Tiền vẫn vào chứng khoán qua 3 kênh

TTCk tháng năm có sự sụt giảm nhưng tháng 6 đang hi vọng đà tăng trở lại
TTCk tháng năm có sự sụt giảm nhưng tháng 6 đang hi vọng đà tăng trở lại
TPO - Tiền từ ngân hàng, tiền từ dòng vốn ngoại đầu tư ngắn hạn FII, tiền qua đấu giá cổ phần hóa. Tựu chung vẫn chảy ròng vào chứng khoán dù ở mỗi kênh cho sự thay đổi lên xuống khác nhau.

Kết thúc phiên giao dịch sáng nay 1/6, VnIndex tăng 22,41 điểm (2,31%) lên 993,66 điểm; Hnx-Index tăng 1,01 điểm (0,88%) lên 115,92 điểm và Upcom-Index tăng 0,24 điểm (0,46%) lên 53 điểm. Thanh khoản toàn thị trường được cải thiện tích cực với 157 triệu đơn vị, tương ứng giá trị gần 4.000 tỷ đồng.

Việc thanh khoản thị trường tăng mạnh không chỉ đến từ những nhà đầu tư trong nước "lỡ tàu" trong những phiên gần đây mà còn đến từ khối ngoại khi họ mua ròng 130 tỷ đồng trong phiên sáng nay

Tổng kết thị trường chứng khoán tháng 5/2018, UBCK cho biết: Sau khi tăng mạnh trong quý I/2018, đạt mức cao nhất 1.204 điểm (09/4/2018), TTCK bắt đầu xu hướng điều chỉnh giảm, từ giữa tháng 5 đến nay. Cùng đó, NĐTNN bán ròng mạnh trong một số phiên với giá trị bán ròng  đạt 5.332 tỷ đồng trên cả hai sàn

Tuy nhiên,  tính chung, dòng vốn nước ngoài vẫn tiếp tục vào ròng ở mức độ tương đối cao, đạt 615 triệu USD trong tháng 4 và 809 triệu USD trong tháng 5/2018. Giá trị vốn ngoại chảy vào ròng lũy kế từ đầu năm đến ngày 22/5/2018 đạt gần 2,35 tỷ USD (bằng 80% mức vào ròng của cả năm 2017) và cao hơn nhiều so với mức vào ròng năm 2016 (1,28 tỷ USD). Diễn biến này cho thấy NĐTNN vẫn đánh giá cao khả năng tăng trưởng trong ngắn hạn của thị trường Việt Nam, sẵn sàng giải ngân ở thời điểm phù hợp.

Dòng tiền tài trợ từ hệ thống ngân hàng cho hoạt động chứng khoán có xu hướng giảm từ cuối tháng 4/2018. Tại ngày 18/5/2018 tổng giá trị tài trợ từ ngân hàng là 68.821 tỷ đồng. Tình hình huy động vốn qua TTCK: tính đến hết tháng 4/2018, huy động qua phát hành chứng khoán trên thị trường ước đạt 6.000 tỷ đồng, hoạt động đấu giá cổ phần hóa qua 2 Sở Giao dịch chứng khoán (SGDCK) đạt hơn 26,2 nghìn tỷ đồng với nhiều đợt đấu giá lớn (tính đến ngày 15/5).

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng mạnh trong một thời gian dài. VN-Index năm 2017 tăng 48% và tăng tiếp 17% trong Quý I/2018 nên nhiều nhà đầu tư có tâm lý chốt lời. Tâm lý đó diễn ra đúng vào thời điểm lãi suất trên thị trường quốc tế tăng, TTCK thế giới điều chỉnh giảm, nên tác động cộng hưởng càng lớn. Thị trường chứng khoán thế giới từ Mỹ, châu Âu, châu Á đều đã điều chỉnh giảm từ tháng 01/2018, mức giảm phổ biến từ 7 - 10%.

Theo dữ liệu của Bloomberg thì Việt Nam là một trong số ít những thị trường ở châu Á đang có nguồn vốn FII chảy vào ròng tính đến thời điểm hiện tại. Dòng vốn nước ngoài vẫn đang chảy vào thị trường cổ phiếu với giá trị mua ròng đạt 1,5 tỷ USD kể từ đầu năm đến nay.

Theo ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch UBCK Nhà nước, thị trường có thể điều chỉnh lên xuống, nhưng nhìn chung vẫn đảm bảo bền vững nhờ nền kinh tế vĩ mô tăng trưởng ổn định và nền tảng sức khỏe của doanh nghiệp niêm yết tốt. „Thị trường chứng khoán Việt Nam đang nhận được sự hậu thuẫn lớn từ nhiều yếu tố kinh tế vĩ mô trong nước. Do vậy, nhà đầu tư nên bình tĩnh, đầu tư chứng khoán theo giá trị dài hạn”, ông Sơn khẳng định.

Lãnh đạo UBCK cũng cho biết cơ quan này luôn  theo dõi sát diễn biến dòng vốn ngoại trên TTCK, có giải pháp tiếp tục khuyến khích dòng vốn chuyên nghiệp, vốn trung và dài hạn, hạn chế dòng vốn ngắn hạn. Giám sát chặt chẽ các mặt hoạt động của TTCK nói chung, để quản lý thị trường hoạt động minh bạch, hiệu quả.

MỚI - NÓNG