Tiếp bài 'Giấu bằng đỏ đi học nghề': 40% học sinh Nghệ An không thi đại học

Năm nay đất học Nghệ An là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ HS không đăng ký dự thi vào ĐH. Trong ảnh : Thí sinh thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2015 tại Nghệ An. Ảnh Việt Hương.
Năm nay đất học Nghệ An là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ HS không đăng ký dự thi vào ĐH. Trong ảnh : Thí sinh thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2015 tại Nghệ An. Ảnh Việt Hương.
TP - Trước thực trạng nhiều cử nhân ra trường thất nghiệp, ngành giáo dục Nghệ An đã chủ động hướng nghiệp học sinh ngay trên ghế nhà trường. Kết quả, năm nay tỉnh này có tới 40% số học sinh không đăng ký thi vào ĐH mà chọn học nghề để dễ xin việc.

Trong số hơn 31.600 thí sinh Nghệ An đăng ký tham gia kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, hơn 12.100 thí sinh đăng ký chỉ lấy kết quả công nhận tốt nghiệp, chiếm gần 40%. Đứng đầu cả nước về số lượng học sinh không đăng ký xét tuyển vào ĐH (trên 90% trường THPT có học sinh không xét tuyển ĐH).

Ông Thái Huy Vinh, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: “Trước vấn nạn thất nghiệp đối với người có bằng cấp tại Nghệ An, chúng tôi phải làm ngay, bắt tay ngay để hướng nghiệp cho học sinh chứ không thể chần chừ được nữa”. 

Các trường THPT có nhiều học sinh không xét tuyển đại học, cao đẳng là: Trường Phổ thông Năng khiếu TDTT tỉnh Nghệ An (100%), THPT Đinh Bạt Tụy (96,97%), THPT VTC (93,94%), THPT Nguyễn Huệ (90,38%),  THPT Cửa Lò 2 (77,33%) và THPT Sào Nam (79,44%)... Riêng các huyện miền núi như Quỳ Hợp, Tương Dương, Con Cuông, Tân Kỳ..., tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi lấy kết quả công nhận tốt nghiệp THPT dao động từ 59% - 67%. Tỷ lệ này ở các Trung tâm giáo dục thường xuyên xấp xỉ 100%. 

Qua số liệu thống kê của Sở GD&ĐT Nghệ An thì ngoài 3 môn bắt buộc là Văn, Toán, Ngoại ngữ thì số lượng thí sinh đăng ký các môn tự chọn còn lại thiên về các môn tự nhiên như Lý, Hóa, Sinh. Tuy nhiên, môn Lịch sử ở cụm thi địa phương chỉ có 41 thí sinh đăng ký dự thi, chiếm 0,008% tổng số thí sinh dự thi.

Sự thay đổi đáng mừng ở đất học

Nghệ An xưa nay được mệnh danh là đất học, nơi mà chuyện thi thố khoa cử, học hành để lấy được tấm bằng ĐH luôn được các gia đình ưu tiên hàng đầu. Nhưng nay đã khác. “Trong dòng họ của mình, những năm gần đây tôi cũng đề xuất việc khuyến học chỉ dành phần thưởng cho học sinh giỏi và sinh viên ra trường mà xin được việc làm vì có kết quả xuất sắc thôi. Chuyện đậu ĐH bây giờ trở nên bình thường”, ông Thái Huy Vinh chia sẻ.

Con số gần 40% học sinh THPT Nghệ An chỉ đăng ký lấy kết quả công nhận tốt nghiệp chứng tỏ việc phân luồng, hướng nghiệp học sinh sau THPT tại tỉnh Nghệ An có hiệu quả. Quan điểm của phụ huynh và học sinh trong việc lựa chọn con đường lập nghiệp đã có những chuyển biến tích cực, phù hợp với hoàn cảnh gia đình, năng lực của bản thân.

“So sánh với ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm thì ùn tắc đào tạo đang trở thành một vấn nạn chung cho toàn xã hội. Tại xứ Nghệ, ùn tắc việc làm đối với tầng lớp có bằng cấp đã đến tận từng vùng, gõ cửa từng nhà dân”. 

Ông Thái Huy Vinh, Phó GĐ Sở GD&ĐT Nghệ An

“Thực tế thì người xứ Nghệ vẫn nặng về công chức, viên chức và khi tốt nghiệp ĐH, CĐ ra trường phải vào được công chức, viên chức mà quên rằng chính chúng ta đang sống trong một xã hội không đủ chỗ làm cho những suy nghĩ đó. Vì thế, câu chuyện xét tuyển ĐH - CĐ năm 2016 chắc chắn sẽ có nhiều điều để nói, khi mà nhiều gia đình đang nhìn rõ vào thực tế hơn là chỉ chú trọng bằng cấp”, Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An, ông Đậu Văn Thanh nói.

Thực tiễn cho thấy, có rất nhiều gia đình ở thôn quê đã thế chấp nhà cửa, ruộng vườn cho ngân hàng để vay tiền cho con ăn học. Trung bình 1 cử nhân hoặc kĩ sư tiêu tốn 150 triệu đồng cho cả một khóa học. Ra trường không có việc làm, lãi mẹ đẻ lãi con. Món nợ đã trở thành gánh nặng trong khi đám bạn cùng trang lứa lại chọn con đường lao động ở nước ngoài hoặc tự mở cơ sở sản xuất kinh doanh... Sau vài năm ở nước ngoài trở về họ đã có tiền xây nhà đẹp, lập doanh nghiệp ở quê hương.

Phó giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, ông Thái Huy Vinh cho biết: “Ngay từ học kỳ 2 của năm học, các trường bắt đầu chú trọng công tác phân luồng, hướng nghiệp để học sinh có lựa chọn đúng đắn, phù hợp với năng lực bản thân và cơ hội việc làm của mình. Điều đáng mừng là các bậc phụ huynh cũng đã có nhiều thay đổi trong việc chọn ngành, chọn nghề, không gây áp lực cho con cái”.

MỚI - NÓNG