Thiếu vắng bảo tàng Hoàng cung

Cần thêm thời gian, nguồn lực để phục dựng không gian điện Kính Thiên Ảnh: MẠNH THẮNG
Cần thêm thời gian, nguồn lực để phục dựng không gian điện Kính Thiên Ảnh: MẠNH THẮNG
TP - Kết quả khai quật Hoàng thành Thăng Long vừa rồi được các nhà khoa học đầu ngành đánh giá cao, cả về di tích lẫn di vật; nhưng còn khoảng trống khá lớn liên quan tới phát huy giá trị khu di sản thế giới Hoàng thành, trong đó có ý tưởng về bảo tàng Hoàng cung.

Giá trị còn bỏ ngỏ

Khoảng 52 nghìn khách tới Hoàng thành Thăng Long năm qua là con số chưa tương xứng với quy mô, giá trị di sản của Thủ đô. Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám vẫn là một trong số điểm đón hàng đầu của Hà Nội, nhìn sang Hoàng thành nhiều người làm du lịch thấy tiếc. Hơn một lần các chuyên gia như PGS.TS. Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa thừa nhận, du khách và ngay cả con cháu chúng ta chưa nhìn thấy sự hấp dẫn khi đến Hoàng thành. Lí do đơn giản là vì bóng dáng lầu son gác tía, cung điện nguy nga mô tả trong sử sách chưa thể nhìn bằng mắt.

Sự kiện khảo cổ học gây chấn động năm 2002 chính là thời điểm các nhà khoa học phát hiện hàng loạt di tích, di vật có niên đại chồng xếp lên nhau, chứng minh chiều dài lịch sử hơn 1.300 năm liên tục không gián đoạn từ thời Đại La, qua Đinh-Lý-Trần-Lê-Nguyễn cho tới ngày nay. Kể từ lần mở cửa cho du khách lần đầu tiên vào năm 2004, hay mốc 2010 Hoàng thành được UNESCO ghi danh khu di sản văn hóa thế giới, diện mạo của di sản vẫn còn mơ hồ. Giá trị của di sản phần nhiều nằm ở những di vật dưới các địa tầng văn hóa.

Ngoài những di tích còn lại chủ yếu mang dấu tích thời sau như Đoan Môn, Cột Cờ, Hậu lâu, một số di tích thời Pháp... khi nhắc tới Hoàng thành ai nấy đều thắc mắc về kiến trúc và di vật cung đình. Những cung Càn Nguyên, điện Thiên An, điện Cần Chánh, điện Kính Thiên tồn tại trong những dòng mô tả của nhiều cuốn sử, sách nghiên cứu của các nhà lịch sử, khảo cổ. Chính vì thế Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội từ năm 2015 được giao thực hiện dự án nghiên cứu khôi phục không gian điện Kính Thiên-công trình trung tâm của Hoàng cung thời Lê-xây dựng trên núi Nùng vốn là nền móng cũ của cung Càn Nguyên-Thiên An thời Lý-Trần.

Mấy năm nay công cuộc khai quật thăm dò khu vực điện Kính Thiên mang lại sự hiểu biết, thêm chứng tích để có căn cứ khôi phục Chính điện, tuy thế những dữ liệu này chưa được sắp xếp lại thành hệ thống, chưa có sự kết nối. TS. Phạm Quốc Quân, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia nhận định, kết quả khai quật và thăm dò khu vực điện Kính Thiên mấy năm qua chưa đủ toát lên diện mạo của nó. “Đây là công việc trường kỳ, tỉ mỉ do đó khai quật và thăm dò điện Kính Thiên và khu vực xung quanh vẫn là ưu tiên hàng đầu, cần tập trung để có kết quả phục vụ đề án nghiên cứu khôi phục không gian điện Kính Thiên”, TS. Quân nêu.

Cần bảo tàng hoàng cung

Hàng nghìn di vật thu thập được trong các đợt khai quật khảo cổ Hoàng thành Thăng Long hàng chục năm qua, thực tế chưa thể phát huy hết giá trị. Trưng bày ở di tích tại khu thành cổ số 9 Hoàng Diệu, một phần di vật trưng bày dưới tầng hầm nhà quốc hội từ cuộc khảo cổ 18 Hoàng Diệu mới chỉ giới thiệu phần nhỏ kho báu của Hoàng thành. Chính vì thế, khu di sản Hoàng thành cần bảo tàng Hoàng cung xứng tầm.

“Hiện vật gỗ tương đối nhiều và quý, rất nhạy cảm nên cần có kế hoạch bảo quản tức thì”, TS. Phạm Quốc Quân phân tích. Các nhà khoa học nhiều lần nhắc nhở về kế hoạch bảo quản, bảo trì và trưng bày hệ thống di vật được đưa lên từ lòng đất Hoàng thành. TS. Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội cũng đau đáu khâu tiếp nhận và bàn giao di vật để phục vụ cho nghiên cứu trưng bày Bảo tàng Hoàng cung Thăng Long. Theo dự án được trình duyệt, tòa nhà Vaxuco ở góc đường Hoàng Diệu-Phan Đình Phùng sẽ được cải tạo, trở thành địa điểm bày hiện vật Hoàng cung.

Thiếu vắng bảo tàng Hoàng cung ảnh 1 Hệ thống di vật phong phú chưa được khai thác hết Ảnh: KỲ SƠN

“Số lượng di vật khai quật phong phú và đa dạng, đề xuất kiến nghị UBND TP. Hà Nội cho phép triển khai ngay nhiệm vụ tu sửa, nâng cấp tòa nhà của Bộ Quốc phòng để từng bước trưng bày di sản văn hóa Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Hoàng cung Thăng Long tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế”, PGS.TS. Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đề xuất.

Trưng bày về Hoàng thành Thăng Long không chỉ có hệ thống di vật phong phú, còn cả hệ thống di tích và kiến trúc qua chiều dài hơn nghìn năm lịch sử. Các nhà khảo cổ phát hiện nhiều dấu tích kiến trúc thời Đại La, thời Lý-Trần tại 18 Hoàng Diệu, khu vực xây dựng Nhà Quốc hội, khu vực vườn Hồng, tuy nhiên chưa có nhiều dấu tích kiến trúc thời Lê sơ, Mạc và Lê Trung Hưng. PGS.TS. Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành nhận định, phát hiện về dấu tích kiến trúc vừa qua (được suy đoán là cổng phía Nam của điện Cần Chánh-nơi làm vệc của nhà vua và triều đình Lê Trung Hưng) bổ sung và làm sáng rõ hơn phạm vi, quy mô phân bố các loại hình kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long, đặc biệt thời Lê sơ và Lê Trung hưng.

“Cần hoàn thiện và nghiệm thu dự án nghiên cứu phục dựng điện Kính Thiên cả phần vỏ kiến trúc qua 3D và phần nội dung, chức năng, nội thất sau khi được phục dựng. Đây có thể được coi là cơ sở trình thiết kế kỹ thuật trong tương lai”, PGS.TS. Đặng Văn Bài nói. Ngoài ra để tăng tính sống động cho khu di sản, ông đề xuất mạnh dạn triển khai nghiên cứu phục dựng lễ hội đền Quảng chiếu theo hướng thí điểm, vừa làm vừa tham khảo ý kiến. PGS.TS. Đặng Văn Bài từng nói, chưa biết có thể phục dựng được điện Kính Thiên hay không, nhưng ít ra phải xác định chất liệu, cấu trúc để có thể tái hiện bằng 3D.

Mất trăm năm nữa chưa “đào” xong Hoàng thành nếu cứ duy trì đà này, có lần PGS.TS. Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam nói, cũng phản ánh chân thực công việc bề bộn ở di sản này. Đó là việc của các nhà khảo cổ, nhưng đòi hỏi cần sớm có giải pháp để người dân, du khách nhận diện về khu kinh thành là điều có thật và chính đáng.

  

GS.TS. NGND Nguyễn Quang Ngọc, Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và phát triển thủ đô đề xuất năm 2020 tiếp tục mở rộng hố khai quật từ vách Nam về phía Nam theo hướng nền điện Kính Thiên. Ông nhận định với kết quả thu được, các nhà khảo cổ có thể chạm đến vị trí của các gác Long Đồ, điện Trường Xuân, điện Thiên Khánh, cầu Phượng Hoàng đầu đời vua Lý Thái Tông. Nếu mở rộng vách Tây về phía Tây có thể chạm tới vị trí của hai điện Long An và Nguyệt Minh được xây dựng trong năm định đô. Các nhà khoa học cũng đề xuất cần mở rộng thêm hố khai quật mới ngay trước thềm rồng điện Kính Thiên, tăng quy mô và đầu tư xứng đáng để tăng tốc nghiên cứu khôi phục điện Kính Thiên.

MỚI - NÓNG