Tiếng vọng đại ngàn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Có lẽ đã lâu lắm rồi, nhất là sau đợt phong toả vì COVID-19, phố núi Pleiku lại nhộn nhịp, tắc đường khủng khiếp. Một giải đấu Marathon nhiều ý nghĩa không chỉ có mặt lâu đời nhất Việt Nam (62 năm), mà còn mang thông điệp và hành động thiết thực “Giấc mơ đại ngàn”.

Phủ xanh đại ngàn không còn là khẩu hiệu. Trước giải chạy, ban tổ chức đã trồng cây tại nhiều địa điểm trên cả nước. Ngay tại Pleiku, những hàng thông thẳng tắp được bổ sung gần Biển Hồ. Mười vận động viên là kiểm lâm viên thuộc Vườn Quốc gia York Don (Đắk Lắk) cũng được ban tổ chức tặng bib chạy. Đây là những nhân vật tiêu biểu chuyên chạy tuần tra rừng nhiều mà trở nên mê môn thể thao này. Họ kể, nhờ chạy bộ mà hiểu rõ nhiều ngóc ngách của khu rừng. Rừng huyền bí và là cội nguồn.

Đường chạy xuyên phố núi hướng về hàng thông cổ, tới chân ngọn núi lửa Chư Đăng Ya thực sự thử thách với những người tham gia. Đường chạy tuy dốc, nhưng bù lại hàng cờ đỏ sao vàng luôn vẫy gọi khích lệ. Chưa kể, dọc đường đua có 5 điểm chiêng được những người bản địa chơi bản mừng chiến thắng. Trước khi người chạy được tắm mình dưới bóng mát của những cây thông hàng trăm năm tuổi đã được chứng kiến những hàng thông non mới trồng cách đó 1 hôm do những đoàn viên trẻ chung tay cùng người có trách nhiệm trồng.

Tiếng chiêng thúc giục các vận động viên về đích, cũng là tiếng chiêng gợi nhớ về đại ngàn, gợi về những cánh rừng xanh ngút ngàn xa xăm. Con người phải có trách nhiệm với nguồn sống của mình, như tiếng chiêng của đất trời. Tôi và cả gia đình cũng vì nhịp chiêng này mà bứt phá về đích hơn cả mong đợi. Như lời bài hát của nhạc sỹ Y phôn Ksor: “Chị gùi tiếng chiêng”, “chị gùi nhà sàn” để rồi “Chim Phí bay ngang qua, ngang qua bầu trời” (bài hát Chim Phí bay về cội nguồn).

Đại ngàn không chỉ có núi, rừng, chiêng ché mà cả cuộc sống giàu ý nghĩa. Nhạc sỹ Y Phôn ngay sau giải Marathon đã kể về loài chim Phí với bộ lông sặc sỡ, có tiếng hót lay động núi rừng. Khi con chim múa, cả khu rừng im bặt, những con chim khác cùng châu về chim Phí hoà ca. Đó là khu rừng trong ký ức của người nhạc sỹ Ê Đê. Giờ chỉ có tiếng đàn vang vọng xa xăm. Người Tây Nguyên giờ này tìm mỏi mắt không thấy chim Phí nữa. Cũng giống như gần 5 nghìn vận động viên cứ chạy mải miết, khi về đích tuy có niềm vui chiến thắng, nhưng vẫn mong mỏi hơn một khu rừng bạt ngàn hoa trái và những con chim Phí đang say sưa hót.

“Lão tướng” Bùi Lương, người tham gia giải chạy Việt dã Tiền Phong (nay là Marathon đường dài lâu đời nhất Việt Nam) còn rung rưng về sự kiện đầu tiên từ năm 1958. Đôi chân ấy đã vượt cả mịt mùng mưa bom để về đích. Chiến thắng đó không chỉ ở một giải đấu. Đó thực sự là lòng quả cảm của một con dân khao khát hoà bình, khao khát cuộc sống tự do. Năm nay, ông đã 83 tuổi, có mặt tại giải đấu như một nhân chứng để tiếp thêm sức mạnh cho các vận động viên.

Mọi giải đấu sẽ đi qua, nhưng loài người sẽ luôn phải chiến đấu để sinh tồn. Không chỉ chiến đấu vượt qua COVID-19, mà chiến đấu với chính mình. Đại ngàn đó vừa là đích đến, vừa là cuộc sống.

MỚI - NÓNG