Tiền Phong từng có một chánh văn phòng như thế

TP - Chính cũng hàm nghĩa là chánh, nhưng có trường hợp thiên hạ không dùng, không gọi là chính mà chánh như chánh văn phòng. Chánh, ngữ nghĩa dường như có sức nặng hơn là chính văn phòng. Nghĩa là việc ấy, chức ấy, ngôi đó quan trọng. Chánh văn phòng cơ quan tôi, tòa báo Tiền Phong một thời là nhà báo Nguyễn Đình Thiềm lại kiêm luôn công tác tổ chức. Vị trí ấy phải là thế nào thì Ban Biên tập mới cắt cử hẳn một vị ủy viên biên tập (gọi là biên ủy) đóng ba vai hai ghế như ông Thiềm!

Lẩn mẩn nhớ trường hợp tôi được về làm ở báo mà mãi sau này mới biết loáng thoáng. Ông Nguyễn Đình Thiềm nhận lệnh của ông Tổng Biên tập Đinh Văn Nam vào Khoa Văn Đại học Tổng hợp để chọn người. Bộ phận tổ chức của trường hỏi lấy ai? Ông Thiềm nghĩ một lát rồi nói: Cho tôi những người khóa vừa rồi đạt điểm luận văn cao nhất.

“Khóa vừa rồi” là khóa 17. Nghe nói, ông Thiềm ngồi nghiên cứu luận văn của chúng tôi ngay tại trận, cũng chả biết là lâu hay mau.

Tiền Phong từng có một chánh văn phòng như thế ảnh 1 Bác Thiềm (thứ ba từ trái sang) đứng với anh em báo Tiền Phong tại trụ sở báo 15 Hồ Xuân Hương. Ảnh: Phạm Yên

Hồ Thu Hiền với tôi về báo cùng đợt là vậy! Lấy người học văn về làm báo. Mà chả quen biết gì? Bây chừ lắm lúc nghĩ vội rằng thời ấy nó thế chứ không như thời này? Bởi những ngồi mà nghe hoặc trực tiếp đi điều tra những vụ việc, vụ thì vặt vãnh, vụ thì cộm cán của cái sự chạy việc lấy người thì có cảm giác mình là kẻ may mắn?

Sau khi điều nghiên chán chê, ông Thiềm đánh bức điện tín theo địa chỉ lưu ở khoa Văn về quê tôi. Chiều ấy anh giao thông xã chạy bộ hổn hển chuyển cho tôi bức điện in trên tờ giấy xám xịt Đến ngay Báo Tiền Phong 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội nhận việc. Đó là thời điểm đầu tháng 7 năm 1977. Sau này tên tài khoản email của tôi là vietyentp77... Việt Yên là tên làng (tên nôm là làng Lon), “tp” là Tiền Phong viết tắt. Hai con số 77 là nhắc nhớ kỷ niệm nhận việc.

Ông Thiềm người Nghệ vùng Thanh Chương (Sau này thi thoảng  cùng chuyến công tác nhắc đến câu Nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn, ông Thiềm tủm tỉm khốn khó thì phải ăn chứ cao lương mỹ vị chi thứ nhút ấy? Mong đời các cậu thoát khỏi những thành ngữ nhọc nhằn đó).  Buổi mới gặp, ông nét mặt nghiêm lạnh. Ấy là khi ông thủng thẳng Cậu chưa viết báo bao giờ hử? Chưa viết thì bây giờ viết. Viết gì cũng được. Mai bằng giờ nộp cho tôi.

Hôm sau, ông Thiềm mặt vẫn lạnh nhưng thoáng có nét cười cậu viết văn sáng tác chứ báo chí gì… Lương thực hộ khẩu cắt rồi. Giờ về cũng dở!

Giờ về cũng dở. Cái buông thõng ấy ám ảnh tôi chả phải ngăn ngắn thời gian. Đành cố thôi. Cây viết cộm cán của Tiền Phong khi ấy là nhà báo Tất Vinh (tức Hồng Dương) ngó thấy tôi đánh vật với những con chữ cũng buông thõng như kiểu giọng ông Thiềm cậu ạ, cái nghề báo này ấy mà, nó chọn người chứ người chả chọn được nó đâu. Mãi sau này bạc tóc mới loáng thoáng lĩnh hội câu ấy được chút đỉnh!

Ông Thiềm trước là tay viết cứng của Ban Công nghiệp báo Tiền Phong. Từ khi bập vào sự vụ Chánh văn phòng ông đành buông hẳn bút. Báo vắng cây bút Nguyễn Đình Thiềm nhưng bù lại, lại thêm một ông chuyên lo nội chính nội trị và cả đời sống cho anh em trong những năm khốn khó ấy mẫn cán và nhanh nhạy như Chánh văn phòng Nguyễn Đình Thiềm.

Nhiều khi chiếc com măng ca (sau này là Uoat) do anh Võ Trường Kế lái Tiền Phong có anh Võ Trường/ Kế ta xe chạy trên đường băng băng (thơ vui của nhà báo Mai Cát tặng) ngồi cạnh có ông Thiềm mà ra khỏi cổng cơ quan thì anh em lại nhìn theo ánh mắt chứa chan niềm tin và hy vọng.

Ấy là ông Thiềm đang đi liên hệ mua lợn về cho cơ quan. Ông quan hệ rộng. Các nông trường và nhiều HTX thỉnh thoảng ông lại cày cục đi mua lợn, mua cá, mua rau về để gia đình cán bộ, phóng viên Tiền Phong có thêm tí chất tươi.

Thuộc loại trẻ khỏe nên tôi thi thoảng được ông Thiềm bảo nhỏ việc đi bắt lợn.

Tiền Phong từng có một chánh văn phòng như thế ảnh 2 Bác Thiềm (thứ ba từ trái sang) trong buổi liên hoan của cơ quan báo Tiền Phong. Ảnh: Phạm Yên

Hồi ấy, chả rõ xuất xứ từ đâu mà cánh phóng viên chúng tôi cho đến tận thời điểm ông Thiềm hưu đều tếu táo lẫn thân ái gọi là ông Sáu, anh Sáu? Hình như cũng có ý nịnh xa xa bởi thời ấy có ông Sáu Thọ (Lê Đức Thọ) - Trưởng Ban tổ chức Trung ương uy quyền. Ông Nguyễn Đình Thiềm của chúng tôi, Ủy viên Ban biên tập kiêm Chánh văn phòng kiêm luôn cả công tác tổ chức nhân sự cơ quan lại cũng chả oách à! Mà nhân sự là việc người. Trước thì không biết như thế nào, nhưng từ lứa các cây viết những Lê Minh Khuê, Chu Thúy Hoa rồi sau này là Dương Xuân Nam (tức nhà thơ Dương Kỳ Anh, sau này trở thành Tổng Biên tập của báo), Nguyễn Văn Minh (sau là Phó Tổng Biên tập), Nguyễn Ngọc Báu (sau là trưởng ban Chuyên đề), Hồ Thu Hiền đến cây bút thể thao khét tiếng Tường Vy… cũng một tay ông “Sáu” Thiềm mò tìm giới thiệu để Ban Biên tập lấy về bổ sung cho đội ngũ viết của Tiền Phong. Ông Thiềm tiếp nhận cái tên anh Sáu một cách vui vẻ sau khi nạt mắng chúng tôi một cách thân ái.

Đôi khi thường trực cái sự đăm đăm nhưng ông là người tình cảm. Anh Kế lái xe hoàn cảnh cũng éo le, cùng đi việc với ông nhiều lần tôi thấy anh Kế được ông khá ưu ái, động viên kín đáo. Nhớ anh Đoàn Minh Tuấn - PV Ban sinh hoạt Đoàn bị bệnh, đôi khi như trầm cảm nặng. Dậy lên tin đồn anh Tuấn sẽ bị thải hồi. Ông Thiềm chủ động bàn soạn bố trí việc khác cho anh Tuấn đến khi anh Tuấn hưu  vì hoàn cảnh anh khó khăn. Mãi sau này lũ chúng tôi mới bừng hiểu ra tại sao ông Tổng Biên tập Đinh Văn Nam lại “cưng” ông Thiềm suốt cả nhiệm kỳ dài của mình mặc dù tính cách ông Tổng Biên tập và Chánh văn phòng có khoảng cách này khác? Hóa ra cái sự chạy việc, được việc và quan trọng hơn, sự hiểu ý ăn ý ở một cơ quan báo (dẫu thời nào cũng thế?) nó quan trọng như thế nào!

Áp Tết Kỷ Hợi vừa rồi, tôi cùng lãnh đạo báo hiện giờ và mấy đồng nghiệp nữa vào Bệnh viện Hữu Nghị thăm, chúc Tết ông Thiềm. Đã nhiều tháng, căn bệnh tai biến quái ác ghìm ông Thiềm trên giường bệnh trong trạng thái vô minh. Ngó người thân ông tất tả bên người bệnh trọng có thể ra đi bất kể lúc nào, nhớ thêm đến bà vợ ông tuổi cũng sắp 90 đương phải nằm liệt một chỗ vì bạo bệnh, thoáng nghĩ ông bà dù sao cũng có chút may mắn con cái, 1 trai 3 gái nay đã phương trưởng cùng 7 cháu nội ngoại và 5 đứa chắt. Thôi thì bà không chăm ông được thì còn có con cháu đây…

Ra đường chạm mặt với khung cảnh Tết. Lại thoáng chạnh nhớ những năm áp Tết theo ông Thiềm đi bắt lợn… Những tất tả nhưng thương mến của một quá vãng bỗng thấy lăng lắc, vời vợi!

Đang ở quê làng Lon xứ Thanh những ngày hầm hập hè lửa. Không phải như sắp chẵn tròn “sự kiện” của 42 năm trước nhận được bức điện tín của ông Thiềm báo tin ra nhận việc ở báo Tiền Phong mà nhận hung tin của đồng nghiệp cơ quan nhắn, ông Nguyễn Đình Thiềm vừa về cõi…

Làng Lon đêm 10/6/2019 

MỚI - NÓNG