Tiếp tục con đường hiện tại sẽ là sai lầm nghiêm trọng cho cả Mỹ - Trung

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long lúc đọc phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-La 2019. (Ảnh; CNA)
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long lúc đọc phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-La 2019. (Ảnh; CNA)
TPO - Vấn đề cơ bản giữa Mỹ và Trung Quốc là thiếu lòng tin chiến lược lẫn nhau, trở thành điềm xấu cho thoả hiệp hay cùng chung sống, nhưng cuộc đối đầu giữa hai nước không phải là điểu không thể tránh khỏi.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói như vậy trong bài phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-La tối 31/5 tại Singapore 

“Tiếp tục con đường hiện tại sẽ là sai lầm nghiêm trọng cho cả hai phía”, ông nói. 

Đối thoại Shangri-La năm nay diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung đang rất căng thẳng trong vấn đề biển Đông, trên mặt trận thương mại và công nghệ. 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Nguỵ Phượng Hoà đều sẽ có bài phát biểu rất được chờ đợi tại Đối thoại năm nay. 

Trong bài phát biểu dẫn đề, Thủ tướng Singapore nói rằng cả Mỹ và Trung Quốc “đều nhạy cảm khi bị cho là yếu”, khi Mỹ muốn thể hiện rằng họ muốn tiến tới một thoả thuận, còn Trung Quốc, với lịch sử nhiều cay đắng với phương Tây, không thể khuất phục trước áp lực của phương Tây để chấp nhận một thoả thuận “không bình đẳng”. 

“Cuộc đấu bên được bên mất này khiến khó xây dựng một thoả thuận mà cả hai bên chấp nhận được về chính trị. Cuối cùng, lợi ích của cả Mỹ và Trung Quốc là phải đi đến một sự điều đình, và thuyết phục dư luận trong nước chấp nhận nó... Họ cần giữ quan hệ ổn định, để cả hai có thể tập trung vào các ưu tiên bức thiết trong nước và không bị phân tán trong những quan hệ khác”, ông Lý nói. 

Hậu quả tai hại 

Và nếu thực sự có một cuộc xung đột Mỹ - Trung, nó sẽ kết thúc ở đâu, Thủ tướng Singapore nêu vấn đề. 

Nhắc lại Chiến tranh Lạnh, cuộc đối đầu kết thúc bằng sự “sụp đổ hoàn toàn” của nền kinh tế tập trung bao cấp của Liên Xô và các nước Đông Âu, ông Lý nói rằng rất khó xảy ra chuyện nền kinh tế mạnh của Trung Quốc cũng sụp đổ theo cách tương tự. 

Trung Quốc cũng không thể hạ gục Mỹ. Mỹ cho đến nay vẫn là nước mạnh nhất thế giới. Nền kinh tế của Mỹ vẫn có tính đổi mới cao và mạnh nhất, còn sức mạnh quân sự vượt xa bất kỳ nước nào khác. 

Ông Lý cho rằng Trung Quốc đang bám sát hoặc ngang ngửa Mỹ trong một số lĩnh vực, nhưng phải mất nhiều năm nữa Trung Quốc mới có thể sánh ngang Mỹ. 

Và khác với suy nghĩ của một số người ở Trung Quốc, Mỹ không phải một cường quốc đang yếu đi, cũng không rút khỏi các vấn đề thế giới. Trên thực tế, Mỹ đã tuyên bố rõ ràng về ý định cạnh tranh một cách mạnh mẽ, thông qua một cách thức khác với trước đây, Thủ tướng Singapore đánh giá. 

Ông kết luận rằng đối đầu Mỹ - Trung không phải là không thể tránh khỏi về chiến lược. Nhưng nếu cuộc đối đầu đó xảy ra, tình hình sẽ khác Chiến tranh Lạnh. Nếu tình hình không dẫn đến xung đột thực sự, thì giai đoạn căng thẳng và bất định kéo dài sẽ “cực kỳ tai hại”. 

“Nhiều vấn đề nghiêm trọng khác như tình hình Triều Tiên, không phổ biến vũ khí hạt nhân và biến đổi khí hậu sẽ không thể được giải quyết nếu không có sự tham gia đầy đủ của Mỹ và Trung Quốc, cùng với các quốc gia khác”, ông nói. 

Về khía cạnh kinh tế, thiệt hại sẽ không chỉ là 1 hay 2 điểm phần trăm của tăng trưởng GDP mà là những lợi ích to lớn của các thị trường toàn cầu hoá và các chuỗi sản xuất, sự chia sẻ kiến thức và những bước đột phá để giúp các nước cùng tiến bộ nhanh hơn. 

Vì thế, ông Lý nhấn mạnh cần nỗ lực tối đa để tránh con đường dẫn đến xung đột, tạo nên sự thù hận ở cả hai phía kéo dài đến các đời sau. 

“Tất nhiên, các cơ quan an ninh và quốc phòng vẫn phải nghĩ đến điều không thể nghĩ đến, lên kế hoạch cho những tình huống xấu nhất. Nhưng các lãnh đạo chính trị phải có trách nhiệm tìm kiếm giải pháp để tránh những kết quả cực đoan”, Thủ tướng Singapore nhắn nhủ. 

Về biển Đông 

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh quan hệ Mỹ - Trung là quan hệ quan trọng nhất của thế giới ngày nay. Thế giới cũng đang được hưởng lợi từ sự phát triển và thành công của Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc giờ cũng phải thuyết phục các nước bằng hành động của mình rằng họ có quan điểm toàn diện về các lợi ích lâu dài. 

Ông Lý cho rằng Trung Quốc có lợi ích khi ngăn chặn khuôn khổ thương mại thế giới sụp đổ, và tiến hành thay đổi kịp thời để tạo nên sự “có đi có lại và công bằng hơn” với các đối tác. 

Trong lĩnh vực an ninh, ông Lý nhấn mạnh rằng lời nói và hành động của Trung Quốc không giống nhau, và nay đang là một cường quốc với ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới. 

Để bảo vệ lãnh thổ và các tuyến thương mại, điều tự nhiên là Trung Quốc sẽ muốn phát triển lực lượng vũ trang hiện đại, và khao khát trở thành không chỉ một cường quốc lục địa mà cả một cường quốc trên biển biển. Nhưng trên con đường mở rộng ảnh hưởng toàn cầu vượt lên cả sức mạnh cứng, Trung Quốc cũng cần sử dụng sức mạnh này bằng sự kiềm chế và tính hợp pháp, ông Lý nói. 

Thủ tướng Singapore nhấn mạnh rằng bất hoà giữa Trung Quốc và các nước khác đang tăng lên, và các đòi hỏi chủ quyền chồng lấn trên biển Đông là một ví dụ. 

“Trung Quốc nên giải quyết những tranh chấp đó một cách hoà bình, tuân thủ luật quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển”, ông Lý nói. 

“Trung Quốc nên làm điều đó thông qua ngoại giao và thoả hiệp thay vì vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, trong khi chú ý đến những lợi ích và quyền lợi cốt lõi của các nước khác”. 

Theo Theo CNA
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.