Tiền vẫn bơm vào chứng khoán

Dòng tiền từ ngân hàng đang chảy vào chứng khoán. Ảnh: Như Ý
Dòng tiền từ ngân hàng đang chảy vào chứng khoán. Ảnh: Như Ý
TP - Từ đầu năm đến nay chỉ số VN-Index đã tăng 17%, hơn 76% cổ phiếu trên cả hai sàn tăng điểm, trong đó có 45 cổ phiếu tăng trên 50%. Khối ngoài mua ròng rất mạnh, nền tảng vĩ mô ổn định trở lại đã tạo đà hưng phấn cho giới đầu tư.

Tuy nhiên, liệu liều “doping” này có làm cho thị trường tăng bền vững và kết thúc giai đoạn đen tối hơn hai năm qua?

Tiền vẫn đang bơm

Đã có dự báo thị trường sẽ rơi vào đợt điều chỉnh sau phiên giao dịch kỷ lục ngày 20/2 với tổng khối lượng trên cả 2 sàn lên tới gần 400 triệu cổ phiếu, tương ứng mức giá trị hơn 5.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, chứng khoán thật bất ngờ và khó dự đoán. Mặc dù áp lực chốt lời lớn nhưng các chỉ số vẫn duy trì sắc xanh và bất ngờ hơn khi dấu hiệu điều chỉnh không hề xảy ra.

Diễn biến cho thấy tiền vẫn đang được bơm vào thị trường đặc biệt là các cổ phiếu blue-chip và có xu hướng đổ mạnh vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, chứng khoán. Một điều dễ dàng nhìn thấy khác là tâm lý nhà đầu tư hết sức ổn định và sự hưng phấn của dòng tiền đã giúp chứng khoán đang trở nên khá hấp dẫn trong thời điểm hiện nay.

Thông tin từ một CTCK, mức độ sử dụng đòn bẩy (margin) của nhà đầu tư tăng rất mạnh với số dư margin đã vượt 300 triệu USD. Như vậy so với thông tin trước đây về việc có một nguồn tiền mới khoảng 300 triệu USD tham gia vào thị trường chứng khoán là có cơ sở.

Lý giải về sự khởi sắc của thị trường một số ý kiến còn cho rằng đó là động lực lớn từ việc khối ngoại liên tục bơm tiền vào chứng khoán. Thống kê trên HSX từ đầu năm đến nay cho thấy nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 2.227 tỷ đồng. Những cổ phiếu mà khối ngoại mua ròng nhiều đều là những cổ phiếu có vốn hóa lớn và ảnh hưởng mạnh đến chỉ số VN-Index như GAS, VCB, VIC, MSN, BVH…

Anh Nguyễn Quang Hùng một nhà đầu tư lâu năm trên thị trường chứng khoán cho rằng việc khối ngoại mua một số mã cổ phiếu chủ chốt làm VN-Index tăng mạnh có tác dụng rất lớn trong việc kích thích tâm lý nhà đầu tư trong nước. Theo anh Hùng hiện tượng này đã xảy ra một số lần trước đây là chỉ cần vài nghìn tỷ đồng của nhà đầu tư nước ngoài đã làm xoay chuyển được thị trường. Như vậy, theo kinh nghiệm của anh thì nhiều khả năng thị trường rất có thể còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Chuyển “buôn chứng” vì ứ tiền ngân hàng

Phó giám đốc một CTCK tại TPHCM cho biết, cuối năm 2013 Công ty đã được ngân hàng mẹ rót cho hơn 500 tỷ đồng để cung cấp margin cho nhà đầu tư. Anh cũng giải thích thêm là hiện nay vốn tại các ngân hàng đang ứ đọng rất nhiều nên “bơm” bớt sang thị trường chứng khoán. Trên thực tế lãi suất liên ngân hàng trong thời gian qua được giao dịch ở mức rất thấp cho thấy thanh khoản của hệ thống ngân hàng rất dồi dào. Do vậy, việc dòng tiền từ ngân hàng chảy vào chứng khoán không phải là không có lý.

Bên cạnh, những yếu tố có tính nền tảng hỗ trợ cho thị trường trong thời gian qua đã có những chuyển động khá tích cực. Tình trạng vĩ mô đã tương đối ổn định với việc lạm phát trong 2 tháng đầu năm tăng mức thấp nhất trong hàng chục năm qua. CPI tháng 2 chỉ tăng 0,55% so với tháng 1 và tăng 1,24% so với đầu năm. Tỷ giá cũng tiếp tục giữ ở mức ổn định. Nợ xấu theo báo cáo của các tổ chức tín dụng cũng đã giảm xuống dưới 4%. Đặc biệt, NHNN cũng cho rằng lãi suất có thể giảm thêm 1-2% trong năm nay.

Với thông tin này những cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua gần hết room được nhà đầu tư trong nước “săn đón”. Một loạt cổ phiếu gần hết room như HAG, FPT, SSI hay REE đều tăng rất mạnh với mức 30-40%.

Liên quan đến khối ngoại, một số chuyên gia cho rằng thông tin nới room cho nhà đầu tư nước ngoài có ảnh hưởng lớn đến tâm lý thị trường. Trước đó vào cuối năm 2013, UBCKNN cho biết đã xây dựng dự thảo quyết định trong đó đề xuất cho phép nhà đầu tư nước ngoài nâng tỷ lệ sở hữu tối đa công ty niêm yết từ mức 49% lên mức 60%. Mới đây, UBCK cũng dự kiến Thủ tướng Chính phủ sẽ ký quyết định thông qua đề xuất này trong thời gian tới.

MỚI - NÓNG