‘Tiếng ồn xử lý không xong, không nên làm chủ tịch quận, phường…’

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, xử lý vi phạm về tiếng ồn là việc quá nhỏ, nếu nơi nào giải quyết không được thì người đứng đầu chính quyền không nên làm Chủ tịch UBND quận, Chủ tịch UBND phường vì việc nhỏ làm không xong thì không thể làm việc lớn.

Chiều 26/4, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đã chủ trì cuộc họp với sở ban nành chức năng về kết quả về xử lý tiếng ồn trên địa bàn TPHCM.

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết tình trạng vi phạm về tiếng ồn đã giảm rõ rệt tại nhiều địa phương. Người dân đã ý thức hơn về việc gây phiền hà cho cộng đồng trong khu dân cư. Tuy nhiên, vi phạm về tiếng ồn vẫn chưa giải quyết triệt để.

Bà Mỹ cho biết từ ngày 10/3 đến ngày 19/4, cổng thông tin 1022 đã tiếp nhận hơn 1000 tin báo về các vi phạm về tiếng ồn. Các đơn vị chức năng đã xác minh và tiến hành xử lý 764 tin báo, đạt 72%. Ngoài ra, nhiều quận huyện cũng đã tiến hành xử lý các trường hợp vi phạm về tiếng ồn sau khi tiếp nhận các tin báo qua đường dây nóng hoặc phần mềm trực tuyến của địa phương.

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, việc xử lý vi phạm tiếng ồn phải bền vững, mang tính lâu dài với mục tiêu xây dựng môi trường và lối sống đô thị văn minh, yên bình.

Ông Võ Văn Hoan cho biết để xử lý vi phạm, cơ quan có thẩm quyền xử lý có thể căn cứ vào nhiều quy định liên quan và cần linh động trong quá trình áp dụng các quy định khác nhau.

‘Tiếng ồn xử lý không xong, không nên làm chủ tịch quận, phường…’ ảnh 1

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan

Từ nay đến tháng 6, TPHCM sẽ tiếp tục tuyên truyền, thường xuyên vận động người dân, đặc biệt là những nơi có nguy cơ phát sinh tiếng ồn (chung cư, nhà trọ, công sở…) hoặc những địa chỉ thường xuyên vi phạm. Sau khi vận động, yêu cầu ký cam kết không tái diễn hành vi vi phạm, nơi nào tiếp tục vi phạm sẽ bị xử lý.

Theo ông Hoan, việc yêu cầu người dân ký cam kết là cơ sở để xử lý vi phạm, không phải cam kết cho vui, làm theo kiểu theo phong trào.

“Sau này, nếu phát hiện trường hợp nào vi phạm mà chưa có cam kết thì người đứng đầu địa phương đó phải trách nhiệm " - ông Hoan giải thích.

Lãnh đạo UBND TPHCM cho rằng trách nhiệm xử lý vi phạm về tiếng ồn là của người đứng đầu chính quyền các địa phương, cụ thể là Chủ tịch UBND các quận huyện, phường xã. Nếu tình trạng vi phạm về tiếng ồn không được khắc phục, cứ tái đi tái lại thì Chủ tịch UBND phường xã, Chủ tịch UBND quận huyện phải bị xử lý.

“Xử lý tiếng ồn là việc quá nhỏ, có gì to tát đâu, nếu giải quyết không xong thì không nên làm chủ tịch quận, chủ tịch phường. Việc nhỏ mà làm không được thì làm sao làm được những việc lớn” – Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan nhấn mạnh

Việc xử lý vi phạm về tiếng ồn, đặc biệt là tình trạng hát karaoke trong khu dân cư, các cơ sở kinh doanh mở âm thanh công suất lớn để thu hút khách hàng đã được UBND TPHCM yêu cầu xử lý từ đầu tháng 3 vừa qua, sau khi Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết nhiều người dân bức xúc trực tiếp gọi điện, mắng vốn ông vào lúc nửa đêm vì bị “tra tấn”.

‘Tiếng ồn xử lý không xong, không nên làm chủ tịch quận, phường…’ ảnh 2

Karaoke "loa kéo" gây ồn ào, ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của người dân

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, tiếng ồn phân thành 4 nhóm đối tượng: Từ hoạt động dịch vụ karaoke, các điểm vui chơi, dịch vụ có quy mô lớn như quán bar, vũ trường, beer clup; từ các quán nhậu vỉa hè mở nhạc, hát loa di động công suất lớn; từ các hộ gia đình có trang bị dàn âm thanh, loa, karaoke, máy phát nhạc, tiệc cưới, lễ tang, sinh nhật… và từ các loại hình buôn bán có sử dụng loa phát thanh quảng cáo, địa điểm sinh hoạt công cộng… trong đó đang được dư luận quan tâm nhiều nhất là tiếng ồn từ loa kéo karaoke.

Tuy nhiên, trong 2 năm, kết quả xử phạt về tiếng ồn của 17 quận, huyện có báo cáo cho thấy, các quận, huyện chỉ xử phạt 141 trường hợp với số tiền hơn 818 triệu đồng, trong đó chỉ có 20/141 trường hợp vi phạm tiếng ồn trong sinh hoạt của khu dân cư bị xử phạt với số tiền 2,6 triệu đồng.

Khó khăn lớn nhất trong việc xử lý là quy chuẩn mức giới hạn tiếng ồn hiện nay (QCVN 26:2010/BTNMT) không quy định đo độ ồn nền để làm căn cứ xác định mức độ ồn nên việc xử lý của cơ quan chức năng chưa được thuyết phục. Ngoài ra, việc hát karaoke bằng loa kéo trong khu dân cư thường diễn ra trong các ngày nghỉ hoặc sau 22 giờ, gây khó khăn trong kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hữu Hưng, tiếng ồn có hại đối với sức khỏe. Một số loại hình karaoke, loại hình hát với nhau gây ồn ào khiến người người sống với nhau không lúc nào yên ổn.

Cường độ âm thanh ở mức từ 80 dB trở lên có thể gây điếc, trong khi nhiều nơi khuếch đại cường độ âm thanh lên tới 110 dB, không chỉ gây tác hại với sức khỏe mà còn ảnh hưởng tới giấc ngủ.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.