Tiếng trúc tiếng tơ: “Hãy cứ nghe xem đã”

Các nghệ sĩ Thanh Hoài, Xuân Hoạch, Đặng Công Hưng... với tiếng trúc tiếng tơ. Ảnh: Trung Dũng.
Các nghệ sĩ Thanh Hoài, Xuân Hoạch, Đặng Công Hưng... với tiếng trúc tiếng tơ. Ảnh: Trung Dũng.
TP - Chương trình âm nhạc Tiếng trúc tiếng tơ lần đầu ra mắt khán giả Hà Nội tối 10/1 tại Trung tâm văn hóa Pháp sau hai buổi biểu diễn thành công bên Paris năm ngoái. Đây là sự hội tụ của bốn thể loại nhạc cổ: ca trù, chèo, chầu văn và hát xẩm.

Với mong muốn các nghệ sĩ hàng đầu của nền cổ nhạc Việt Nam như Nguyễn Xuân Hoạch, Ngô Thanh Hoài, Đặng Công Hưng, Vũ Ngọc… có thể thoải mái thả hồn vào tiếng đàn lời ca, Đàm Quang Minh, một người mê nhạc truyền thống đã chạy đôn chạy đáo, rủ bạn rủ bè hỗ trợ thực hiện chương trình mà anh tham gia lên ý tưởng.

Trông anh tất bật quá?

Các cụ đã lớn tuổi rồi. Mình là người trẻ nhất, cùng mấy anh em lo hậu cần sao cho câu chuyện nghệ thuật nhẹ nhàng hơn. 

Nguồn cơn nào khiến mọi người chung tay cho chương trình này?

(lắc đầu) Âm nhạc không có nguồn cơn. Âm nhạc sinh ra từ cảm hứng của những con người với nhau. Chẳng qua mấy người làm cổ nhạc trong và ngoài nước như chúng tôi gặp nhau rồi “quan họ giao duyên”, nảy ra ý muốn thực hiện một câu chuyện âm nhạc. Chị Hương Thanh (nghệ sĩ cải lương) lo khâu tổ chức tại Pháp. Chúng tôi có hai buổi biểu diễn bên đấy. Một tại bảo tàng Guimet. Một tại Palaiseau, ngoại ô Paris. Sau đó về đây.

Có sự khác biệt nào khi “về nha” không?

Vẫn trên tinh thần gặp gỡ, giao lưu về cổ nhạc. Rất may mắn chương trình hội tụ được nhiều gương mặt có tâm có tài với nghề, có hành động nghề chuẩn mực. Như hôm nay, chúng tôi mời anh Lương Trọng Quỳnh là người xuất sắc nhất của bộ môn hát chầu văn. Nói chung, cứ để mọi người nghe và cảm thụ đã.

Nếu chương trình tiếp tục được đón nhận như những ngày vừa rồi, các anh sẽ mở rộng quảng bá, lưu diễn chứ?

Đàm Quang Minh tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật Việt Nam, sau đó sang Pháp học ngành văn hóa và tôn giáo trường đại học Sorbonne tại Paris. Anh có hơn 20 năm nghiên cứu nhạc cổ truyền Việt Nam. 

Đó là logic của nhạc thị trường. Còn chúng tôi làm văn hóa âm nhạc. Nhạc thị trường chạy theo thị hiếu, khán giả thích cái gì thì kéo sang làm cái đấy. Còn chúng tôi lao động nghệ thuật với nhu cầu của nghệ thuật. Đó là một câu chuyện hoàn toàn khác. Nghề nghiệp cần cái gì, cổ nhạc cần cái gì, chúng tôi làm cái đó. 

Logic của chúng tôi là văn hóa nghề và tâm nghề. Làm để mọi người thưởng thức. Câu chuyện chúng tôi kể ra, nếu may mắn được mọi người quan tâm thì rất mừng cho cổ nhạc. Nếu không thành công, cũng không biết làm thế nào, bởi chúng tôi không làm cho thị trường. Chỉ mong sự ủng hộ mà chúng tôi nhận được trong những ngày qua sẽ tiếp tục trong những ngày tới.

Nhưng ít nhất cũng phải có một kế hoạch tương lai nào đó?

Dĩ nhiên, vẫn giữ gìn cổ nhạc với những con người có tâm nghề. Riêng chương trình này, ai mời, chúng tôi sẵn sàng phục vụ, chứ không làm tràn lan.

Có thể nói vài lời về anh được không?

Tôi là người yêu quý âm nhạc, không thích sự giật gân, và là khán thính giả trung thành của dòng nhạc dân tộc. Tôi tham gia cuộc chơi âm nhạc của những người quý nhạc mà chẳng có tham vọng gì hết, ngoài mục đích làm âm nhạc truyền thống và giới thiệu với bạn bè yêu thích thể loại này.

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.