Nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Chúc: Như ngọn đèn trước gió

Nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc và ca nương Phạm Thị Huệ trong một lần biểu diễn ca trù
Nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc và ca nương Phạm Thị Huệ trong một lần biểu diễn ca trù
TP - Mới mấy hôm trước, ca nương Phạm Thị Huệ - chủ nhiệm Giáo phường ca trù Thăng Long, đệ tử chân truyền của nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc vẫn suốt ngày bần thần mong có phép màu giúp bà hồi lại. Nhưng giờ có lẽ khó, Bệnh viện Bạch Mai chẩn đoán suy thận nặng, bà đã trơ về Ngãi Cầu (Hoài Đức, Hà Nội).

Truân chuyên đời hát

Ngoài sân, anh em con cháu đã quây quần. Ông Nguyễn Bá Phi em ruột bà Chúc lập nghiệp trong Nam nay trở ra, bùi ngùi: “Nhà tôi có truyền thống hát ca trù, từ nhỏ chị đã thích hát nên được bố mẹ dạy. Hai cụ rất nghiêm khắc, gõ cái phách không đúng là cụ cầm cái dùi quật vào tay đau điếng”. 

12 tuổi Chúc chính thức hát cùng giáo phường của gia đình ở Khâm Thiên, Ngã Tư Sở nhưng tháng ngày êm đềm chẳng được bao lâu thì biến cố thời cuộc đã khiến ca trù chìm vào quên lãng.

Năm 1945, Nguyễn Thị Chúc tròn 16. Cao trào cách mạng tháng Tám đang hừng hực, ca nương trẻ tạm quên nhịp trống tiếng phách để tham gia đội văn công tuyên truyền. Ông Phi kể: “Chị tôi hát trên xe lưu động, bắt đầu từ phố Khâm Thiên đi qua Hàng Bột, Ô Chợ Dừa rồi qua Thái Hà tới Ngã Tư Sở. 

Đến giờ tôi vẫn thuộc những lời chị tôi hát: Ai có bầu nhiệt huyết, thề giết bọn xâm lăng, để cứu lấy hai mươi nhăm triệu đồng bào… Tuyên truyền động viên phong trào Nam tiến, động viên phụ nữ thì hát Giờ này chồng con chị em ta tiến ra sa trường, hát khúc quân ca vang lừng dậy bốn phương…”.

Chủ nhiệm CLB Ca trù Ngãi Cầu - Chu Chí Cang tiếp lời: Thời kỳ tản cư, nhiều người trở về quê nhưng bà Kim Đức (chị em họ hàng) vào Đài Tiếng nói Việt Nam, còn ông Hạ (nghệ nhân người Quốc Oai) cùng bà Chúc được vào Đoàn ca múa nhạc dân tộc trung ương. 

Có đợt xuống tận Hà Nam, bà hát bài về chài lưới bắt cá động viên làm nông nghiệp được đài truyền thanh Phủ Lý giới thiệu. Thời điểm đấy đi văn nghệ chủ yếu hát chèo, cải lương đủ cả nhưng ca trù thì ít được hát do không phù hợp với không khí vận động.

Đến năm 20 tuổi, gia đình bà chuyển hẳn về Ngãi Cầu sinh sống. Bà bén duyên anh lính Nam bộ tập kết. Hai ông bà có 6 mặt con. Đồng lương ít ỏi của ông không đủ nuôi gia đình, bà phải vất vả chợ búa với gánh hàng xén. Cuộc sống bộn bề lo toan bà vẫn không quên tiếng hát gia truyền. Bà tham gia văn nghệ ở làng, ngày hội thì ra đình hát thờ.

Bẵng đi hơn bốn chục năm, năm 1995 nhà nước chủ trương phục hồi ca trù. Kể từ thời điểm đó cho đến hôm nay là quãng thời gian hạnh phúc nhất đối với nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc bởi bà được thoải mái hát ca, truyền dạy cho lớp sau và được ghi nhận, cho dù chỉ là sự động viên tinh thần chứ chưa có chính sách hay ưu tiên vật chất nào.

Mong manh ngọn đèn

Anh Vượng, con trai út của bà cho biết: “Chiều 24/3 cụ từ viện về, tối hôm sau tưởng cụ đi nhưng đến sáng lại thấy êm êm”. Bác Phấn, cháu gái bà tiếp lời: “Trước bà khỏe, hàng ngày rảnh các cháu lại đến để bà dạy. Giờ nhìn cả 3 đứa cháu nối tiếp nghề (hai cháu và một chắt ngoại) quây quần bên bà mà rớt nước mắt”. 

Phạm Thị Huệ chỉ chực khóc: “Bà đã truyền lại được cho các cháu rồi thì kể cả trường hợp xấu vẫn phải giữ bằng được truyền thống ca trù của gia đình, của làng. Hai hôm nay không dám nói ra vì không muốn bà nghĩ ngợi, nhưng phải có một nhà lưu niệm sau khi bà ra đi, nơi đó sẽ trưng bày những hình ảnh về cuộc đời bà. Các cháu sẽ là những người trực tiếp giới thiệu hoặc hát cho khách xa gần tới tìm hiểu về ca trù và truyền thống gia đình”.

Bà Chúc coi Huệ như con gái út. Ông Phi gợi mở: Xưa khi mẹ ông mất, có bà Phượng học trò đến xin khăn và chịu tang thầy như một người con. Theo ông Phi “quân sư phụng” là một nét đẹp trong ca trù, người trò có hiếu coi thầy không khác mẹ cha. Mấy hôm nay hôm nào Huệ cũng thức trắng đêm bên bà. 

Huệ cũng ngỏ ý muốn xin khăn đen cho mình và khăn vàng cho con gái nhưng bà còn do dự mặc dù lúc tỉnh bà vẫn liên tục hỏi Huệ đâu. Chắc có lẽ bà đã tính đến chuyện nếu cho Huệ khăn đen cũng đồng nghĩa với việc theo lệ làng, cùng với con cháu trong nhà bà, chị Huệ sẽ không được lên đình hát trong 3 năm. Đồng nghĩa hội làng sẽ thiếu vắng đi tiếng hát cửa đình mất vài năm, mà điều đó đối với bà là không thể được.

Kể từ sau khi NSND Quách Thị Hồ ra đi, cùng với nghệ nhân Phó Thị Kim Đức và Nguyễn Phú Đẹ, bà Chúc được ví như một trong số ít ỏi vốn quý còn sót lại của ca trù đất Thăng Long.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.