Tiếp quản Thủ đô: Biểu tượng khải hoàn của Hà Nội

Tiếp quản Thủ đô: Biểu tượng khải hoàn của Hà Nội
TP - Trao đổi với Tiền phong nhân 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ: Sự kiện 10/10/1954 nói cho đúng là ngày tiếp quản thủ đô, diễn ra thanh bình, không hề có tiếng súng. Đó là hình ảnh mang tính biểu tượng khải hoàn của Hà Nội - thành phố Vì hòa bình.

Nhà sử học Dương Trung Quốc nhớ lại: Không khí hôm ấy diễn ra rất thanh bình, không hề có tiếng súng của những trận đánh như khi Hoàng đế Quang Trung kéo quân vào Thăng Long, không có những đạo quân như lúc tiến vào giải phóng Sài Gòn. Chỉ có hai khung cảnh đối ngược nhau. 

Tôi nói điều này như một người chứng kiến, khi đó tôi khoảng 7, 8 tuổi: Buổi sáng không khí rất lặng lẽ, những đạo quân Pháp lặng lẽ rút ra khỏi Hà Nội; đến gần trưa, khung cảnh tưng bừng với những đoàn quân chiến thắng của ta tiến vào Hà Nội. Thực ra câu chuyện này được quyết định từ Chiến thắng Điện Biên Phủ, từ Hội nghị Giơ-ne-vơ và Hội nghị Trung Giã, chúng ta đã tính toán sẵn lộ trình. 

Trong thành phố, các gia đình lẳng lặng may cờ, họp bàn đón ngày giải phóng diễn ra như thế nào. Khu phố tôi ở phố Hàng Đường, thanh niên tập hợp lại rất sôi động. Chính quyền cũ lúc đó biết mọi chuyện sẽ diễn ra, nên không ngăn cản gì. Thực ra chính quyền mới đã vào thành phố từ rất lâu rồi. 

Ý nghĩa ngày Giải phóng Thủ đô mang đậm tính biểu trưng cho một thắng lợi to lớn của dân tộc: Cuộc Kháng chiến chống Pháp trường kỳ đã thắng lợi! Thắng lợi đó được quyết định bởi chiến thắng trên chiến trường Điện Biên Phủ; thể hiện ý chí của người Hà Nội trong 60 ngày đêm mở đầu kháng chiến toàn quốc - thực hiện đúng lời hứa ra đi hẹn ngày trở về. Cho nên ngày hôm đó đúng là một ngày khải hoàn. 

Sau ngày 10/10 là quá trình phấn đấu không mệt mỏi để khôi phục lại đời sống của Thủ đô về hạ tầng; kết cấu dân cư cũng có biến động, bởi có những người Hà Nội rời đi. Và ta nhớ lúc đó Hà Nội có 300 ngày tiếp theo để người dân lựa chọn đi hay ở lại. Đây là thời kỳ có nhiều thay đổi để lại ấn tượng rất sâu sắc. Thí dụ khung cảnh chợ Giời xuất hiện, người ta bán đồ đạc để ra đi; và có những con người, những thành phần cư dân khác vào thành phố. Công cuộc khôi phục kinh tế, thay đổi đời sống diễn ra hết sức căn bản. Ngày 1/1/1955 Bác Hồ, Trung ương Đảng trở về thủ đô, nhân dân Hà Nội đón chào bằng một cuộc mít tinh rất lớn tại quảng trường Ba Đình lịch sử. 

Tiếp quản Thủ đô: Biểu tượng khải hoàn của Hà Nội ảnh 1 Nhà sử học Dương Trung Quốc

Sau 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, ông thấy Hà Nội ngày nay phát triển thế nào, còn điều gì khiến một Nhà sử học như ông trăn trở ?

Hà Nội là Thủ đô cho nên nó cũng có những thay đổi, gắn với những thử thách mà đất nước đã trải qua. Ai cũng biết chúng ta chỉ có một thời kỳ khôi phục kinh tế rất ngắn ngủi trong 10 năm rồi lại bước vào cuộc chiến Chống Mỹ cứu nước, khi chiến tranh lan đến Hà Nội (năm 1964). Ngày nay Hà Nội đã rất phát triển rồi, nhưng đáng suy nghĩ nhiều nhất vẫn là con người Hà Nội. Đương nhiên, Thủ đô là nơi quy tụ của người dân tứ xứ, nhưng quan trọng là nó có tạo ra những giá trị mới, có giữ gìn được những giá trị vốn có và phát triển kịp yêu cầu của một thủ đô hiện đại hay không. Chúng ta cũng biết đến một yếu tố từ 6 năm nay, đó vừa là cơ hội vừa là thách thức, khi chúng ta mở rộng Thủ đô. Hạ tầng cơ sở thay đổi hằng ngày, hàng giờ, quy mô thành phố, dân cư, sản xuất tăng lên. Nhưng liệu nó có tạo ra văn hóa - tính cách Hà Nội như chúng ta vẫn tự hào trong quá khứ hay không?

Thước đo quan trọng nhất hiện nay là phải xây dựng văn hóa của Thủ đô, nhưng điều đó chúng ta chưa quan tâm đúng mức. Khi nói đến truyền thống văn hóa Hà Nội xưa, phải nói đến cả nghìn năm văn hiến, nói đến một thời kỳ văn minh rực rỡ của Thăng Long. Và cũng phải nói đến di sản của một thành phố hiện đại, trong hơn nửa thế kỷ là thuộc địa. Yếu tố thực dân thuộc địa, yếu tố chính trị ấy chúng ta có thể thay đổi, nhưng cốt lõi văn hóa đã được hình thành, tạo nên những đặc trưng của Hà Nội, con người Hà Nội từ khi ấy. Dường như 60 năm qua chúng ta thấy những giá trị ấy đang bị mai một và điều đó cũng ít được quan tâm. 

Cốt lõi của một đô thị là kỷ cương, nếp sống văn minh, hiện đại. Thế nhưng chúng ta vẫn bị lấn át bởi xu hướng nông thôn hóa thành thị. Trong khi hạ tầng thay đổi rất nhanh, nếp sống gần như không theo kịp. Đấy có lẽ là vấn đề của Hà Nội mà tôi chứng kiến và thấy trong 60 năm qua.

Vậy còn những giá trị mang tính biểu tượng, những công trình nổi bật của thủ đô?

Tôi thấy cái ấy vẫn còn nhạt nhòa, chưa để lại dấu ấn đặc biệt, chưa tạo ra phong cách, đó là điều đáng suy nghĩ. Chúng ta mới chỉ thấy sự lắp ráp không gian khác nhau của đời sống hiện đại nếu nhìn vào những tiện nghi, chứ chưa thấy không gian ấy gắn với lối sống mới. Tại sao bây giờ tìm về Hà Nội, chúng ta vẫn tìm về những nơi xưa cũ, mặc dù Hà Nội cách đây 60 năm nổi trội được chính là nhờ tính hiện đại. Và đây không phải là cách nhìn hoài niệm. Khi nhìn các quốc gia phát triển khác, chúng ta thấy họ biết làm cho đô thị có tính biểu trưng và người ta tính giá trị của nó là tính liên tục phát triển. Hơn nữa, chúng ta cũng thấy những giá trị văn hóa ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống hiện đại. Khi thế giới hội nhập, người ta luôn muốn tìm đến những đặc trưng. Bây giờ quan niệm về chất lượng sống cũng có thay đổi, không phải là cái tiện nghi vật chất, mà là sự hài hòa, gần gũi với thiên nhiên. 

Từ điểm nhìn này có thể thấy Hà Nội có rất nhiều cơ hội để phát triển nhanh hơn, theo ông những năm tới Thủ đô sẽ phát triển như thế nào?

Điều quan trọng đối với một đô thị là hạ tầng cơ sở, nhưng trên nền tảng ấy, chúng ta phải xây dựng được những giá trị của một Thủ đô. Và với tư cách là Thủ đô những giá trị văn hóa ấy sẽ lan tỏa. Đây là điều hết sức quan trọng, chúng ta đừng thỏa hiệp chỉ có quan tâm đến hạ tầng vật chất, vì chính những giá trị tinh thần có quyết định rất lớn. Tôi cũng nghĩ nhiều đến việc xây dựng con người - những công dân, chủ nhân của Thủ đô. Tôi nhớ trong ký ức ngày xưa của tôi về Hà Nội, mặc dù trong thời kỳ bị tạm chiếm, chiến tranh đã bùng nổ, nhưng kỷ cương xã hội rất chặt. Chúng ta đang rất cần điều đó. Một xã hội có kỷ cương chính là một môi trường để phát triển văn hóa tốt nhất và bản thân kỷ cương cũng là văn hóa. 

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG