Tiền lương ở Việt Nam thua kém nhiều nước trong khu vực

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TP - Báo cáo Tiền lương Toàn cầu mới nhất của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố ngày 5/12 cho thấy, tăng trưởng lương ở Việt Nam có diễn tiến tích cực. Theo báo cáo, tiền lương ở Việt Nam vẫn thua kém nhiều quốc gia láng giềng. 

Cụ thể, lương trung bình hằng tháng năm 2012 của Việt Nam ở mức 3,8 triệu đồng (khoảng 181 USD), chỉ cao hơn Lào (119 USD), Campuchia (121 USD) và Indonesia (174 USD). Song tiền lương của Việt Nam chỉ bằng khoảng một nửa so với Thái Lan (357 USD), chưa bằng 1/3 của Malaysia (609 USD) và chỉ bằng khoảng 1/12 Singapore (3.547 USD).

“Khoảng cách chênh lệch lớn về tiền lương giữa các quốc gia ASEAN phản ánh sự khác biệt lớn trên nhiều phương diện, trong đó có năng suất lao động”, ông Gyorgy Sziraczki, Giám đốc ILO tại Việt Nam phát biểu.

Theo Điều tra Lao động Việc làm 2013, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm là ngành có mức lương cao nhất, với mức trung bình hằng tháng 7,23 triệu đồng. Tiếp đến là các ngành liên quan đến hoạt động chuyên môn, khoa học, công nghệ với 6,53 triệu đồng. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản có mức lương 6,4 triệu đồng mỗi tháng. 

Những người làm công việc giúp đỡ trong các hộ gia đình có mức thấp nhất, khoảng 2,35 triệu đồng/tháng, nhưng đã tiệm cận nhóm ngành nông, lâm, thủy sản với mức lương trung bình 2,63 triệu đồng mỗi tháng.

Báo cáo còn chỉ ra rằng, tỷ lệ chênh lệch lương theo giới ở Việt Nam chỉ gần 10%, khá thấp so với thế giới. Tuy nhiên, khoảng cách này lại rất lớn trong nhóm ngành lương thấp (nông, lâm, thủy sản) khi phụ nữ hưởng lương ít hơn nam giới 32%. 

Ngay như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang nở rộ tại Việt Nam thu hút nhiều lao động nữ so với nam, nhưng phái yếu vẫn chỉ hưởng mức lương hằng tháng thấp hơn nam giới 17%. Ngược lại, trong hai ngành có mức lương cao nhất kể trên, thì lao động nữ lại được trả lương cao hơn nam giới một chút (tương ứng 3,4% và 1,4%).

MỚI - NÓNG