Vẫn cần có một kỳ thi quốc gia
Vừa qua, phương án thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT theo hướng nhẹ đi được dư luận đồng tình. Tuy nhiên, có băn khoăn là trong thực tế học sinh sẽ không học những môn không thi dẫn đến việc học lệch, học tủ.
Chính vì vậy cần phải có kỳ thi quốc gia để đánh giá khách quan trình độ của từng học sinh ở tất cả các môn học để các em nắm được kiến thức cơ bản, toàn diện, tránh tình trạng học lệch, đồng thời phát huy những môn yêu thích, sở trường. Kết quả kỳ thi quốc gia được sử dụng làm căn cứ quan trọng xét tuyển vào các trường đại học.
Dự kiến đổi mới thi năm 2015
Trong năm 2015, thi tốt nghiệp THPT sẽ được tiến hành nhẹ nhàng với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp vẫn cao như hiện nay. Đây được xem là kỳ thi tập dượt cho học sinh tham gia kỳ thi quốc gia chung ngay sau đó. Có thể giao cho các địa phương tổ chức kỳ thi. Muốn thể hiện tính “tập dượt” cho học sinh, các địa phương cần tuân thủ quan điểm thống nhất trên toàn quốc về số lượng môn thi, cấp độ của đề thi…Tuy nhiên, sẽ có một kỳ thi quốc gia chung nhằm đánh giá chính xác kiến thức, tư duy của thí sinh. Đây sẽ là căn cứ quan trọng để các trường tự chủ tuyển sinh.
Tất cả học sinh tốt nghiệp THPT có quyền tham gia thi. Học sinh nộp hồ sơ về Bộ GD&ĐT. Sau đó, trên cơ sở vùng miền, địa phương, Bộ sẽ phân học sinh về hội đồng thi của các trường đại học để tham gia kỳ thi quốc gia chung sao cho thuận tiện nhất.
Có kết quả thi rồi các trường mới công bố điểm và các tiêu chí khác phù hợp để tuyển sinh và thí sinh chỉ phải đăng ký nguyện vọng sau khi có kết quả thi.
Như vậy, với các điểm số và các tiêu chí tuyển chọn công khai của các ngành/trường, thí sinh sẽ lượng được sức mình đăng ký vào những ngành/trường phù hợp nhất chứ không phải “dự đoán” và dựa vào yếu tố may rủi khi nộp hồ sơ vào các trường/ngành như hiện nay.
Có thể áp dụng 2 kỳ thi (tốt nghiệp THPT và thi quốc gia chung) song song hoặc chỉ áp dụng năm đầu đổi mới (2015) rồi sau đó chỉ còn lại một kỳ thi quốc gia duy nhất.
Nếu chỉ còn một kỳ thi quốc gia duy nhất, đề thi sẽ có một số lượng câu hỏi mang tính chất cơ bản, không đánh đố để hầu hết học sinh đỗ tốt nghiệp THPT. Những câu hỏi nâng cao sau đó sẽ đánh giá năng lực thật sự của học sinh đạt điểm số xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Hướng tới một bài thi chung
Hướng tới đề thi (chỉ có một bài thi) và cách thức tổ chức tương tự như thi SAT ở Mỹ, thi tiếng Anh (TOEFL, IELTS…). Có nghĩa là tất cả các môn học ở cấp học THPT sẽ được đưa vào một bài thi chung với các phần thi là các môn học. Được biết, ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TPHCM đã có kế hoạch gộp các môn thi vào một bài thi như thi SAT ngay trong năm nay nếu được Bộ giao quyền tự chủ về tuyển sinh.
Một số năm trước mắt tổ chức thi chung, có thể thi 4 bài: Toán (và tư duy logic), Khoa học xã hội (Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân); Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh, Kỹ thuật) và Ngoại ngữ (ở các thành phố khuyến khích thi sinh thi tiếng Anh theo TOEFL, IELTS, tiếng Pháp TCF hoặc DELF… rồi quy đổi điểm sang hệ của Việt Nam).
Đề thi, thang điểm được thiết kế sao cho các trường, các ngành có thể lấy làm thước đo để xét tuyển. Các trường, ngành đặc thù có thể đưa ra các tiêu chí phụ khác hoặc tổ chức thi thêm để tuyển sinh.
Bắt đầu từ 2015, việc thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ có những thay đổi mang tính đột phá. Việc này sẽ được công bố chậm nhất là ngày 5/9/2014, thời điểm bắt đầu năm học mới để học sinh và phụ huynh có ít nhất 1 năm chuẩn bị. Những thay đổi này bao gồm hình thức thi và đề thi.