Tiền hỗ trợ thất nghiệp đi đâu: Truy thu nhiều trường hợp chi sai

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Ninh
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Ninh
TP - Sau khi báo Tiền Phong phản ánh tình trạng trục lợi bảo hiểm thất nghiệp tại Bắc Giang và Bắc Ninh (bài “Tiền hỗ trợ thất nghiệp đi đâu?”, ngày 11/10), nhiều trường hợp chi không đúng đã bị truy thu đồng thời phát hiện các trường hợp chữ ký xác nhận tham dự lớp học của công nhân có dấu hiệu giả mạo.

Tại Bắc Ninh, bà Lê Thị Hồng Hạnh, PGĐ Trung tâm đào tạo lái xe Bắc Hà (đơn vị tham gia đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp tại Bắc Ninh) cho hay: Sau khi Tiền Phong phản ánh, cơ quan chức năng thanh tra và phát hiện trung tâm có 2 trường hợp có chữ ký các tháng không giống nhau của cùng một học viên. “Trong 2 người trên thì có trường hợp do nhân viên trung tâm đào tạo ký. Đoàn thanh tra đã yêu cầu truy thu lại tiền hỗ trợ, nếu bảo hiểm đã chi trả cho trung tâm”, bà Hạnh thừa nhận.

Ông Nguyễn Hữu Bằng, Phó phòng Chế độ bảo hiểm xã hội (thuộc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Bắc Ninh) cũng cho biết đã tiến hành kiểm tra danh sách chi trả tiền hỗ trợ học nghề cho lao động thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Ninh phát hiện nhiều chữ ký không giống nhau của cùng một người. Trước thực trạng đáng báo động trên, BHXH Bắc Ninh phải gửi văn bản và trả lại danh sách đề nghị duyệt chi trả hỗ trợ học nghề của các cơ sở đào tạo đã đầy đủ chữ ký của học viên trong nhiều tháng trước đó để tự kiểm tra và rà soát lại.

BHXH Bắc Ninh cho hay, trong tháng 3/2018, đoàn kiểm tra phát hiện 6 trường hợp có chữ ký khác nhau của cùng một học viên. Tại kết luận kiểm tra số 809 (ngày 31/7), GĐ BHXH Bắc Ninh yêu cầu Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Ninh nộp lại tiền đã chi cho 1 trường hợp, không duyệt chi cho 5 trường hợp còn lại.

“Ký nhầm” vẫn được thanh toán

Tại Bắc Giang, báo Tiền Phong nêu hai trường hợp người lao động không học nhưng vẫn được đưa vào danh sách chi tiền hỗ trợ. Trong văn bản gửi Tiền Phong, Phó GĐ Sở Lao động Thương binh Xã hội Bắc Giang Nguyễn Thế Dũng cho biết, trường hợp chị Nguyễn Thị Mười đã có quyết định hủy hỗ trợ và BHXH tỉnh chưa chi hỗ trợ. Còn trường hợp anh Nguyễn Văn Mạnh (người cho biết không đi học buổi nào), BHXH Bắc Giang đã chi hỗ trợ 6 tháng với 6 triệu đồng. Trường hợp này đang tiếp tục làm rõ.

Tiền hỗ trợ thất nghiệp đi đâu: Truy thu nhiều trường hợp chi sai ảnh 1 Chữ ký không giống nhau giữa các tháng của học viên Nguyễn Văn Mạnh

Kiểm tra hồ sơ cho thấy, nhật ký học của anh Mạnh có nhiều mẫu chữ ký khác nhau. Ông Cao Việt Đức, GĐ Cty Cổ phần đầu tư dạy nghề Thành Công cho hay: “Mấy hôm trước, có một đồng chí bên BHXH tỉnh có gọi cho tôi hỏi kiểm tra học viên sai chữ ký. Kiểm tra lại thì có một số trường hợp nhân viên ký nhầm vào ô của anh Mạnh”.

Ngoài ra, Cty Cổ phần đầu tư dạy nghề Thành Công có văn bản thông báo anh Mạnh ngừng học từ 30/6/2017. Tuy nhiên, cũng chính Cty này đề nghị BHXH Bắc Giang thanh toán cho trường hợp của anh Mạnh với chữ ký của anh Mạnh khác hẳn với các tháng trước.

Ngoài trường hợp của anh Mạnh, trong danh sách mà Tiền Phong có được, bằng mắt thường cũng dễ dàng nhận thấy một số trường hợp khác cũng có chữ ký giữa các tháng không trùng khớp. Sở LĐTB&XH cho biết, sau khi Tiền Phong phản ánh, Thanh tra Bộ LĐTB&XH quyết định thanh tra nội dung này.

Từ trường hợp của anh Mạnh cho thấy chất lượng cơ sở đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp có vấn đề. Trong quyết định học nghề, nhiều lao động được quyết định cho học nghề sửa chữa ô tô hay lái xe nâng tại Cty Cổ phần đầu tư dạy nghề Thành Công nhưng khi học thì chủ yếu đào tạo bằng lái xe tô tô. Tuy nhiên, Cty này lại không có sân tập lái, phải gửi học viên tập ở cơ sở khác. Khi sự việc có dấu hiệu trục lợi bảo hiểm thất nghiệp được Tiền Phong phản ánh, ông Cao Việt Đức, GĐ Cty này cho hay, Cty đã giải tán và ông này không nhớ ai là Chủ tịch Hội đồng quản trị và không nhớ ai giữ danh sách học viên.

Ông Nguyễn Văn Huế, GĐ Trung tâm dịch vụ việc làm Bắc Giang cho biết, trung tâm chỉ dựa vào hồ sơ trên giấy để liên kết các cơ sở đào tạo, chưa một lần đi kiểm tra thực tế. “Việc cơ sở đào tạo có cơ sở vật ra sao thì trung tâm không có quyền thẩm định, thấy họ đủ điều kiện trên hồ sơ thì phối hợp, hợp tác”, ông Huế nói.

Theo quy định, các cơ sở đào tạo gửi danh sách có chữ ký tên của học viên được hưởng trợ cấp thất nghiệp đề nghị chi trả học nghề (theo mẫu 87a của Bộ Tài chính), thì BHXH mới chi trả. Tuy nhiên, ông Lưu Đức Hoàng, PGĐ BHXH Bắc Giang thừa nhận rất khó có thể phát hiện được chữ ký thật, chữ ký giả.

MỚI - NÓNG
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
TPO - Đơn vị vận hành tuyến metro số 1 dự kiến từ ngày 1/1/2025 đến ngày 9/1/2025 sẽ hoàn thành tính năng đọc thẻ căn cước, căn cước công dân (CCCD) gắn chíp. Người dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip quét thẻ tại thiết bị đầu đọc ở các cổng soát vé để đi tàu điện metro số 1 trong giai đoạn miễn phí.