Lại một lão thành Tiền Phong vừa ra đi

Nhà báo Đinh Văn Duy, (Ảnh: Gia đình cung cấp)
Nhà báo Đinh Văn Duy, (Ảnh: Gia đình cung cấp)
TP - Bậc lão thành ấy là nguyên Ủy viên Ban Biên tập Đinh Văn Duy. Lý lịch ghi sinh năm 1929. Nhưng tuổi thực như cô con gái Đinh Kim Hoa, một thời gian làm ở báo Tiền Phong cho hay, cụ sinh năm 1926.

Khi tôi về nhập tịch khu tập thể của Báo ở gác 2 nhà 128 Hàng Trống thì gia đình anh Văn Duy đã ở tầng một nhiều năm. Bên cạnh là xôm tụ, đông chật gia đình của PV báo những bác Tôn Đức Lượng, nhà báo Văn Quý - Lê Thị Túy, anh Cao Năm,  anh Đỗ Văn Thoan (từng là thủ trưởng trực tiếp của nhà văn Bùi Ngọc Tấn), nhạc sĩ Phong Nhã…   Ngày thường lôm lam, nhưng lúc nào gặp cũng thấy anh nghiêm cẩn trong bộ pijama màu sáng kẻ sọc. Ở cơ quan báo thì luôn đĩnh đạc cẩn trọng với chức danh Ủy viên Ban Biên tập. Chức danh khi ấy khá đáng nể bởi thành viên của “biên ủy” thường gánh nhiều trọng trách của tờ báo. Nên có dạo tôi thấy anh khi giữ chân phụ trách bộ phận Thư ký tòa soạn khi chỉ đạo trực tiếp các ban Công nông nghiệp, Sinh hoạt Đoàn mà bây giờ gọi là Ban Thanh niên.

Ấn tượng một lần sinh hoạt chi đoàn có biên ủy Đinh Văn Duy dự. Ngồi trước chúng tôi, lứa phóng viên mới Tiền Phong dường như chả phải một cán bộ biên ủy nghiêm lạnh, khô khan cao đạo đang huấn thị mà là một người anh đi trước đang có dịp bộc bạch những sẻ chia. Từng bị mật thám bắt giam mấy ngày vì tham gia phong trào  bãi khóa thời gian học Thành chung ở quê nhà. Sau đó anh cán bộ Đoàn trẻ trung Đinh Văn Duy miệt mài tích cực với công tác Đoàn của huyện Đức Thọ, rồi tham gia lực lượng TNXP của Đoàn Thanh niên Cứu quốc. Ngạc nhiên khi thấy đồng chí biên ủy cười cười đưa tay lên một bên tai chỉ còn một nửa kể lại trận phá bom của trung đội TNXP tại đèo Pha Đin khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ (trước đó anh đã tham gia các chiến dịch Biên giới ở Đông Khê, Thất Khê). Trận đó, phá được bom nổ chậm ở chân đèo Pha Đin nhưng TNXP Đinh Văn Duy và mấy đội viên bị sức ép bom thổi bay xuống chân đồi mặt mũi nhòe nhoẹt máu, phải nằm điều trị tại bệnh viện dã chiến số 5 Yên Bái một thời gian dài sau hưởng với chế độ thương tật hạng 7/8  (bây giờ là hạng 4/4). 

Buổi đó không chỉ có chuyện trận mạc. Chúng tôi thích thú nghe đồng chí biên ủy chia sẻ kinh nghiệm học ngoại ngữ của mình. Ngả thông thạo ngoại ngữ đã dẫn lối cho anh TNXP Đinh Văn Duy vào nghề báo và nhập tịch với ngôi nhà Tiền Phong. Có lẽ có phương pháp và chăm chỉ nên nhà báo Đinh Văn Duy có bằng đại học tiếng Pháp, tiếng Anh. Còn tiếng Nga thì nhanh chóng làm quen và sử dụng thành thạo. Thời gian năm 1961- 1962 tu nghiệp ở Khoa chính trị học Mác Lê và công tác báo chí của Trường Đoàn TNCS Lê Nin Liên Xô. Thông thạo 3 ngoại ngữ, nhà báo kiêm biên ủy Đinh Văn Duy nhiều năm phụ trách công việc ở Ban Quốc tế báo Tiền Phong và còn dành thời gian dịch rất nhiều bài vở. Báo Tiền Phong được mời dự các hội nghị hội thảo quốc tế không có tiêu chuẩn phiên dịch nên Đinh Văn Duy được cử đi nhiều! Như con dao pha, có thời gian anh được cử phụ trách mảng văn xã, quốc tế lẫn phong trào (sau này là Ban Công nông nghiệp). Không những anh khuyến khích mà còn quyết liệt tạo cơ chế để nhiều phóng viên trẻ được đào tạo bài bản ngoại ngữ.

Dạo đang rộ lên Những việc cần làm ngay, biên ủy Đinh Văn Duy ngồi ở phòng Thư ký Tòa soạn. Đó là thời gian tôi hơi ớn. Vốn bản tính cẩn thận, chu tất những phóng sự điều tra được anh săm soi tận cùng. Là chúng tôi bằng mọi cách phải lo, phải biện đủ tài liệu chứng cứ cụ thể để minh chứng! Vất vả nhưng nhờ đó mọi việc ổn thỏa vì không bị kiện cáo gì. 

Tại khu tập thể báo ở Hàng Trống, những năm tháng khốn khó thời bao cấp có lẽ các thành viên trong khu tập thể phải gìn gắng lắm để giữ được những cự ly vừa phải của những ấm áp thân gần. Bao chuyện sinh hoạt oái ăm cứ như cổ tích thời bao cấp nhưng cái tập thể phức tạp lẫn hỗn tạp ấy đã may mắn không xảy ra sự gì quá đáng. Nhớ thêm người vợ đảm đang mau mắn làm công tác công đoàn ở một xí nghiệp may của ông biên ủy. Dẫu khó khăn thế nào, bà cũng xoay xở  lo được cho ông hai bình tích nước chè xanh mỗi ngày. Bà cười, cụ thân sinh ông Duy ở quê tuổi tám mươi vẫn còn đi cày nhờ mỗi sáng tinh mơ không ăn gì nhưng phải có ấm chè chát vò hãm thật đặc. Căn hộ chật ngay chân cầu thang lối lên của ông bà không mấy lúc vắng âm thanh Đức Thọ thuần! Ấy là khách ở quê ra vẫn thường xuyên.  Bà mất năm 2011. Phóng viên ảnh Phạm Yên  hay ngỏ cảm giác rằng hơi bị lạ khi chứng kiến một việc ông biên ủy Đinh Văn Duy thời gian đầu năm 80 vào công tác tại cơ quan thường trú miền Nam. Ấy là chi tiết ông không mang theo tem phiếu mà công phu rinh hẳn từ Hà Nội vào tiêu chuẩn lương thực gạo mậu dịch. Có lẽ bà thương ông, nghe nói trong đó phải ăn bo bo nên ép ông mang đi kỳ được. Nhưng vô đó ông đành nộp tiêu chuẩn gạo vào bếp ăn tập thể. Anh em ăn gì mình ăn nấy.
Thời gian nghỉ hưu, thoáng thấy anh vẫn bấn bíu với việc viết. Thì ra anh tham gia biên tập sách cho các nhà xuất bản ở TPHCM, NXB Thanh Niên, NXB Đà Nẵng. 

… Vẫn chuyện của cô con gái Đinh Kim Hoa, thấy bố sức khỏe ổn định, 28 Tết vừa rồi, mấy anh em đưa ông về quê Đức Thọ. Ông vui lắm vì lâu lắm mới lại có cái Tết giữa quê nhà với người thân. Ông xúc động nắm mãi bàn tay người chị ruột sắp chẵn trăm tuổi mà ơn giời hai chị em sức khỏe còn tàm tạm. Ông định Mồng 5 Tết mới trở ra Hà Nội nhưng ông phàn nàn thời tiết ở quê hơi nóng nên Mồng Hai đã đi. Mồng 3, bất thần ông giở bệnh phải cấp cứu ở bệnh viện. Và đêm mồng 7 Tết, người cán bộ Tiền Khởi nghĩa, nhà báo Đinh Văn Duy vừa tròn 70 tuổi Đảng ấy đã lặng lẽ ra đi.

Đêm mồng 8 Tháng Giêng Kỷ Hợi

TIN BUỒN

BÁO TIỀN PHONG VÀ GIA ĐÌNH VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC BÁO TIN

Cụ: Đinh Văn Duy

Sinh năm 1926.   Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.

Nguyên quán: Xã Đức Thủy, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Thường trú tại 128 Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.

Nguyên Ủy viên Ban Biên tập phụ trách Thư ký Tòa soạn, nguyên Trưởng ban Quốc tế, báo Tiền Phong.

Là bố đẻ đồng chí Đinh Kim Hoa, nguyên cán bộ phòng Mỹ thuật - Xuất bản báo Tiền Phong.

Từ trần vào hồi 23 giờ 34 phút ngày 11 tháng 02 năm 2019 (tức 07 tháng giêng năm Kỷ Hợi). 

Hưởng thọ: 94 tuổi.

Lễ viếng được tổ chức lúc 11 giờ 30 phút, thứ hai, ngày 18 tháng 02 năm 2019. Tại Nhà tang lễ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội. Lễ truy điệu và đưa tang lúc 13 giờ 05 phút cùng ngày 18 tháng 02 năm 2019.

Hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ, Văn Điển, TP Hà Nội. An táng vào hồi 15 giờ 10 phút ngày 21/02/2019 tại nghĩa trang quê nhà làng Tùng, xã Đức Thủy, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

BÁO TIỀN PHONG VÀ GIA ĐÌNH KÍNH BÁO

MỚI - NÓNG