TPO - NSND Bùi Đắc Sừ qua đời ngày 18/4 ở tuổi 73. Đám tang ông diễn ra nhanh gọn ngày 19/4 trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn phức tạp.
NSND Bùi Đắc Sừ mất lúc 3h ngày 18/4, hưởng thọ 73 tuổi. Lễ viếng diễn ra sáng 19/4 tại Nhà tang lễ Cầu Giấy. Lễ truy điệu và hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn vũ cùng ngày. Vài năm gần đây, ông phải chống chọi với căn bệnh ung thư. Ông là bố của đạo diễn trẻ Bùi Tiến Huy (Cả một đời ân oán, Tình yêu và tham vọng). NSND Bùi Đắc Sừ là một trong những người có đóng góp của làng chèo, luôn đau đáu với sự nghiệp gìn giữ và phát huy nghệ thuật dân tộc. Tính tới nay, ông đạo diễn khoảng 200 vở cho các nhà hát, đoàn kịch, trong đó có 15 vở đoạt Huy chươngVàng, 20 vở đoạt Huy chương Bạc tại các cuộc liên hoan sân khấu chuyên nghiệp. Ông sinh năm 1948 tại Bắc Giang trong gia đình nông dân, sau này giữ tới chức Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam. Người bạn đời của ông là nghệ sĩ chèo Hoàng Tân từng ghi dấu ấn trong một số vở diễn “Tình ca giữ nước”, “Xúy Vân giả dại”, “Tấm Cám”, “Quân âm Thị Kính”, sau này chấp nhận lui về phía sau chăm sóc chồng con. Được tuyển về làm diễn viên nhà hát, nhưng sau này ông theo học lớp đạo diễn đầu tiên của trường Sân khấu Điện ảnh do NSND Đình Quang làm chủ nhiệm. Năm 1983 sau khi tốt nghiệp ông về lại Nhà hát Chèo Việt Nam. Vở chèo đầu tay là “Hoàng tử có đôi tai bò”, khi ấy đã thu hút được đông đảo khán giả và diễn được nhiều năm.
NSND Thúy Mùi, NSND Hoàng Dũng thay mặt Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đến viếng NSND Bùi Đắc Sừ
Ông từng dựng vở diễn về Bác Hồ trong “Những vần thơ thép”, vở “Mệnh lệnh thần kỳ” về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Các vở do ông đạo diễn như “Hồ Xuân Hương”, “Những vần thơ thép”, “Duyên nợ ba sinh”, “Kính chiếu yêu” mang lại cho ông danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân. Ông nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2012. “Trưởng thành trong môi trường chèo, say chèo, yêu chèo, NSND Bùi Đắc Sừ trong nhiều vở chèo được đánh giá là thành công, bởi khi dàn dựng ông thực sự coi trọng những cấu trúc đặc thù của nghệ thuật Chèo: tích gắn liền với trò, chú ý đến tính thống nhất của vở diễn, sự hài hòa đến nhuần nhuyễn của các yếu tố cấu thành... Bằng những vở diễn với nhiều đề tài khác nhau từ cổ tích, dân gian, lịch sử dã sử, hay về con người hôm nay... ông góp phần khẳng định nghệ thuật chèo hiện đại hoàn toàn có khả năng tồn tại và phát huy truyền thống tốt đẹp của mình trong thời đại mới”, trích điếu văn đọc tại lễ tang NSND Bùi Đắc Sừ.