Nhà nước “gánh” chi phí cưỡng chế giùm người vi phạm
Như Tiền Phong đã thông tin, năm 2015, ông Tưởng Văn Thịnh, một người ở xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch đã tự ý xây dựng một cảng cá lậu trong khu vực phòng thủ Hòn La. Sau hơn 2 năm hoạt động, đến năm 2017, chỉ khi báo chí lên tiếng, chính quyền huyện Quảng Trạch và tỉnh Quảng Bình mới nháo nhào tìm cách cưỡng chế cảng cá lậu này.
Mặc dù với lực lượng hùng hậu, nhưng việc cưỡng chế cảng cá lậu này gặp rất nhiều khó khăn, do người của ông chủ cảng cá, Tưởng Văn Thịnh chống đối quyết liệt. Chỉ đến khi công an khống chế nhiều đối tượng manh động, lập lại trật tự, lực lượng cưỡng chế mới đưa được xe chuyên dùng vào phá dỡ cảng lậu này.
Ngày 13/4/2017, đại diện lực lượng cưỡng chế gồm UBND xã Quảng Đông, UBND huyện Quảng Trạch và Ban quản lí các Khu kinh tế Quảng Bình lập một biên bản, gọi là “Hiện trạng sau khi tháo dỡ công trình vi phạm”, cho rằng: Bản thân và gia đình ông Tưởng Văn Thịnh đã tự giác cùng với lực lượng chức năng tháo dỡ công trình vi phạm, trả lại mặt bằng cảng biển cho cơ quan chức năng quản lí.
Đi sâu tìm hiểu, nhóm PVĐT của Tiền Phong, bất ngờ phát hiện, sau cưỡng chế, 2/3 cảng cá lậu này vẫn còn nguyên vẹn trong khu vực phòng thủ Hòn La, chứ không hề được tháo dỡ hoàn toàn như biên bản của lực lượng cưỡng chế đã lập. Đặc biệt, cho đến nay, ông Tưởng Văn Thịnh không hề thực hiện nghĩa vụ chi trả kinh phí mà Nhà nước đã bỏ ra để thực hiện việc cưỡng chế.
Trả lời vấn đề này, ông Phan Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, người đã ký vào biên bản cho rằng ông Thịnh “tự giác” tháo dỡ công trình cảng lậu nói: “Ban đầu có lên phương án và chi phí cưỡng chế, nhưng chính quyền chỉ chịu trách nhiệm chi phí về mặt nhân lực, còn chi phí phương tiện máy móc là do Ban quản lí các Khu kinh tế Quảng Bình nên ông không biết chi phí là bao nhiêu. Nhưng sau đó, ông Thịnh tự nguyện tháo dỡ, do khó khăn nên ông ấy đề xuất hỗ trợ xe máy để ông ấy tự tháo, cho nên máy móc là như hình thức giúp ông ấy đào mặt bằng thôi… Việc chống đối chỉ là người làm của ông Thịnh, còn bản thân ông Thịnh không chống đối”.
Liên quan đến việc cưỡng chế qua loa, đại khái, không triệt để, ông Thanh cho rằng, phần cầu cảng toàn là bê tông khối lượng lớn, muốn di dời toàn bộ là rất khó, nên lực lượng cưỡng chế thống nhất để lại.
“Vô lí rứa đó, các anh thích thì làm đi!”
Trao đổi với ông Phan Trung Thành, Phó Ban Quản lí các Khu kinh tế Quảng Bình về vấn đề điều động cũng như chi phí phương tiện xe máy để cưỡng chế cảng cá lậu của ông Tưởng Văn Thịnh, ông Thành nói: “Có chi mà chi phí, hắn khó khăn, nhờ giúp thì mình giúp thôi”.
Theo ông Thành, Ban quản lí các khu kinh tế Quảng Bình đã đi mượn xe múc của doanh nghiệp Hùng Cường ở thị xã Ba Đồn về để múc giùm ông Thịnh phần đất đá ở cảng lậu chứ không phải cưỡng chế.
Khi bị chất vấn, sao một cơ quan Nhà nước lại đi mượn xe của doanh nghiệp để làm giúp phần việc của người vi phạm?. Ông Thành nói: “Hắn khó khăn (ông Tưởng) thì mình xã hội hóa. Vì mình có điều kiện thì mình đi nhờ để giúp họ thôi. Cái đó Nhà nước có thanh toán đâu mà lo”.
Trước những câu hỏi của nhóm PVĐT Tiền Phong như: Việc cơ quan nhà nước đi mượn xe của doanh nghiệp để giúp người khác pháp luật có cho phép không?; Ban quản lí có dùng sức ép đối với doanh nghiệp, hay dùng quyền lực của chủ đầu tư nhiều công trình xây dựng để ép mượn xe hay không?; Đây là công việc của Nhà nước chứ không phải của cá nhân sao ông lại hành xử như kiểu gia đình, ông thấy có vô lí không?... Ông Thành không trả lời thẳng vào câu hỏi mà vòng vo rồi tuyên bố mang tính thách thức: “Vô lí rứa đó, các anh thích thì làm đi”.
Mặc dù chống đối quyết liệt trong lúc lực lượng chức năng cưỡng chế, không thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với chi phí cưỡng chế, nhưng ông Tưởng Văn Thịnh lại được chính quyền và các ngành chức năng ưu ái “bỏ qua”. Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã ký quyết định chấp thuận cho ông Tưởng Văn Thịnh đầu tư cảng cá Mũi Ông với số vốn 45 tỷ đồng.