TPHCM 'chốt' thời gian xử phạt vi phạm về tiếng ồn, karaoke tự phát

0:00 / 0:00
0:00
TPHCM 'chốt' thời gian xử phạt vi phạm về tiếng ồn, karaoke tự phát
TPO - Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan yêu cầu từ nay đến cuối tháng 5, TP Thủ Đức và các quận huyện, phường xã tuyên truyền, vận động các hộ dân ký cam kết, đặc biệt là những trường hợp thường xuyên hát karaoke gây tiếng ồn trong khu dân cư. Từ tháng 6, TPHCM sẽ tập trung xử phạt vi phạm về tiếng ồn, trong đó có karaoke tự phát.   

Sáng 9/3, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về đề xuất xử lý vi phạm về tiếng ồn trên địa bàn theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan nhận định ô nhiễm tiếng ồn là vấn nạn đã tồn tại khá lâu, đặc biệt nóng vào thời gian gần đây và dường như có sự ganh đua trong giới thiệu mặt hàng, quảng bá sản phẩm và giữa các hộ dân. Nơi này, nơi kia đua nhau mở loa gây ô nhiễm tiếng ồn.

Trong khi đó, theo ông Hoan, việc xử lý ô nhiễm tiếng ồn dù đã có đủ cơ sở pháp luật nhưng các cơ quan chức năng và các địa phương còn chưa nhận thức đầy đủ cách xử lý. Có nơi thậm chí còn coi đây là chuyện thường ngày, không phải là việc của mình.

"Không thể chấp nhận một đô thị lớn như TPHCM mà từ khu dân cư đến quán ăn, cửa hàng, cửa hiệu đều ra rả mở loa công suất cao ảnh hưởng đến người dân" – ông Hoan nhấn mạnh.

Lãnh đạo UBND TPHCM yêu cầu xử lý vi phạm qua 2 giai đoạn. Cụ thể, từ nay đến cuối tháng 5, TPHCM tập trung tuyên tuyền, yêu cầu các hộ thường xuyên hát karaoke ký cam kết, đồng thời trong giai đoạn này, các cơ quan chức năng sẽ hoàn thiện các quy định pháp luật.

TPHCM 'chốt' thời gian xử phạt vi phạm về tiếng ồn, karaoke tự phát ảnh 1 Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan yêu cầu tập trung xử phạt vi phạm từ tháng 6 tới

Ông Hoan dẫn chứng: Chung cư nào đã có quy định thì thôi, còn chưa có thì phải ban hành quy định cấm hát Karaoke trong chung cư. Phải vận động người dân, bổ dung vào quy chế và Ban Quản trị phải chịu trách nhiệm. Các cơ sở kinh doanh thì phải cam kết không thực hiện hành vi mở âm thanh lớn, ảnh hưởng đến môi trường bên ngoài. Không gian phải đủ lớn, âm thanh không được vượt quá quy định. Mở quán ăn có loại hình “hát với nhau” phải tổ chức trong phòng, không được đưa ra bên ngoài ảnh hưởng đến người khác.

Giai đoạn 2, từ tháng 6 đến cuối năm, TPHCM sẽ tập trung xử phạt căn cứ vào các quy định hiện hành. Theo ông Hoan, xử lý vi phạm về tiếng ồn không khó. Cơ quan chức năng chỉ cần đến quán như các thực khách và ghi âm, ghi hình, nếu vượt quá quy định thì mời chủ quán đến làm việc, lập biên bản.

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết việc xử lý vi phạm về tiếng ồn được thực hiện theo Nghị định 155/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường và Nghị định 167/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn, trật tự, xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy chữa cháy, chống bạo lực gia đình.

Trong năm 2019 và 2020, tại 17 quận, huyện trên địa bàn TPHCM đã xử lý 141 trường hợp vi phạm về tiếng ồn với số tiền hơn 800 triệu đồng. Tuy nhiên, theo bà Mỹ, trong 141 trường hợp bị xử lý, chỉ có 20 trường hợp là vi phạm tiếng ồn trong khu dân cư bị xử phạt với số tiền hơn 2,6 triệu đồng.

TPHCM 'chốt' thời gian xử phạt vi phạm về tiếng ồn, karaoke tự phát ảnh 2

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM

Theo bà Mỹ, các trường hợp gây tiếng ồn sẽ bị phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 155 của Chính phủ, mức xử phạt 1-160 triệu đồng. Tuy nhiên, để xử phạt thì phải có kết quả đo đạc bởi đơn vị có chức năng được Bộ Tài nguyên và môi trường cấp giấy chứng nhận.

Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm gồm chánh thanh tra Bộ Tài nguyên và môi trường; chủ tịch UBND TP; chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường; chủ tịch UBND cấp huyện; lực lượng công an; chưa có thẩm quyền của xã, phường, thị trấn. 

Vì vậy, Sở Tài nguyên và môi trường TPHCM kiến nghị bổ sung thẩm quyền xử phạt cho chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn.

Ngoài ra, theo bà Mỹ, việc xử lý tiếng ồn còn dựa theo nghị định số 167. Tuy nhiên, mức phạt 100.000-300.000 đồng chưa đủ sức răn đe. Đồng thời, khoảng thời gian xử phạt từ 22h đến 6h sáng nên việc xử phạt ngoài khung giờ trên không thể áp dụng.

Việc xử lý vi phạm về tiếng ồn còn nhiều vướng mắc như: khi phát hiện đoàn kiểm tra, người vi phạm đã ngưng hoặc giảm âm lượng của loa, loa kéo hát karaoke là nguồn gây ồn không cố định, dễ di chuyển, dễ điều chỉnh khi cần, có tính đặc thù nhưng pháp luật chưa quy định cụ thể trong xử lý. Quy chuẩn mức giới hạn tiếng ồn hiện nay không quy định đo độ ồn nền để làm căn cứ xác định mức độ ồn nên việc xử phạt của cơ quan chức năng chưa được thuyết phục, đồng thời chưa có quy định tần số ồn.

"Nghị định số 167 hiện nay mức xử phạt thấp, chưa có tính răn đe cao nhưng nghị định 155 đòi hỏi phải có kết quả đo đạc và kết quả này phải từ đơn vị chức năng thực hiện. Bên cạnh những hoạt động gây tiếng ồn lớn, có những hoạt động gây tiếng ồn không vượt chuẩn cho phép nhưng kéo dài, các tác động âm ỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân" - Bà Mỹ nói.

MỚI - NÓNG