Tiền lương: Bất bình đẳng, không đủ sống

Tiền lương: Bất bình đẳng, không đủ sống
TPO –Hôm nay, 17-5, Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc Hội tổ chức hội thảo tiền lương. Nhiều ý kiến cho rằng, chế độ tiền lương hiện chưa đảm bảo cuộc sống người lao động, còn tồn tại bất bình đẳng.

Không đủ sống

Báo cáo tại hội thảo, ông Hoàng Minh Hào – Phó Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, từ năm 2008 đến nay, Chính phủ đã năm lần điều chỉnh mức lương tối thiểu chung, tăng từ 450 ngàn đồng/tháng lên 1.050 ngàn đồng/tháng.

Mức lương tối thiểu vùng được chia thành bốn vùng, đến ngày 1-10-2011 thực hiện thống nhất đối với các doanh nghiệp.

Báo cáo cũng nêu rõ, người lao động hưởng lương theo đơn giá, do doanh nghiệp quyết định gắn với năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh và do doanh nghiệp chi trả theo quy chế của doanh nghiệp.

Viên chức quản lý hưởng quỹ lương riêng theo năm, hàng tháng tạm ứng bằng 70%, thanh toán vào cuối năm theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ, gắn với điều kiện nhà nước quy định và do chủ sở hữu phê duyệt.

Đối với doanh nghiệp tư nhân và FDI, được quyền căn cứ mức tiền lương trên thị trường lao động để xác định mức lương theo từng vị trí, chức danh công việc làm cơ sở để thương lượng, thỏa thuận với người lao động. Trên cơ sở đó, trả lương theo hợp đồng, thỏa ước lao động tập thể gắn với năng suất và kết quả lao động.

Ông Hoàng Minh Hào
Ông Hoàng Minh Hào - Phó vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội

Đại biểu Cù Thị Hậu nêu vấn đề, việc tiền lương tối thiểu đối với khu vực doanh nghiệp thấp nhất 1,4 triệu đồng, cao nhất hai triệu đồng, thì trong công tác quản lý nhà nước, việc thực hiện thang, bảng như thế nào?

“Nếu không xây dựng thì các doanh nghiệp vẫn căn cứ vào quy định của nhà nước để xây dựng đơn giá tiền lương trên một sản phẩm. Người lao động làm việc thật lực thì tiền lương cũng chỉ cao hơn so với quy định của nhà nước một chút. Người lao động bị thiệt thòi rất nhiều”.

Theo báo cáo của Vụ Lao động - Tiền lương – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, các mức lương tối thiểu hiện nay vẫn còn thấp, chưa bảo đảm nhu cầu tối thiểu của người lao động.

Trong quá trình thực hiện, do năng lực thỏa thuận của người lao động và công đoàn cơ sở còn hạn chế, sức ép việc làm lớn, nhiều doanh nghiệp vẫn bám vào mức lương tối thiểu để trả lương hoặc dùng mức lương tối thiểu để trả cho lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Trong khi đó, đại biểu Đặng Ngọc Tùng đặt câu hỏi, liệu lương tối thiểu trong khu vực doanh nghiệp mà Chính phủ quy định hiện tại có bảo đảm được mức sống tối thiểu theo quy định của điều 56 bộ luật lao động hay không?

“Có một vấn đề đặt ra với các nhà làm lương và làm luật. Hỏi có bao nhiêu mức sống tối thiểu? Người lao động có mức sống tối thiểu riêng, cán bộ có mức sống tối thiểu riêng là như thế nào? Dùng lương tối thiểu trong cán bộ công chức thì nó có đúng thực chất không và nếu không đúng thực chất thì chúng ta còn dùng từ lương tối thiểu không?” – Ông Tùng đặt câu hỏi.

Về vấn đề trả lương trong các doanh nghiệp FDI, ông Tùng cho rằng, nhiều doanh nghiệp FDI trả lương cho người lao động theo quy nhà nước là hai triệu đồng.

“Tôi thấy rằng, với số tiền đó, công nhân không sống nổi, tuy nhiên, doanh nghiệp người ta bảo rằng, nên quay trở về thực tế, bởi số tiền họ trả còn cao hơn nhà nước trả cho cán bộ rất nhiều”.

"Nếu trả lương như thế thì không ai người ta làm, nên mới sinh ra các loại phụ cấp như tiền nhà, tiền ăn, tiền đi lại … Thực chất, đó là tiền lương. Mà sao chúng ta không cho nó là tiền lương, để đóng bảo hiểm xã hội mà lại chuyển sang tiền phụ cấp để cho người lao động, sau khi về nghỉ hưu được nhận lương hưu thấp như thế” – Ông Tùng thắc mắc.

Trong khi đó, ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó chủ nhiệm các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, thực tế, nhiều doanh nghiệp nhà nước lỗ triền miên mà vẫn nhận lương cao, nhất là lương của quản lý và đây là bất cập trong công tác quản lý nhà nước.

Tiền công hay tiền lương?

Ông Nguyễn Duy Thăng – Thứ trưởng Bộ Nội Vụ cho rằng, theo quy định, doanh nghiệp có thể định lương tối thiểu theo giờ, ngày, tuần, tháng còn đối với cán bộ công chức thì thường theo tháng, các nước khác thì thường theo năm. Vậy có nên thay đổi cái tên của khu vực doanh nghiệp là tiền công được không? Nếu thế thì có thể quy định tiền lương, tiền công tối thiểu giờ. Hầu hết các nước như vậy. Đối với cán bộ công chức thì gọi là tiền lương.

“Quan hệ giữa chúng như nào, vậy có nên thay đổi như vậy không?” – Ông Thăng đặt câu hỏi.

Phản hồi các ý kiến của các đại biểu, ông Hoàng Minh Hào cho rằng, trong một hội thảo gần đây, chính ông đã kiến nghị đổi chương nói về tiền lương thành “tiền công”.

“Quan điểm của cá nhân tôi dùng từ tiền công là đúng hơn vì đó là sự trả công lao động trong quan hệ giữa chủ và thợ. Nên dùng trả công sẽ hợp lý hơn”.

Ông Hào cũng cho rằng, các chuyên gia quốc tế, đặc biệt là chuyên gia ILO - Tổ chức lao động quốc tế - cũng cho biết, từ tiền công được sử dụng trong sản xuất kinh doanh, còn tiền lương là áp dụng cho khu vực hành chính sự nghiệp, hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Ông Sang Heon Lee – Chuyên gia ILO tại Geneva
Ông Sang Heon Lee – Chuyên gia ILO tại Geneva.

Bất bình đẳng

Tham gia hội thảo, ông Sang Heon Lee – Chuyên gia ILO tại Geneva (Thụy Sĩ) cho biết, hiện, ở Việt Nam và nhiều nước đang xảy ra tình trạng bất bình đẳng tiền lương giữa các nhóm, các thành phần lao động, đồng thời có nhiều báo cáo cho biết, Việt Nam đang quá phụ thuộc vào mức lương tối thiểu.

“Khi tiền lương cơ bản tăng lên sẽ chỉ ảnh hưởng đến những người lao động hưởng lương thấp hơn lương cơ bản. Nguyên tắc là không nên gây ảnh hưởng đến họ. Muốn tăng lương thì họ phải thương lượng với chủ lao động. Đó là một nguyên nhân dẫn đến việc bất bình đẳng trong tiền lương”.

Ông Lee đánh giá cao ý kiến phân biệt tiền công và tiền lương của đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Ông Lee cho biết, nên chuyển thuật ngữ lương tối thiểu thành mức tiền lương cơ bản, đồng thời, phân chia rõ ràng giữa khu vực tiền lương tối thiểu và khu vực thương lượng tập thể.

Khu vực tiền lương tối thiểu chiếm khoảng 20%, trong khi 80% còn lại sẽ hưởng lương theo cách thương lượng tập thể.

Ông Lee và nhiều đại biểu đều lo ngại, việc có tới ba cách tính mức sống tối thiểu khiến việc hoạch định chính sách và mức lương tối thiểu gặp nhiều khó khăn.

Ông Đặng Như Lợi – Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội cho biết, nếu chủ yếu giữ nguyên bảng lương, hệ số mức lương, chế độ tiền lương hiện hành, sau đó chỉ điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu mở rộng quan hệ tiền lương và một số sửa đổi, bổ sung nhỏ lẻ khác, thì không thể coi là đề án cải cách cơ bản chế độ tiền lương.

Cái chính cần tập trung vào tìm hiểu được gốc rễ những bất cập về tiền lương hiện nay cũng như đề ra các biện pháp thiết thực để thay đổi các chế độ về tiền lương.

Trao đổi tại hội thảo, bà Bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội - khẳng định, chính sách lương hiện nay đang bất cập trong toàn xã hội và cần có lộ trình để thực hiện các bước cải cách.

Bà Mai cho biết, hội nghị trung ương vừa rồi đã cho chủ trương sẽ tiếp tục điều chỉnh lương tối thiểu, ưu tiên điều chỉnh trước đối với khu vực doanh nghiệp.

“Mục tiêu là năm 2015 sống được bằng lương” - bà Mai cho biết – “Đồng thời, sẽ tinh giảm biên chế các đơn vị sự nghiệp công để cải cách chế độ tiền lương cho công chức, viên chức”.

Theo Viết
MỚI - NÓNG