Đã lịm hẳn một giọng ca trù

Nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc (1930- 2014) (trái)
Nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc (1930- 2014) (trái)
TP - Ngọn đèn trước gió đã tắt vào buổi sáng sớm 7/4. Nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc, di sản quý của nghệ thuật ca trù, chia tay cuộc đời ở tuổi 85.

Tài sắc một thời

Trong tấm hình bà Chúc chụp cùng người em trai duy nhất Nguyễn Bá Phi thập niên 40 thế kỷ trước, cô thiếu nữ Chúc vấn khăn vành, khuôn mặt tròn thanh tú nổi bật. Về già, bà vẫn giữ được nét duyên của giai nhân Hà thành một thời.

Thời ca trù hiện hữu khắp xứ Bắc kỳ, hầu như tổng nào cũng có ít nhất một nhóm lớn, nên ca trù vang lên thường xuyên nơi cửa đình, cửa quyền trong nhà chức sắc làng, tổng. Người hát ca trù và người chơi ca trù đều am hiểu âm nhạc, thơ ca. 

Gia đình bà Chúc lại gắn với hình thức ca quán - chỉ có ở các thành phố lớn. Cụ tổ nghề (chị gái của bà nội bà Chúc) có công truyền dạy ca trù trong dòng họ vốn là một ca nương cung đình Huế cuối triều Nguyễn, khi trở về quê thì tiếp tục gắn bó với nghề ca trù tại Hà Nội.

Ngày xưa, ca trù thường chỉ truyền cho con cháu trong nhà. Trong số người thân được cụ tổ khuyến khích học có hai cụ thân sinh bà Phó Thị Kim Đức và hai cụ thân sinh bà Chúc. 

Ông Phi, em trai bà Chúc kể, ngày trước gia đình ông hoạt động ca trù cũng rất khó khăn, phải di chuyển nhiều nơi bởi không có nhà riêng, đồng thời cũng phụ thuộc vào công việc mỗi thời điểm.

“Tôi nhớ ngày trước, các quan viên rất say mê chị tôi hát. Chị tôi có cách ém hơi, đổ hột rất độc đáo, đặc biệt là cách ngâm, khó ai sánh được” - ông Phi kể. 

Ca nương trẻ Nguyễn Thị Chúc hát hay lại đẹp người nên được trò Phạm Thị Huệ gọi vui là “diva làng ca trù”. Chỉ với nghề ca hát, “diva” gom góp đủ tiền mua được ngôi nhà ở phố Nam Đồng, Hà Nội. Những tháng ngày bình yên không được bao lâu thì ca trù tạm lùi vào quá khứ, bà quyết định bán ngôi nhà ở Nam Đồng để về quê Ngãi Cầu mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau. Và vẫn tiếp tục ca hát phục vụ kháng chiến.

Chia tay một di sản sống

Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ (91 tuổi ở Hải Dương) mấy hôm trước nghe tin bạn nghề ốm bèn cùng các trò Hải Phòng qua thăm. Ngồi bên bạn nghề, ông Đẹ kể cái lại cái lần hai ông bà được mời làm giám khảo một cuộc thi ca trù: “Chỉ ngồi một lúc, không sao mà nghe được”. 

Đã lịm hẳn một giọng ca trù ảnh 1

Bà Chúc và em trai những năm 1940 .Ảnh tư liệu gia đình

Ông bảo ca trù không phải cứ hát to, đàn khỏe là hay, mà phải nhẹ nhàng, cái khiến người ta nhớ lâu là “cái nặng trong tâm hồn thể hiện của từng tiếng đàn, lời hát”. 

Cho nên cả ông và bà một mặt vui vì ca trù hồi sinh, một mặt vẫn đau đáu trăn trở: “Giờ chỉ còn tôi và bà đây thôi, khi bà đi rồi đến lượt tôi đi thì chỉ còn biết trông cậy vào lớp trẻ”. Anh Tuyên, kép đàn Hải Phòng, nói: “Chưa học trực tiếp bà buổi nào nhưng bà và ông Đẹ là những di sản sống vô cùng quý giá của ca trù”.

Những thăng trầm thời cuộc khiến nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc không còn được ca hát thường xuyên trong nhiều thập kỷ, truyền thống ca trù của gia đình nhiều lúc tưởng chừng không còn người nối tiếp. Các con của bà không ai theo nghề. Nhưng có lẽ “gien” âm nhạc trong gia tộc vẫn còn. 

Cậu cháu nội tên Tiến Tú, hồi vào lập nghiệp trong Sài Gòn là người có năng khiếu ca hát, từng trúng tuyển đoàn nghệ thuật Quân khu 7, nhưng ông Phi không muốn cậu theo nghiệp này. “Chắc có lẽ ông em nhìn từ tấm gương của bà mà không muốn cháu mình vất vả”, Tú nói. Bây giờ về địa phương làm việc tự do, Tú làm phó thôn Ngãi Cầu đồng thời sẵn sàng cho ca trù. 

Tú kể: “Dì Huệ (ca nương Phạm Thị Huệ) đang động viên em học đánh trống chầu”. Lúc đầu, Tú ngần ngại, nhưng “từ khi bà ốm nhìn bà nằm yên một chỗ mà vẫn gắng chỉnh sửa cách hát cho các cháu, em thương bà quá” và quyết tâm theo học.

Trong Giáo phường Ca trù Thăng Long mà bà Chúc là trùm phường hiện có hai cô cháu gái và một chắt ngoại của bà đều đang độ tuổi 20 theo học, tới đây tiếp tục có hai chắt ở lứa tuổi học tiểu học sẽ theo học.

Cả ba cô cháu - chắt cùng các trò ở Giáo phường Ca trù Thăng Long sẽ dâng lên tiếng đàn, nhịp phách, lời ca chia tay bà trùm giáo phường đáng kính trong ngày đưa tiễn 9/4 này. “Chị tôi một đời vì ca trù, nên lúc chia tay cũng không thể thiếu tiếng đàn, lời ca được”, ông Phi chia sẻ.

MỚI - NÓNG