Từ vụ Chủ tịch HASC mất tích:
Tiền trong tài khoản nhà đầu tư có an toàn?
> Yêu cầu Cty chứng khoán Hà Thành đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư
Lo lắng
Trên một diễn đàn, nhà đầu tư Phạm Thanh Tuấn (địa chỉ 138 Phùng Khoang, Hà Nội) chia sẻ: “Là nhà đầu tư, chúng tôi thực sự hoảng hốt khi đọc thông tin về việc Chủ tịch HĐQT HASC bỗng nhiên biến mất, mang theo khoản nợ cả trăm tỷ đồng. Vụ việc này đang được cơ quan chức năng điều tra, nhưng theo thông tin báo chí thì khoản tiền biến mất theo sự mất tích của vị chủ tịch trên là một phần của chính CTCK, một phần của các đối tác và phần còn lại là tiền trên tài khoản nhà đầu tư”. Anh Tuấn cho hay hiện đang có 20.000 cổ phiếu các loại và gần 100 triệu đồng tiền mặt tại một CTCK. “Hằng tháng, tôi được CTCK báo về tình trạng số dư chứng khoán và tiền trên tài khoản của mình. Tôi chưa từng ký văn bản nào về việc gửi số tiền mặt trên tại ngân hàng. Tôi chỉ biết rằng cả tiền và chứng khoán của tôi do CTCK quản lý”, anh Tuấn đặt vấn đề nếu xảy ra tình trạng CTCK nơi anh mở tài khoản lạm dụng tiền gửi của khách hàng, làm mất tiền của khách hàng, thì ai sẽ đứng ra phân xử và bồi thường?
Lo lắng của nhà đầu tư này không phải không có lý khi chỉ cách đây ít ngày, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) vừa công bố quyết định xử phạt 120 triệu đồng đối với CTCK Tràng An (TAS) vì trực tiếp nhận và cho phép khách hàng rút tiền gửi giao dịch chứng khoán tại quỹ công ty. Theo UBCK, trong thời gian qua, đơn vị môi giới này đã không tách tài sản của mình và nhà đầu tư, trực tiếp nhận và cho khách hàng rút tiền gửi giao dịch chứng khoán tại quỹ công ty. Đồng thời, TAS cũng không thực hiện công bố thuyết minh giao dịch với bên có liên quan theo chuẩn mực kế toán hiện hành, không bố trí đủ người có chứng chỉ hành nghề kinh doanh chứng khoán cho các nghiệp vụ được cấp phép.
Ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh chứng khoán, UBCK, cho biết: Theo báo cáo tình hình tài chính của các CTCK (chưa qua kiểm tra), đến thời điểm này có khoảng 15 CTCK rơi vào vùng “cảnh báo”, trong đó đa phần là các CTCK nhỏ. “Riêng CTCK Hà Thành, vốn pháp định là 150 tỷ đồng, hiện còn khoảng 80 tỷ đồng. Còn tài khoản của NĐT qua kiểm tra số dư tiền gửi tại ngân hàng của khách hàng khoảng 38 tỷ đồng”- ông Sơn cho hay. Lãnh đạo một CTCK cho rằng việc ứng trước tiền chứng khoán vay từ ngân hàng này phải thực hiện theo quy chế kiểm soát nội bộ. Nếu đúng quy trình phải có sự bảo lãnh từ phía công ty qua các chữ ký như kế toán trưởng, tổng giám đốc, chủ tịch HĐQT. Trường hợp ở HASC rất có thể cá nhân ông chủ tịch đã làm trái quy định nên mới xảy ra chuyện đó.
Cần tách bạch
Theo quy định, ngày 1-10-2008, việc quản lý tiền của nhà đầu tư chứng khoán phải được chuyển cho ngân hàng. Tài khoản này giống như tài khoản cá nhân, ngoài giao dịch chứng khoán, chủ tài khoản có thể dùng thanh toán nhiều giao dịch khác. Khi đặt lệnh mua chứng khoán, CTCK chỉ cần kiểm tra tài khoản của khách hàng ở ngân hàng, nếu có tiền, lệnh mua sẽ được thực hiện. Muốn kiểm tra tiền bán chứng khoán về chưa, nhà đầu tư cũng chỉ cần kiểm tra tài khoản ở ngân hàng.
Trao đổi với PV Tiền Phong, một vị phụ trách phòng CTCK IRS cho hay, hiện vẫn còn một số CTCK chỉ thực hiện một “tài khoản tổng” của CTCK tại ngân hàng, còn tài khoản của NĐT vẫn nằm trong tài khoản chung đó. Lý giải chung là do các CTCK ngại tốn thêm một khoản chi phí cho phần mềm quản lý cũng như hệ thống các ngân hàng hay “vênh” nhau. CTCK sợ việc chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng này sang mất nhiều thời gian. “Việc quản lý trên tài khoản tổng về thực chất tạo điều kiện cho nhà đầu tư (NĐT) và CTCK thực hiện giao dịch nhanh hơn. Nhưng “tách bạch” sẽ tạo tâm lý yên tâm cho NĐT là CTCK không thể thực hiện việc chiếm dụng tài khoản kinh doanh.
Theo Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD), tách bạch tài khoản nhà đầu tư với CTCK là mấu chốt của vấn đề quản lý tài khoản nhà đầu tư. Năm 2010, cơ quan này đã hoàn thiện và vận hành hệ thống phần mềm cho phép đồng bộ dữ liệu về sở hữu chứng khoán của nhà đầu tư tại VSD với các CTCK. Tuy nhiên, việc kiểm soát đến tài khoản nhà đầu tư của VSD hiện vẫn gặp khó khăn vì còn phụ thuộc lớn vào sự hợp tác của các CTCK và những phần mềm tương thích.
Theo quy định của UBCK, từ 1- 4, các CTCK phải thực hiện báo cáo hằng tháng chỉ tiêu an toàn tài chính cho UBCK. Tuy nhiên, kiến nghị chung của giới đầu tư cho rằng UBCK cần công bố công khai các chỉ tiêu an toàn tài chính này của từng công ty (nếu có thể). Ông Phạm Hồng Sơn khẳng định: “Mọi việc vẫn trong tầm kiểm soát. UBCK đã yêu cầu khối CTCK tăng cường quản trị, đồng thời chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát”.
Trong cơ cấu cổ đông của HASC, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và 3 công ty con khác nắm giữ 17,17% cổ phần. Trước đó, ông Trương Duy Sơn là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 29,81% vốn điều lệ. Trong các cuộc họp của HĐQT trước đó, ông Sơn đã nhận trách nhiệm cá nhân đối với khoản thâm hụt, đồng thời đề nghị phương án giải quyết bằng tài sản như nhà cửa, đất đai và cổ phiếu của cá nhân và gia đình. HASC đang phối hợp với gia đình và các bên liên quan giải quyết hậu quả vụ việc. KH |