp địa phương, bao phủ tất cả tỉnh thành. Đã có 45 trường nghề chất lượng cao, 130 ngành nghề trọng điểm, 25 trường đạt chuẩn chuyển giao từ Úc, 45 trường theo chuẩn Đức.

Từ năm 2017 tới nay, sau khi tiếp nhận vai trò quản lý nhà nước, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức sắp xếp giảm 13% cơ sở GDNN công lập; có 85% số huyện đã sáp nhập trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp công lập thành một.

Bộ LĐ-TB&XH cũng nhìn nhận, dù số cơ sở GDNN nhiều nhưng quy mô tuyển sinh đào tạo còn nhỏ, chồng chéo về ngành, nghề; phân bố chưa hợp lý theo vùng, miền; thiếu tính liên kết vùng và liên kết ngành. Mạng lưới cơ sở GDNN thiếu sự phân tầng, trọng tâm, trọng điểm đáp ứng yêu cầu đổi mới. Các điều kiện bảo đảm chất lượng GDNN còn hạn chế, phần lớn cơ sở GDNN thiếu linh hoạt, tự chủ thấp, hiệu quả chưa cao, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước.

Tiếp tục sắp xếp để giảm trường trung cấp, cao đẳng nghề công lập ảnh 1

Bộ LĐ-TB&XH sẽ tếp tục sắp xếp giảm số trường nghề công lập, để tăng tự chủ, sự chủ động cho các trường nghề tiệm cận chuẩn thế giới và đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động.

Hiện Việt Nam có 55 triệu lao động, nhưng chỉ 64% qua đào tạo, trong đó 24% có bằng cấp, chứng chỉ; tuyển sinh trong GDNN chỉ đạt khoảng 2,2 triệu người/năm, còn quá thấp so với nhu cầu nhân lực...

Do đó, cần sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở GDNN theo hướng mở, linh hoạt đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động; bảo đảm quy mô, cơ cấu và hợp lý về ngành nghề, trình độ đào tạo, chuẩn hoá, hiện đại hoá, phân tầng chất lượng. Từ đó đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực của một nước có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao trong tương lai. Đồng thời, khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của mạng lưới cơ sở GDNN hiện tại.

Tại dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ LĐ-TB&XH xác định mục tiêu, tới năm 2025, mạng lưới cơ sở GDNN đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề của nước đang phát triển.

Tới năm 2025, giảm ít nhất 20% cơ sở GDNN công lập so với năm 2020 (trong đó giảm 40% trường trung cấp công lập); nâng tỷ lệ cơ sở GDNN tư thục, có vốn đầu tư nước ngoài lên khoảng 45%; hoàn thành sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề thành một cơ sở GDNN trên địa bàn cấp huyện.

Đến năm 2030, giảm ít nhất 30% cơ sở GDNN công lập so với năm 2020 (trong đó giảm 50% trường trung cấp công lập); nâng tỷ lệ cơ sở GDNN tư thục, có vốn đầu tư nước ngoài lên 50%.

Định hướng đến năm 2045, mạng lưới cơ sở GDNN đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề của nước phát triển, thu nhập cao; chất lượng đào tạo thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực ASEAN; một số cơ sở GDNN bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số lĩnh vực, ngành, nghề đào tạo.

Dự thảo quy hoạch đề ra 10 nhóm giải pháp, từ cơ chế, chính sách, tới phát triển nhân lực GDNN, cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo; khoa học công nghệ; liên kết và hợp tác phát triển, hợp tác quốc tế; tuyên truyền; huy động vốn đầu tư; giải pháp về quản lý, giám sát thực hiện...

Hết năm 2020, cả nước có 1.911 cơ sở GDNN, trong đó có 410 trường cao đẳng, 444 trường trung cấp, 1.057 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, cơ sở GDNN công lập chiếm 64%, cơ sở ngoài công lập chiếm 36%; cơ sở GDNN thuộc cấp bộ ngành chiếm 25%, cơ sở thuộc địa phương chiếm 75%.

MỚI - NÓNG