Dù chương trình của Đối thoại sẽ gồm nhiều phiên thảo luận để các quan chức và học giả trình bày quan điểm của họ về hàng loạt vấn đề an ninh, nhưng chắc chắn chủ đề thống trị trên các mặt báo sẽ là sự cạnh tranh Mỹ - Trung nóng bỏng.
Đối thoại Shangri - La bao gồm nhiều hoạt động ở các cấp khác nhau, trong đó phần thảo luận về tình hình trật tự an ninh châu Á và nhiều cuộc gặp bên lề giữa các quan chức và học giả. Mỗi phiên thảo luận là cơ hội để đánh giá mức độ thay đổi của môi trường an ninh khu vực và tìm ra chủ đề nào sẽ lấn át tất cả.
Năm ngoái, Triều Tiên là một chủ đề lớn khi nước này chuyển từ giai đoạn khép kín và đối đầu sang ngoại giao và đối thoại với Mỹ. Cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un diễn ra chỉ vài ngày sau Đối thoại Shangri-La năm ngoái.
Một trong những vấn đề được nói đi nói lại nhiều lần tại Đối thoại Shangri-La chính là tình trạng quan hệ Mỹ - Trung, cặp quan hệ song phương được cho là quan trọng nhất của thế giới hiện nay. Trong những năm gần đây, quan hệ này có nhiều biểu hiện khác nhau tại Đối thoại Shangri-La. Đó có thể là những trao đổi nảy lửa về quan điểm của Mỹ và Trung Quốc trong những vấn đề như biển Đông hay việc Trung Quốc cử đại diện cấp nào đến dự Đối thoại Shangri-La nói lên đánh giá của Trung Quốc về diễn đàn này, trong bối cảnh Bắc Kinh đang phát triển các tổ chức của riêng họ như Diễn đàn Tương Sơn.
Nhưng năm nay đặc biệt hơn, khi Đối thoại Shangri-La diễn ra trong bối cảnh chủ đề cạnh tranh Mỹ - Trung đang là tâm điểm chú ý của tất cả những người tham dự và giới quan sát.
Dù tiêu đề báo chí thế giới về Đối thoại Shangri-La 2019 có thể nói về những diễn biến riêng lẻ, như hành động của chính phủ Mỹ với Huawei hay cuộc gặp có khả năng diễn ra giữa ông Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh G-20 tại Nhật Bản vào tháng 6, nhưng bức tranh rộng lớn hơn và lấn át cả năm qua là căng thẳng Mỹ - Trung.
Căng thẳng đó đang dần cụ thể hóa kiểu quan hệ cạnh tranh dài hạn như đã được nêu ra trong các tài liệu an ninh quốc gia của Mỹ như Chiến lược an ninh quốc gia và Chiến lược quốc phòng.
Đối thoại Shangri-La 2019 sẽ nói về nhiều khía cạnh của quan hệ này. Năm nay, Trung Quốc cử bộ trưởng quốc phòng đến diễn đàn, lần đầu tiên sau gần 1 thập kỷ. Và quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan dự kiến sẽ làm rõ thêm các khía cạnh quốc phòng của Sáng kiến Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do.
Và dù có ai nỗ lực quản lý các khía cạnh của vấn đề, trong các bài phát biểu hoặc qua các cuộc gặp bên lề, thì thực tế là hai bộ trưởng quốc phòng đó sẽ luôn là tiêu đề trong hầu hết các bài báo về Diễn đàn.
Không chỉ thế, cạnh tranh Mỹ - Trung dự kiến sẽ phủ bóng lên tất cả các khía cạnh khác của Diễn đàn năm nay. Phát biểu của các nước khu vực, cách trả lời của họ với những câu hỏi nêu ra, sẽ rất đáng chú ý để xem cách những nước này đánh giá cạnh tranh Mỹ - Trung tác động đến quan điểm an ninh của họ như thế nào.
Phát biểu dẫn đề của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long năm nay cũng rất đáng chú ý, vì phát biểu tại các Diễn đàn trước của ông thường nói về chủ đề thay đổi cân bằng quyền lực, và gần đây ông cũng đưa ra nhiều ý kiến về việc cạnh tranh Mỹ - Trung buộc các nước nhỏ ở Đông Nam Á phải lựa chọn.
Cạnh tranh Mỹ - Trung cũng sẽ được nói đến trong những phiên thảo luận khác của Diễn đàn năm nay, trong đó có phiên về tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên, trật tự an ninh đang thay đổi ở châu Á, cạnh tranh ở nam Thái Bình Dương, hàm ý an ninh của phát triển hạ tầng khu vực, với tầm nhìn rõ ràng hướng đến những chương trình như sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc.