Họa sĩ trẻ 'say' ca trù

Họa sĩ trẻ 'say' ca trù
TP - Từ chỗ chẳng biết một nốt nhạc, nhưng nhờ thích nghe ca trù mà hoạ sĩ Phạm Đình Hoằng đã trở thành đệ tử ruột của đệ nhất đàn Đáy Nguyễn Phú Đẹ. Và con đường để anh gắn bó với nghệ nhân bậc thầy này cũng khá đặc biệt, đó là nhờ cách học truyền tâm.

Bị sét đánh khi nghe nghệ nhân biểu diễn

Gần đây, trong lần trò chuyện với nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền, tôi nghe anh nói cổ nhạc của ta được gắn liền với các nghệ nhân, nếu các cụ không có người tiếp nối thì những giá trị đó sẽ vĩnh viễn mất theo sự ra đi của thế hệ nghệ nhân già. 

Họa sĩ trẻ 'say' ca trù ảnh 1

Lúc đó tôi nhận xét lớp trẻ hiện nay dường như chỉ thích nhạc mới, nhạc nước ngoài sôi động mà ít để ý đến dòng nhạc cổ của cha ông, dù không ít cổ nhạc của ta được thế giới công nhận là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại. Anh Hiền bảo thực tế đang diễn ra như vậy, nhưng cũng có những người trẻ tuổi đam mê sẵn sàng đi theo nghệ nhân để lĩnh hội những nét tinh hoa của cổ nhạc. Rồi anh kể tên một vài người để dẫn chứng, trong đó có họa sĩ trẻ Phạm Đình Hoằng.

Trước khi gặp Hoằng, tôi cứ hình dung anh trông thư sinh, có chút gì đó cổ xưa. Vậy mà khi gặp họa sĩ trẻ sinh năm Đinh Tỵ (1977) này, thấy anh khá “xì po” với mái tóc húi cua, vóc người khỏe mạnh như một vận động viên thể thao. Khi trò chuyện, thấy Hoằng nói về ca trù với niềm đam mê thấy rõ. 

Anh bảo mình đến với ca trù một cách tự nhiên, cứ như có sự sắp đặt nào đó. Cách đây gần 20 năm, một lần qua phố Bích Câu (Hà Nội) chơi với người bạn, Hoằng được nghe hát ca trù tại đây. Ban đầu nghe hát, chàng sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp thấy lạ, nhưng không khó nghe như một số người từng cảm nhận. 

Vài lần sau, Hoằng bắt đầu thấy thích, rồi nghe miết thành quen. Nhưng từ thích, từ quen đến đam mê lại là khoảng cách lớn. Năm 2001, sau khi ra trường, một lần Hoằng được nghe ca trù do hai nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc và Nguyễn Phú Đẹ biểu diễn. “Tiếng hát của cụ Chúc cùng tiếng đàn Đáy của cụ Đẹ khiến tôi có cảm giác như bị sét đánh”- Hoằng thổ lộ. 

Định thần lại, Hoằng bèn hỏi người ngồi cạnh hai cụ đang biểu diễn là ai, mới biết đó là hai nghệ nhân gạo cội của nghệ thuật ca trù. Cụ Chúc là một trong số ít nghệ nhân ca trù danh tiếng còn sống. Còn cụ Đẹ là cây đàn Đáy số một của nước ta hiện tại, một trong những nghệ nhân lão thành hiếm hoi còn lại của nghệ thuật ca trù.

Họa sĩ trẻ 'say' ca trù ảnh 2

Họa sĩ Phạm Đình Hoằng

“Chúng tôi có lẽ là thế hệ cuối cùng được tiếp xúc với nghệ nhân ca trù, nên phải nắm lấy”.

Họa sĩ Phạm Đình Hoằng

Lúc giải lao, chàng hoạ sĩ trẻ lân la đến bên hai nghệ nhân để làm quen. Anh rụt rè hỏi các cụ nay tuổi đã cao, chắc là truyền dạy cho nhiều học trò. Nghe vậy hai nghệ nhân cười bảo, người muốn theo học cũng không hiếm, nhưng theo một cách bền bỉ lâu dài thì đếm trên đầu ngón tay. “Thấy các cụ nói thế, tự dưng tôi lại muốn học, dù lúc đó bản thân chưa hề biết một nốt nhạc nào”- Hoằng cười cho biết.

Sau cuộc gặp gỡ trên, Phạm Đình Hoằng đến nhà cụ Đẹ tại Tứ Kỳ (Hải Dương) để xin học. Tới đây, anh mới biết gia tộc cụ Đẹ nhiều đời chơi đàn Đáy, nhưng đến đời cụ thì con cháu không ai nối nghề. Nghệ nhân cho biết, một kép đàn chăm chỉ học phải mất 5 năm mới gọi là biết nghề, còn sau đó cứ tiếp tục học mãi, học đến già. Do vậy muốn đàn được thì người học phải có niềm say mê, kiên trì, khổ luyện.

Nghe nghệ nhân chỉ dạy, Hoằng chỉ biết im lặng. Nhưng từ đó, mỗi tuần ít nhất một lần anh lại đi xe máy từ Hà Nội đến nhà nghệ nhân để học đàn. Hai năm đầu, anh học được rất ít, cầm đàn rất gượng. Đã thế, trong thời gian học này anh chưa nói cho gia đình biết vì sợ bị phản đối. Thấy con tuần nào cũng xa nhà, bố mẹ hỏi thì Hoằng bảo đi công tác. 

Về sau gia đình cũng biết, Hoằng bèn nói thật quan điểm coi hội họa là nghề, còn ca trù là nghiệp, không thể bỏ cả hai. Còn về phía nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ, sau hơn hai năm dạy đàn, ông mới nói với học trò: “Đúng là con mê ca trù thật, không phải tùy hứng của tuổi trẻ. Vậy mà ban đầu thầy cứ nghĩ con chẳng học được đâu”.

Sau thời gian đầu khó nhọc, Hoằng đã bắt nhịp được cách học theo lối truyền tâm của thầy. Thầy dạy không chỉ là truyền nghề mà còn là truyền cái tinh thần, cái hồn cốt của tiếng đàn. Mỗi khi cụ Đẹ lên Hà Nội làm việc, Hoằng thường mời thầy đến ở với mình tại xưởng vẽ để chăm sóc. 

Sau nhiều năm theo học, gần đây cụ Đẹ bảo những ngón nghề Hoằng đã lĩnh hội được cả rồi, và coi anh là một học trò đặc biệt. Điều đặc biệt ấy ở chỗ, người thầy như một cây lớn, còn học trò là một cây con được chiết ra từ cây lớn, chứ không phải một cây con được trồng mới hoàn toàn. Cảm nhận được điều này, cháu đích tôn của cụ Đẹ có lần từng nói với Hoằng: “Quý hóa quá có em học được nghề của ông bà để lại”.

Cha sinh, mẹ dưỡng

Người chơi đàn Đáy muốn đàn hay phải được nghệ nhân hát để tập. Sau khi học cụ Đẹ, Phạm Đình Hoằng đến gặp nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc tại nhà riêng ở Ngãi Cầu (Hoài Đức, Hà Nội) để tiếp tục luyện ngón đàn. Giọng ca của nghệ nhân được giới nghề đánh giá rất cao với kỹ thuật ém hơi tài tình khiến người nghe như chìm vào những câu hát đẹp đẽ, mượt mà và đầy tính nhân văn của ca trù. Khi đó, kép đàn phải chơi làm sao để song hành cùng giọng hát đó. 

“Có thể nói tiếng đàn của tôi tiến bộ được là nhờ cha sinh, mẹ dưỡng. Cụ Đẹ là người sinh, còn cụ Chúc là người dưỡng”- Phạm Đình Hoằng bày tỏ. Rồi anh kể, năm 2009 một người cháu cụ Chúc đã đăng ký tham dự Liên hoan Ca trù toàn quốc, nhưng lại thiếu kép đàn. Lúc này Hoằng đang học tại chỗ cụ Chúc nên nhận lời tham gia. Kết quả, anh đoạt giải vàng kép đàn tại Liên hoan năm đó.

Khi được hỏi: “Đam mê như thế liệu có sống được từ ca trù?”- Phạm Đình Hoằng cho biết hiện rất ít người dám nói mình sống được bằng nghề này. Bản thân Hoằng, số tiền thu được từ ca trù cũng chỉ mang ý nghĩa thù lao. Tuy nhiên, Hoằng cũng tâm sự “chúng tôi có lẽ là thế hệ cuối cùng được tiếp xúc với nghệ nhân, nên phải nắm lấy”. 

Cái được lớn nhất mà Hoằng thu được là có thể trở thành bạn chơi của thầy mình trong ca trù. Dĩ nhiên các thầy ở một đẳng cấp cao hơn, nhưng mình cũng phải tiệm cận đến mức nào đó mới có thể tham gia được cùng các nghệ nhân. Mà khi đã biết nghề rồi, thành nghiệp rồi thì phải giữ.

Rồi Hoằng cho biết, ngoài công việc hội họa, mỗi ngày anh thường dành thời gian tự tập đàn, một tuần đến nhà nghệ nhân một lần để học. Mỗi khi có nơi mời, nhóm của Hoằng lại tụ nhau đến biểu diễn. “Đó là cách để bảo tồn, lưu giữ ca trù”- anh nói.

Năm 2009 là thời điểm đánh dấu cột mốc lớn khi UNESCO công nhận ca trù là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Cũng năm này, hai nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ và Nguyễn Thị Chúc được tặng giải thưởng Đào Tấn. Khi đó, Phạm Đình Hoằng nảy ý định làm đĩa CD ghi lại một số bài ca trù do hai thầy mình biểu diễn. “Cụ Đẹ lúc đó đã gần 90, còn cụ Chúc cũng 80. Nếu ghi lại được tiếng đàn, tiếng hát của các cụ sẽ có giá trị rất lớn về sau” - Hoằng cho biết.

Tuy nhiên, khi biết học trò định vay tiền để làm, nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ không chịu, vì nếu làm vậy biết đến khi nào mới trả được nợ. Sự việc bẵng đến cuối năm ngoái, một người bạn của Hoằng đã đồng ý tài trợ để anh làm việc này. 

Hoằng đứng ra thuê phòng thu, tổ chức đưa đón hai nghệ nhân đến biểu diễn. Việc thu âm thực tế không đơn giản, bởi các cụ tuổi cao lại ở xa, lúc người này khỏe người kia lại yếu nên việc khớp lịch là rất khó. Tuy nhiên sau nhiều đợt đón các nghệ nhân thu âm, trước Tết công việc cơ bản hoàn thành. “Đĩa thu được một số bài các cụ tâm đắc, hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện”- Hoằng cho biết.

Vẽ tranh có chất nhạc?

Đam mê ca trù nhưng Hoằng không quên nghề. Ra trường, Hoằng làm cho một công ty nước ngoài được hai năm, sau đó chuyển ra làm họa sĩ tự do. Học ngành Tranh Hoành tráng của Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Hoằng có sở trường vẽ những bức tranh khổ lớn với chất liệu sơn dầu hoặc sơn mài. Anh vẽ chủ yếu là tranh trừu tượng. 

Khi được hỏi: “Âm nhạc có tác động thế nào đến việc vẽ tranh?”- Hoằng trầm ngâm hồi lâu, rồi ngập ngừng chia sẻ: “Trước kia, khi hay nghe nhạc giao hưởng hoặc rock của ngước ngoài, tôi thường vẽ tranh có gam màu mạnh, nhưng có cảm giác thể hiện khá thụ động. Nhưng từ khi ngấm ca trù, tôi thấy mình vẽ chủ động hơn, màu sắc dịu và lãng mạn hơn”. Xem tranh của Hoằng gần đây, bạn bè nửa đùa nửa thật nhận xét “tranh dường như có chất nhạc”. Chẳng rõ nhận xét đó chính xác đến đâu, nhưng gần đây tranh của Hoằng bán chạy hơn. Anh thuê xưởng để vẽ tranh, và những lúc muốn thay đổi không khí lại chuyển sang học đàn. Anh coi âm nhạc và hội hoạ là hai lĩnh vực có tác dụng bổ trợ, tương tác tốt cho nhau.

Họa sĩ Phạm Đình Hoằng chia sẻ, ca trù thực ra không phải môn nghệ thuật khó nghe, cái chính là hiện nay ít người muốn tìm đến nó. Đó gần như là một định kiến, khi nhiều người trẻ cứ nghĩ ca trù là dành cho người lớn tuổi, mà chưa nghĩ việc các cụ cũng phải tiếp cận với lĩnh vực nghệ thuật này từ khi còn trẻ. Vậy thì hãy coi đó là một lĩnh vực âm nhạc để tiếp cận, nếu thấy thích thì tiếp tục nghe.

Định mệnh chồng đàn vợ hát

Họa sĩ trẻ 'say' ca trù ảnh 3

Vợ chồng Phạm Đình Hoằng biểu diễn ca trù

Vợ hoạ sĩ Phạm Đình Hoằng - ca nương Vũ Thùy Linh từng học nhạc dân tộc tại Học Viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, hiện đang làm việc tại trường. Do thích ca trù nên trước đây chị đã tham gia học môn nghệ thuật này tại một câu lạc bộ. Khi bén duyên nhau, Phạm Đình Hoằng muốn giới thiệu người yêu đến học nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc. Nhưng lúc đó nghệ nhân từ chối, vì người dạy vợ anh trước đây từng là học trò của bà, nên không muốn dạy trực tiếp.

Một thời gian sau, nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc gợi ý, nếu Hoằng làm đám cưới thì vợ sẽ là người nhà của anh. Lúc đó bà sẽ dạy ca trù cho vợ anh với tư cách con cháu trong nhà. Đám cưới đã diễn ra, sau đó ca nương Vũ Thùy Linh trở thành học trò của nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc. Mối lương duyên đó có thể xem như một định mệnh của vợ chồng Hoằng với ca trù. 

Bởi theo truyền thống xưa, biên chế “chồng đàn vợ hát” được xem như mô hình gia đình nhà nghề mẫu mực - một sự noi gương huyền tích vợ chồng Thần Tổ nghề. Có những thời đoạn lịch sử, “chồng đàn vợ hát” là lề luật bắt buộc mỗi khi đào kép giáo phường Ca trù khăn gói đi hát ở các cửa đình.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.