Thì cũng đại khái lơ mơ, khó xác định giống khởi đầu trong bài “Trái tim không ngủ yên” của nhạc sĩ Thanh Tùng: “Nếu anh nói anh vẫn chưa yêu/Là thật ra anh đang dối mình/Còn anh nói đã trót yêu em rồi/Là hình như anh đang dối em…”, nếu tôi nói có quen anh Phú Quang thì có vẻ vơ vào quá, nhưng nói không quen thì cũng không thật đúng.
Tranh: Kim Duẩn |
Đầu những năm 90, đang ở giai đoạn đỉnh cao trong sự nghiệp và cũng là trong cuộc đời một người đàn ông, Phú Quang hay từ TPHCM ra Hà Nội. Thường là anh ra làm chương trình vì hồi đó nhạc Phú Quang và những chương trình anh làm đều đang rất đắt khách (thời điểm ấy, có lẽ cũng chỉ còn một nhạc sĩ ăn khách được như anh là Thanh Tùng với “Trái tim không ngủ yên”, “Giọt nắng bên thềm”, “Hoa tím ngoài sân”, …). Những lần như thế, một trong những chỗ anh hay ở là cái khách sạn nhỏ trên đường Quang Trung trông ra hồ Thiền Quang, ngay gần báo Tiền Phong nơi tôi hay đến gửi bài và lê la ở mấy quán nước chung quanh. Anh cũng hay đến ngồi với các văn nghệ sĩ ở mấy quán giải khát vỉa hè 51 Trần Hưng Đạo, trụ sở Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, trong đó có tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, nơi tôi làm việc.
Ảnh Phú Quang in kèm bài báo “ Phải cộng thêm hơn 40 năm của cuộc đời tôi” năm 1993 |
Thành thử, tôi cũng hay gặp và được nói chuyện với anh, phỏng vấn, viết bài về anh - một người lừng danh nhưng rất dễ gần. Một người nổi tiếng như anh ở thời điểm đầu những năm 90 mà lần tôi hẹn gặp ở một quán ở 57A Quang Trung, Hà Nội, tôi có việc đột xuất, đến muộn phải đến 20 phút (hồi đó chưa có điện thoại di động nên không báo muộn cho anh được), nhưng khi gặp anh vẫn tươi, không có vẻ gì là khó chịu. Khi tôi cảm ơn vì anh đã đợi, anh nói: “Mình rất tôn trọng báo chí”.
Có vẻ anh cũng có quý tôi một chút nên lần đứng ra làm đêm nhạc Văn Cao- Trịnh Công Sơn - Phú Quang ở Nhà hát Lớn (mà hồi ấy có người nói anh tuy thế mà cũng còn có hơi quá sức khi tự đứng chung vào nhóm với hai vị tiền bối đó), anh có gửi vé cho tôi. Chuyển cho cái cậu gì gì đó rất dễ thương hay đến báo Tiền Phong ấy. Người mà anh nhờ chuyển vé nói lại lời anh như thế.
Phú Quang là nhạc sĩ của nỗi nhớ Hà Nội, nhớ Bắc nên có lần cùng mấy người ngồi với anh ở quán của mẹ con chị Thanh Hoa (ca sĩ Thanh Hoa và con gái - nhà thơ Phan Huyền Thư hồi đó mở quán cà phê giải khát ngay trong khuôn viên 51 Trần Hưng Đạo), tôi đã xé sổ chép bài thơ “Nhớ Bắc” của nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ đưa cho anh.
Ai về xứ Bắc ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long
Ai nhớ người chăng? Ôi Nguyễn Hoàng!
Mà ta con cháu mấy đời hoang
Vẫn nghe trong máu sầu xa xứ
Non nước Rồng Tiên nặng nhớ thương
Vẫn nghe tiếng hát người quan họ
Xen nhịp từng câu vọng cổ buồn
Vẫn thương vẫn nhớ mùa vải đỏ
Mỗi lần phảng phất hương sầu riêng
Sứ mạng ngàn thu dễ dám quên
Chinh Nam say bước quá xa miền
Kinh đô nhớ lại xa muôn dặm
Muốn trở về quê, mơ cảnh tiên
Tôi hỏi liệu anh có phổ nhạc bài thơ này được không. Phú Quang chăm chú đọc, gấp tờ giấy lại, đút vào túi quần, nói “bài thơ hay, anh sẽ phổ”.
Đó là vào khoảng năm 1992 - 1993. Năm 1994, tôi chuyển hẳn qua báo Tiền Phong, vướng vào việc bếp núc ở toà soạn, không làm phóng viên nữa, dần ít đi la cà giao du với các văn nghệ sĩ. Tôi cũng không thấy Phú Quang đến ở chỗ khách sạn ven hồ ấy nữa.
Rất nhiều năm, tôi không gặp anh Phú Quang. Sau này, gặp anh ở một số sự kiện, tôi chào, anh tươi cười gật đáp nhưng tôi không chắc là anh có nhớ và nhận ra mình.
Tôi vẫn để ý nhưng không thấy xuất hiện bài hát “Nhớ Bắc”. Tôi không biết anh bỏ túi rồi quên hay có thử phổ nhạc mà không thành công. Tôi nghĩ anh “nợ” bài hát ấy.
* * *
Tôi tìm được hai bài báo cũ tôi viết về Phú Quang. Một là bài phỏng vấn có nhan đề “Phải cộng thêm hơn 40 năm của cuộc đời tôi” đăng trên Tiền Phong chủ nhật số ra ngày 30/11/1993. Tít bài báo như thế là do khi tôi nói rằng người ta nghĩ là anh viết bài hát quá nhanh, Phú Quang đáp, không nhanh đâu, phải cộng thêm vào đó hơn 40 năm của cuộc đời tôi. Xin trích một số câu của cuộc phỏng vấn xa xưa ấy:
“- Anh có coi “Em ơi, Hà Nội - phố” là một đỉnh cao của mình không?
- Đó là một trong những bài mà mình hài lòng.
- Một số người cho rằng Phú Quang gặp may trong bài này vì tứ thơ của Phan Vũ đã rất hay rồi.
- Một số bài hát phổ thơ bao giờ cũng có phần đóng góp của cả nhạc sĩ và nhà thơ. Mình không nghĩ là mình gặp may, mà là đồng điệu thì đúng hơn.
- Anh sống ở phương Nam, nhưng tình cảm với Hà Nội ở anh xem ra rất sâu nặng. Anh viết về Hà Nội nhiều không và còn những bài nào anh cho là thành công?
- Chủ quan thì mình coi “Im lặng đêm Hà Nội” và “Nỗi nhớ mùa đông” cũng không kém gì “Hà Nội phố”, nếu không nói là hay vượt.
- Anh sống ở thành phố Hồ Chí Minh mà luôn khôn nguôi nhớ về Hà Nội, cảm giác chắc không mấy dễ chịu?
- Mình là nghệ sĩ, lòng hướng về những miền đất lạ, nhịp sống hơi thở lạ nên vào đó sinh sống. Với mình, Sài Gòn giống như một khách sạn đầy đủ tiện nghi, còn Hà Nội là ngôi nhà thân thuộc của mình”.
Nhớ Hà Nội, Phú Quang nhớ nhiều thứ, nhưng cũng như Vũ Bằng, tác giả của “Thương nhớ mười hai” xưa, nỗi nhớ chủ đạo của anh là nỗi nhớ mùa đông. Tôi đã viết về anh bài báo có tít lấy luôn tên bài hát “Nỗi nhớ mùa đông” của anh. Không nhớ được là bài đã đăng ở báo nào, nhưng trong tủ của tôi còn lưu bản thảo viết tay đã ố vàng.
Lần ấy, tôi gặp Phú Quang ở 51 Trần Hưng Đạo. Anh bảo ra Hà Nội có việc gia đình, xong rồi nhưng thấy trời đông lạnh thích quá nên nán lại chơi thêm vài ngày. Đêm hôm trước, truyền hình báo nhiệt độ rất thấp, chỉ từ 9 đến 15 độ. Nhưng Phú Quang không chịu ngồi trong căn phòng tạp chí đã có sẵn ấm trà nóng. Anh kéo tôi ra ngồi một quán vỉa hè, nơi có tán cây sấu già xao xác trên đầu và gió lạnh từng cơn thổi thốc vào mặt.
Thì anh đã nói là anh thích mùa đông!
Thật ra, tôi đã cảm thấy điều này từ trước. Bởi trong bài hát “Em ơi, Hà Nội - phố” đã rất nổi tiếng thời điểm đó, trong những câu từ Phú Quang chắt lọc ra từ bài thơ trường thiên 24 khúc của Phan Vũ, có những câu ám ảnh thế này: “Ta còn em, cây bàng mồ côi, mùa đông/ Mái phố mồ côi, mùa đông/ Mảnh trăng mồ côi, mùa đông”. Và thêm một câu, “Mùa đông năm ấy, tiếng dương cầm trong căn nhà đổ”. Phan Vũ chỉ viết: “Ta còn em tiếng dương cầm/ trong khung nhà đổ” không có chỉ dấu thời gian. Phú Quang đã gắn mùa đông vào đó.
“Mình viết nhiều bài về mùa đông lắm” - Phú Quang bảo tôi. Và chắc tôi hiểu lý do của anh: Từ phương Nam nắng nóng, anh nhớ Hà Nội, nhớ cái mà Sài Gòn không bao giờ có được là lạnh giá mùa đông.
Một lần tôi hỏi là sau “Em ơi, Hà Nội phố” anh có ngại trở lại đề tài Hà Nội không, vì xà đã đặt ở mức quá cao rồi, hẳn anh không muốn ở lần nhảy mới lại chỉ qua một mức thấp hơn? Phú Quang đáp rằng “sẽ còn quay lại nhiều với đề tài này, bởi mục đích viết về Hà Nội không phải là để thành công hay không thành công mà là để trả cho một nỗi nhớ không bao giờ nguôi”.
Quay quắt nhất trong nỗi nhớ không nguôi đó chính là nỗi nhớ mùa đông. Nắng hè đổ lửa Sài Gòn dư thừa. Thoáng lạnh se se tiết thu Sài Gòn đôi khi cũng có. Nhưng mùa đông thì không. Bởi thế mà anh cứ trở đi trở lại nỗi nhớ ấy trong nhiều bài hát, phổ thơ người khác hoặc tự viết lời. Tất cả đều rất da diết.
Anh viết trong bài “Bâng quơ”: “Đôi khi ta nhớ một thoáng heo may/ Đôi khi ta nhớ một sớm sương vây/ Con đường mùa đông hàng cây lá đổ/ Đôi khi ta thèm lang thang như gió/ Đôi chân vô định về miền hư vô”. Anh dựa vào thơ Thảo Phương để: “Bỗng nhớ cánh buồm xưa ấy/ Giờ đây cũng bỏ ta đi/ Làm sao về được mùa đông/ Dòng sông đôi bờ cát trắng/ Làm sao về được mùa đông/ Để nghe chuông chiều xa vắng” (Nỗi nhớ mùa đông). Rồi không thể nào trở về với mùa đông thương nhớ được, anh đành biến những câu thơ của Thảo Phương: “Ừ thôi…/ Mình ra khép cửa/ Vờ như mùa đông đã về” thành “Thôi đành ru lòng mình vậy/ Vờ như mùa đông đã về”.
Anh nương thơ Tạ Quốc Chương để đi vào “Lãng đãng chiều đông Hà Nội”: “Chiều này mình ta lang thang trên phố nhạt nhòa/ Sương giăng trắng niềm mong chờ/ Chợt chiều đông lạnh giá đến bơ vơ”.
Cần phải thấy là nỗi nhớ mùa đông của Phú Quang không chung chung. Nó có thể cụ thể ở một ly cà phê nóng ấm trong một buổi sáng lạnh, ở cơn gió rét lướt trên mái phố, rạt rào trong những tán cây. Nó theo về trong cơn mưa bụi mùa đông khi mọi thứ trên người đều dính những giọt nước li ti mà không ướt. Hay là một sáng hồ Tây sương nặng. Hay một đêm với vòng tay ấm và cái hôn lạnh.
Hôm đó, Phú Quang nói với tôi rằng anh đã đưa chi tiết này vào một bài hát nhưng chưa công bố. Có người bạn Sài Gòn hỏi anh: Tại sao là một nụ hôn lạnh? Người đó dân xứ nóng không thể hình ung được một nụ hôn lạnh. Một đêm đông nào đó, một người con gái hẹn anh, chờ anh dưới một hàng cây. Khi anh đến, cái hôn đầu tiên là của một đôi môi lạnh giá.
Trong các mùa đông Hà Nội, Phú Quang đặc biệt nhớ những ngày tháng Chạp năm 1972. Cũng như Phan Vũ trong trường ca của mình đã dành hẳn cho tháng Chạp năm đó cả một khúc thứ 20 (và đây là một trong hai đoạn trong bài thơ được đặt tiêu đề - “Riêng về một tháng Chạp”).
Đúng 21 năm về trước tính từ thời điểm anh đang ngồi run trên hè phố với tôi, dãy phố Khâm Thiên trong đó có căn nhà của anh đã bị B52 hủy diệt, một người bạn của anh đã chết trong căn nhà ấy. Đài kỷ niệm chiến thắng B52 dựng ngay cạnh chỗ căn nhà cũ của anh. Kỷ niệm đau xót ấy, nỗi nhớ ấy vẫn dai dẳng, khôn nguôi để biến thành câu hát “Mùa đông năm ấy, tiếng dương cầm trong căn nhà đổ”.
Tôi viết những dòng này để nhớ anh Phú Quang, một người tài hoa, đôn hậu (tôi cảm giác thế, không biết rõ vì không đủ gần anh) và rất tinh tế mà tôi đã gặp trong khi hành nghề viết.
Viết trong một đêm Hà Nội cũng rét tuy non tháng nữa mới đến tháng Chạp thương nhớ của anh.
Sáng nay, tôi đọc một bài thật lớn tràn hai trang về anh trên báo Tiền Phong. Bài của một người thực sự quen anh, thân gần với anh một thuở. Bài đó kết như thế này: “Ngọn lửa hè đã tắt thật rồi. Mùa hạ còn đâu. Xin mùa hạ yên nghỉ. Hà Nội phố nhớ anh”. Sở dĩ như thế là vì Phú Quang cũng phổ thơ bài “Mùa hạ còn đâu” của Hoàng Hưng.
Còn tôi, cũng xin học theo để viết dòng cuối tiễn anh: Tiễn biệt anh, tiễn biệt một nỗi nhớ mùa đông. Mùa đông Hà Nội nhớ anh!
Đêm 10/12/2021.